Bước ngoặt để ông Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi, sau 4 lần thi đại học không thành. |
Theo giới thiệu của Wall Street Journal, ông Đoàn Nguyên Đức là một trong số những người có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước, ông Đức cũng tham gia các lĩnh vực nhu cao su, đồ gia dụng và thủy điện.
Ngoài ra, Wall Street Journal cho hay, ông Đức cũng sở hữu một trong những đội bóng hàng đầu của Việt Nam và là người đầu tiên mua máy bay riêng kể từ khi Việt Nam giải phóng và thống nhất đất nước năm 1975 tới nay.
Năm 2010, ông Đức đứng thứ hai trong danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong nước. Chốt phiên giao dịch ngày 31/12/2010, 147 triệu cổ phiếu HAG do ông Đức đang nắm giữ có giá trị gần 11.900 tỷ đồng. Ông Đức từng dẫn đầu Top 100 hai năm liên tiếp 2008 và 2009.
Được biết, ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sinh năm 1962, ở vùng quê Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định. Năm 1965, gia đình ông đã di cư lên An Phú, Pleiku, Gia Lai sinh sống. Ở phố núi này, mọi người quen gọi ông là "Ba Đức". Còn cái tên "bầu Đức" xuất hiện sau này khi ông trở thành ông chủ câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi, sau 4 lần thi đại học không thành. Ông từng tâm sự, "chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ. Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu...". Ông rất thích câu nói: “Trường đại học của tôi chính là trường đời”.
Từ năm 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện lớn như việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007…
Đầu năm 2008 ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Và sau đó là việc ông tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD). Điều đặc biệt là ông tậu chiếc máy bay này từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của tập đoàn.
Đứng đầu danh sách doanh nhân quyền lực Đông Nam Á năm nay là Aburizal Bakrie, ông chủ tập đoàn Bakrie (Indonesia). Người đứng thứ hai là Putra Sampoerna, Chủ tịch tập đoàn Sampoerna (Indonesia). Ngôi vị thứ ba thuộc về Anthoni Salim, Giám đốc điều hành tập đoàn Salim, cũng của Indonesia.
Gương mặt nữ duy nhất trong danh sách là bà Chua Sock Koong, Giám đốc điều hành tập đoàn SingTel của Singapore.
Theo VnEconomy
0 nhận xét