Theo AFP, trong những ngày cuối cùng của chế độ, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã bán hơn 20% số vàng dự trữ của nước này, trị giá hơn 1 tỉ USD.
Thống đốc ngân hàng trung ương Libya Qassem Azzoz ngày 8-9 cho biết bắt đầu từ tháng 4, ông Gaddafi đã bán khoảng 29 tấn vàng với tổng trị giá 1,7 tỉ dinar (khoảng 1,4 tỉ USD) cho các thương gia khi chế độ này cạn tiền mặt do các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ông Gaddafi được cho là đã bán 20% số vàng dự trữ của Libya để có tiền mặt thanh khoản. Ảnh: AFP
Số tiền thu về dùng để trả lương và để có khả năng thanh khoản, đặc biệt ở thủ đô Tripoli. Giới phân tích tin rằng Libya dự trữ đến 145 tấn vàng.
Trước đó, cũng có tin một đoàn xe quân sự 10 chiếc chở tiền, vàng từ Libya đã vượt biên sang Niger. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo Niger nên bắt giữ các quan chức Libya tháo cháy và hoàn trả tài sản cho người dân Libya.
“Ít nhất 30.000 người bị giết và 50.000 người bị thương trong cuộc nội chiến kéo dài 6 tháng ở Libya” - Bộ trưởng Y tế lâm thời Libya - Naji Barakat - cho biết. |
Hiện tổng tài sản của ngân hàng trung ương Libya là khoảng 115 tỉ USD, trong đó 90 tỉ USD đang ở nước ngoài. “Tài sản trong ngân hàng trung ương không hề bị đánh cắp, kể cả vàng và tiền. Phần bị bán chỉ nằm trong số vàng dự trữ. Tuy nhiên, chế độ Gaddafi đã cất giấu nhiều tài sản bên ngoài hệ thống ngân hàng” – ông Azzoz nói.
Chính quyền mới tại Libya tỏ ra tự tin về khoản tiền mặt đang có trong tay, tương đương 200% GDP. Theo họ, số tiền này đủ để cầm cự trong 2 năm trước khi lợi nhuận từ dầu mỏ trở về mức trước chiến tranh.
Quân nổi dậy bắn pháo ở Om El Khanfousa, gần thành phố Sirte. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã nã tên lửa Grad vào phe đối lập ở ngoại ô thị trấn Bani Walid, nơi có hàng ngàn tay súng đang tụ tập. Chưa có báo cáo thiệt hại của vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp (NTC) tuyên bố phe trung thành với ông Gaddafi cự tuyệt đầu hàng trong hòa bình.
Dự kiến, NTC sẽ tấn công Bani Walid vào ngày 10-9, nhưng cũng cảnh báo sẽ nổ súng sớm hơn nếu có nguy cơ bị tấn công.
Cùng lúc, phe đối lập đang tiến về thành phố Sirte, quê hương của ông Gaddafi. Trước mắt, một chỉ huy quân nổi dậy tên Mustafa Bendaraf thông báo vừa chiếm được thung lũng Red, cách Sirte khoảng 60 km. Thung lũng này là tuyến phòng thủ chính dẫn tới Sirte.
Libya thất thoát vũ khí hạng nặng Phương Tây và các tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi phe nổi dậy Libya đảm bảo an toàn cho các kho vũ khí chiếm được của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, nhiều loại vũ khí hạng nặng, từ đạn pháo xe tăng, đạn súng cối, mìn… đến tên lửa tầm nhiệt, biến mất khỏi các kho chứa tại Libya, gây lo ngại chúng có thể lọt ra chợ đen và vào tay khủng bố. Theo CNN, một số tổ chức phi chính phủ cho hay đã phát hiện hàng chục thùng rỗng từng chứa tên lửa vác vai Igla-S, hay còn gọi là SA-24 Grinch. Đây là loại vũ khí có thể bắn hạ máy bay ở độ cao 3.350m với tầm bắn lên đến 5.800m. Họ cũng tìm thấy nhiều thùng trống dán nhãn tên lửa SA-7 Grail. Hai loại vũ khí này đều do Nga sản xuất. Sau khi NATO không kích Tripoli, chính quyền Gaddafi đã di dời vũ khí đến hàng trăm kho phi quân sự. Ảnh: AFP Tờ The New York Times cũng đưa tin các quốc gia láng giềng của Libya như Niger và Chad đều cảnh báo một số lượng lớn vũ khí đã được buôn lậu vào nước họ và đang thẳng tiến đến tay al-Qaeda. Trong nhiều thập niên qua, chính quyền Gaddafi đã tích trữ một lượng vũ khí khổng lồ. Khi NATO bắt đầu không kích Libya, số vũ khí này được di dời tới hàng trăm cơ sở phi quân sự như nhà kho gia đình, công ty, cánh đồng... Hai tuần sau khi Tripoli rơi vào tay quân nổi dậy, các kho vũ khí này bị cướp phá nghiêm trọng. Ngày 4-9, các đại diện của NTC đến Tripoli để thanh sát một kho vũ khí, nơi đang chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tên lửa tầm nhiệt đất đối không, bao gồm loại SA-24 hiện đại do Nga sản xuất và loại SA-7 cũ hơn. Chỉ hai ngày sau, một lượng lớn tên lửa này đã biến mất và NTC cũng không hề biết ai lấy chúng đi. Theo AP, năm 2002 Al-Qaeda từng sử dụng tên lửa SA-7 để bắn một máy bay Israel nhưng trượt mục tiêu. Một số chuyên gia cho rằng nếu có tên lửa SA-24, chắc chắn chúng đã thành công. Nhiều vũ khí hạng nặng của Libya biến mất, dẫn đến lo ngại về tình hình an ninh khu vực. Ảnh: AP Những tài liệu mới tìm thấy ở Tripoli cho thấy chính quyền Gaddafi mua ít nhất 7.592 tên lửa SA-24, trong khi con số thực tế có thể lên đến 20.000. Chỉ một phần trong số tên lửa này rơi vào tay khủng bố thì toàn bộ khu vực Bắc Phi sẽ trở thành “vùng cấm bay” và “đó sẽ là một thảm họa đối với hàng không thương mại trong khu vực”. Tuy tên lửa tầm nhiệt rất đáng ngại, nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đối với người dân Libya hậu chiến là đạn pháo xe tăng và đạn súng cối. “Chỉ cần một quả đạn pháo là đã có thể tạo ra một xe bom. Mà các kho vũ khí ở Iraq chỉ là con số nhỏ so với những gì vừa được tìm thấy ở Libya” – một chuyên gia nói, liên hệ với thực tế đẫm máu ở Iraq. Lượng đạn pháo và mìn ở Iraq hậu chiến đã “giúp” các nhóm khủng bố chế tạo xe bom, áo bom suốt 8 năm qua, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn lính Mỹ và hàng chục ngàn người Iraq. |
Bằng Vy (Theo AFP, Telegraph, Reuters)
Theo NLĐ
0 nhận xét