Câu chuyện một người đàn ông, được vũ trang với chỉ một chiếc máy tính, nhưng đã khuấy đảo cả một hệ thống ngân hàng lớn, lại xuất hiện. Lần này nạn nhân là Ngân hàng UBS AG của Thụy Sĩ và thủ phạm chính là nhân viên của họ.
Vụ “phá hoại” lớn nhất trong ngành ngân hàng Thụy Sĩ
Một bức ảnh chân dung của Adoboli đăng trên trang thông tin riêng của anh này ở mạng xã hội Facebook |
“Xét quy mô của vụ này, chúng tôi thấy nó là lớn nhất từng xảy ra trong một ngân hàng ở Thụy Sĩ” - Tobias Lux, phát ngôn viên của Cơ quan điều phối hoạt động ngân hàng Thụy Sĩ, cho hãng tin AP biết.
Thông tin chi tiết về vụ lừa đảo không có nhiều. UBS chỉ tiết lộ những mất mát tài chính họ phải gánh chịu xuất phát từ các “giao dịch không được phép”. Ngân hàng nói rằng họ lỗ 2 tỉ USD, đủ lớn để khiến hoạt động làm ăn của cả quý 3 xem như thất bại.
Đây có thể xem là đòn giáng nặng nề nữa nhằm vào UBS. Ngân hàng hiện đang vật lộn để khôi phục danh tiếng, sau khi thua lỗ nặng từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và vụ bê bối trốn thuế. Năm 2008, ngân hàng đã phải vay 60 tỉ USD từ Chính phủ để tránh khỏi sụp đổ.
Gã lừa đảo trầm tính và bặt thiệp
Theo bạn bè và các thông tin do báo giới thu được, Kweku Adoboli có gốc Ghana, là con của một quan chức cao cấp của Liên Hợp Quốc. Anh ta lớn lên tại Israel, Syria và Iraq, trước khi được gửi tới ngôi trường Ackworth danh giá ở Anh với học phí gần 40.000 USD/năm. Tờ Times of London nói rằng ở ngôi trường này Adoboli tỏ ra vượt trội trong việc học hành.
Trong hồ sơ lưu ở trường, Adoboli nói rằng bản thân muốn làm vận động viên hoặc kỹ sư hoá chất khi lớn lên. “Nếu cuộc đời chỉ là việc thắng hay thua thì tại sao thể thao không là nơi ấy” - Adoboli viết. Adoboli tốt nghiệp Đại học Nottingham vào tháng 7/2003 với bằng ưu ngành khoa học máy tính và quản trị.
Vụ lừa đảo như một cái tát giáng thẳng vào nỗ lực khôi phục danh tiếng
và hoạt động làm ăn của Ngân hàng UBS
và hoạt động làm ăn của Ngân hàng UBS
Hồ sơ lưu trên mạng xã hội LinkedIn nói rằng Adoboli đã làm việc trong 5 năm qua tại đơn vị giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng UBS trong vai trò một nhà phân tích. Cho tới cách nay 4 tháng rưỡi, anh này sống tại một căn hộ có giá 6.320 USD/tháng ở phố Brune, cách nơi làm có 13 phút đi bộ. Chủ nhà Philip Octave mô tả anh ta là người “ăn mặc bảnh bao”, “nói chuyện có duyên” và trầm tính. Theo ông, Adoboli không phải mẫu người “sạch sẽ nhất” ông từng gặp, nhưng cũng không phải dạng thích đàn đúm tiệc tùng hay luộm thuộm bừa bãi. Adoboli dọn tới sống ở Stepney, cũng không xa so với nơi làm, ở trong một căn hộ cùng bạn gái lâu năm.
Nhìn chung, mọi thứ trong cuộc đời Adoboli đều cho thấy anh ta trông giống nghệ sĩ hơn là một nhân viên nhà băng. Anh ta giữ sự nghiệp và cuộc sống cá nhân khác tách biệt. Trên mạng xã hội Facebook, Adoboli nhận mình là dân nhiếp ảnh nghiệp dư, yêu âm nhạc và thích đạp xe. Bạn bè thân ít người biết anh ta là dân ngân hàng, chưa nói tới vụ bê bối làm mất đi 2 tỉ USD.
“Anh ấy là fan cuồng của những thứ đẹp đẽ” - Sanjhana Moon, một nhiếp ảnh gia từng tiếp xúc với Adoboli cách nay 3 năm và có cho anh này những lời khuyên để chụp ảnh đẹp nhận xét - “Anh ấy là người rất dễ mến, trung thực và rộng lượng”.
Dấu hỏi về vấn đề an ninh trong nội bộ ngân hàng
Nếu những lời buộc tội được chứng thực, Adoboli sẽ là tay lừa đảo trong nội bộ ngân hàng đã gây nên thiệt hại tài chính lớn thứ 3 trong lịch sử. “Thành tích” của anh ta chỉ đứng sau Jerome Kerviel, kẻ khiến Ngân hàng Societe General thiệt hại 6,7 tỉ USD hồi năm 2008 và Yaduo Hamanaka, nhân vật thổi bay 2,6 tỉ USD tiền vốn của Tập đoàn Sumitomo trong những năm 1990.
Các vụ lừa đảo như thế đã làm chấn động thế giới tài chính. Các ngân hàng tìm cách siết chặt quy định để khiến các giao dịch quy mô lớn không thể thực hiện được, hoặc nằm dưới sự kiểm soát. Tuy nhiên các biện pháp này, được thiết kế để bảo vệ công chúng và cổ đông của các ngân hàng, xem ra đã thất bại.
Tường Linh
Theo TT&VH
0 nhận xét