Tâm lý “Đồng tiền đi liền khúc ruột”
Nơi ở và nơi kinh doanh vàng là một cũng là nguyên nhân khiến an ninh bị đe dọa |
Trước và sau khi xảy ra vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, trên cả nước đã có khá nhiều vụ cướp các tiệm vàng. Ở mỗi vụ việc, số lượng vàng bị cướp, số nạn nhân thương vong khác nhau, nhưng đều cho thấy tình trạng an ninh tại các tiệm vàng hiện nay rất bất ổn.
Tâm lý “đồng tiền đi liền với khúc ruột” đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người Việt. Lối suy nghĩ này đã được hiện thực ngay trong hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng vàng. Hầu hết ở các cửa hàng vàng đang tồn tại trên thị trường hiện nay đều theo mô hình cửa hàng gia đình. Tức là gia đình kinh doanh vàng thường sinh sống ngay tại nơi buôn bán, trao đổi vàng. Mô hình này vô tình lại là điều kiện cho những vụ cướp của giết người được thực hiện một cách dễ dàng. Vụ thảm án tại tiệm vàng ở Bắc Giang là một điển hình.
Hơn nữa, việc gia đình chủ tiệm vàng sinh hoạt ngay tại nơi buôn bán cũng khiến cho kẻ gian có cơ hội lân la, quan sát kỹ đặc điểm ngôi nhà trước khi ra tay. Thêm vào đó, việc sinh hoạt không riêng rẽ ấy đôi khi để lộ nhiều sơ hở.
Trong vụ cướp ở Bắc Giang, hệ thống cửa sổ của ngôi nhà chỉ lắp kính chứ không hề có chấn song. Hoặc trong vụ mất trộm hơn trăm cây vàng tại tiệm vàng Kim Vân (ở số 54, tổ 2, ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) thì nguyên nhân lại do gia chủ mất cảnh giác, quên đóng cửa sổ khi đi vắng.
Hầu hết các vụ cướp tiệm vàng đều xảy ra ở các cửa hàng nhỏ, hoạt động theo mô hình cửa hàng gia đình. Ngoài nguyên nhân dễ nhận thấy là hệ thống giám sát an ninh ở những nơi này chưa tương xứng với giá trị mặt hàng kinh doanh thì còn bởi các cửa hàng này thường nằm rải rác trong khu dân cư, sự đơn lẻ của các cửa hàng vàng cũng tạo điều kiện cho kẻ gian dễ bề hành động. Cùng với đó, do tâm lý đã sinh sống ngay tại nơi buôn bán nên hầu hết các cửa hàng vàng này đều chủ quan, không có bảo vệ chuyên trách.
Ở một số công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý, vấn đề an ninh có phần được đảm bảo hơn bởi ít nhất, những điểm kinh doanh này đã có sự riêng rẽ về địa điểm kinh doanh. Ngoài thời gian dao dịch, ở những nơi này được thuê bảo vệ 24/24. Các thiết bị an ninh ở những điểm kinh doanh này cũng đặc biệt được chú trọng.
Giải pháp nào cho vấn đề an ninh?
Giới kinh doanh vàng giật mình nhìn lại vấn đề an ninh sau "đợt sóng dữ mang tên Luyện" |
Chẳng phải “mất bò mới lo làm chuồng” nhưng từ khi vụ thảm án tại tiệm vàng ở Bắc Giang xảy ra, giới kinh doanh vàng đã có dịp nhìn lại vấn đề an ninh tại các điểm buôn bán, giao dịch vàng. Nhiều gia đình kinh doanh vàng đã “chi mạnh tay” trong việc mua sắm các thiết bị an ninh hiện đại nhất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, liên quan đến vấn đề an ninh cho các tiệm vàng, đại diện một số cửa hàng vàng trên phố Hàng Bạc – Hà Nội cho biết, ở mỗi cửa hàng đều có gắn camera theo dõi, đồng thời gắn chuông báo động tại các quầy hàng để có thể chủ động được trong các tình huống có thể xảy ra. Chuông báo động được kết nối trực tiếp với lực lượng công an phường sở tại, vì vậy nếu có vấn đề bất trắc xảy ra, ngay lập tức, lực lượng công an sẽ có mặt để giải quyết. Đây có thể nói là một cách làm hay, góp phần đảm bảo an ninh về người và của cho các cửa hàng vàng.
Mở rộng tầm nhìn ra các nước khác, mô hình kinh doanh những kim loại giá trị được tính toán khá kỹ nhằm đảm bảo vấn đề an ninh. Bạn Hoàng Sơn – một độc giả của VnMedia – chia sẻ: “Tôi đang sống ở Đức và thấy rằng, tất cả các cửa hàng kinh doanh ở nước này(không chỉ riêng tiệm vàng) đều không được phép ở. Nếu là ở Thành phố thì dường như 100% các cửa hàng kinh doanh buôn bán đều không có chức năng để ở. Còn ở nông thôn, nếu được phép kinh doanh tại nhà thì cũng phải đảm bảo sự riêng biệt giữa cửa hàng, kho bãi và nơi ở. Điều này giúp nhà nước quản lý được mạng lưới kinh doanh buôn bán nói chung và hệ thống kinh doanh nhỏ lẻ (tiểu thương) nói riêng, nhằm đảm bảo quyền lợi thu thuế của nhà nước cũng như sự an toàn của người kinh doanh và người tiêu dùng.”
Theo VnMedia
0 nhận xét