Doanh nghiệp (DN) đang “ngạt thở” vì lãi suất cao, giá cả tăng. Thế nhưng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, từ nay đến cuối năm, DN vẫn phải tiếp tục gồng mình vì tình hình không mấy khả quan. Nguyên do, chính sách tài khóa của nhà nước chưa phát huy được hiệu quả, do tình hình đầu tư không được cải thiện, cắt giảm đầu tư công gần như không hiệu quả.
Lãi suất phập phồng
Phát biểu tại hội thảo “Ngân hàng – doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ” vừa được tổ chức tại TPHCM, TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng khẳng định: “Lãi suất ở Việt Nam cao nhất thế giới”. Cụ thể, lãi suất huy động của Việt Nam đến 14%/năm, trong khi các nước như Ukraine cao nhì cũng chỉ 12,5%/năm, Pakistan 9,8%/năm, Ấn Độ 9%/năm, Úc 6,4%/năm, Indonesia 6%/năm… Chính lãi suất ở Việt Nam cao như vậy đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Đã vậy, trước chính sách thắt chặt tiền tệ theo Nghị quyết 11/CP, từ đầu năm đến nay, lượng cung tiền và tín dụng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, giá trị huy động thấp hơn dư nợ, cho thấy ngân hàng chưa thực sự thoải mái về nguồn vốn cho vay. Vì vậy, DN gặp khó khăn về nguồn vốn. Từ đó, dẫn đến sản lượng sản xuất công nghiệp giảm sút, chỉ đạt khoảng 8,8%, thấp hơn so với cùng kỳ.
|
Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: THANH TÂM |
Hiện DN đang phải đối mặt với chi phí lãi vay quá cao, đến 23%/năm, thậm chí có ngành phải vay đến 25%/năm. Khi chi phí lãi vay tăng lên thì hiệu quả kinh doanh DN suy giảm mạnh. DN gặp khó khăn, trong đó DN ngành bất động sản khó khăn nhất. Trong nửa năm, dư nợ bất động sản đến gần 250.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, đáng lo ngại là tỷ lệ nợ xấu lên đến 12%, cao hơn các nước trong khu vực (Thái Lan 6%, Malaysia 7%...). Theo thống kê của các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, đến 90% các công ty có lợi nhuận bị giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, vào cuối năm sẽ hạ nhiệt lãi vay. Bởi vì, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tỷ lệ cho vay trên thị trường 2 cao hơn 20% vốn huy động. Điều này sẽ giúp vốn các ngân hàng lớn chuyển sang ngân hàng nhỏ nhiều hơn, sẽ làm giảm căng thẳng và điều hòa vốn của các ngân hàng thương mại. Như vậy, lãi vay sẽ giảm. Hơn nữa, theo Nghị quyết 11, tín dụng và cung tiền những tháng cuối năm khá lớn. Các ngân hàng sẽ được phép cho vay ra nền kinh tế thêm khoảng 238.000 tỷ đồng, gấp đôi tiến độ giải ngân bình quân của những tháng trước. Tổng phương tiện thanh toán còn lại cho 5 tháng cuối năm cao gấp 5 lần tiến độ giải ngân của 7 tháng đầu năm.
Doanh nghiệp sẽ tiếp tục... “gồng”?
Tuy theo dự đoán có sáng sủa vào những tháng tới nhưng nhiều DN vẫn lo lắng vì đến cuối năm là thời điểm đáo nợ, trả lãi hoặc thanh toán các hợp đồng vay vốn. DN sẽ đối mặt với khó khăn trong việc mua USD để trả nợ ngân hàng. Còn các DN bất động sản trước đây đã vay gần hết biên độ cho phép, do vậy sẽ ít có đồng vốn chảy vào lĩnh vực này. Do quy định đến cuối năm, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất chiếm không quá 16% tổng dư nợ (tương đương 368.000 tỷ đồng). Trong khi đó, với dư nợ trong lĩnh vực bất động sản 6 tháng đầu năm 2011 đã là 245.000 tỷ đồng (ước tính cả năm 2011 là 295.000 tỷ đồng). Như vậy, nguồn cung thêm cho bất động sản sẽ rất thấp.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, có thể những tháng cuối năm, Chính phủ sẽ ưu tiên kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để ổn định kinh tế nên sẽ khó có đợt cung tiền mạnh như những năm trước. Cho nên, nguồn vốn cho vay cũng sẽ chưa dồi dào. Do vậy, DN cần cương quyết xử lý các khó khăn tài chính, cắt bỏ những hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trước khi tìm cách huy động vốn.
Theo Th.S Bùi Văn, chuyên gia kinh tế, để giải quyết khó khăn hiện nay, chính sách tài khóa là cực kỳ quan trọng vì Việt Nam có tỷ lệ đầu tư công quá lớn. Do vậy, cần phải đẩy mạnh cắt giảm đầu tư công một cách quyết liệt, đồng thời kiểm soát thị trường bất động sản, đề phòng nguy cơ nợ xấu tăng cao. Và để kiểm soát lãi suất, Th.S Bùi Văn đề nghị thanh tra toàn diện các tổ chức tín dụng. Buộc các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc về lãi suất, đảm bảo vốn cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh.
HÀN NITheo Th.S Bùi Văn, chuyên gia kinh tế, để giải quyết khó khăn hiện nay, chính sách tài khóa là cực kỳ quan trọng vì Việt Nam có tỷ lệ đầu tư công quá lớn. Do vậy, cần phải đẩy mạnh cắt giảm đầu tư công một cách quyết liệt, đồng thời kiểm soát thị trường bất động sản, đề phòng nguy cơ nợ xấu tăng cao. Và để kiểm soát lãi suất, Th.S Bùi Văn đề nghị thanh tra toàn diện các tổ chức tín dụng. Buộc các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc về lãi suất, đảm bảo vốn cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh.
Theo SGGP
0 nhận xét