Tờ Yomiuri Shimbun cho biết Mitsubishi Heavy Industries (MHI) lần đầu phát hiện vụ tấn công vào ngày 11/8.
"Không phủ nhận khả năng có thông tin rò rỉ"
Khoảng 80 máy tính nhiễm virus đã được nhận dạng tại trụ sở công ty, cũng như tại các địa điểm sản xuất, nghiên cứu và phát triển như Xưởng đóng tàu và Chế tạo máy Kobe, Xưởng đóng tàu và Chế tạo máy Nagasaki cùng Xưởng sản xuất Hệ thống dẫn động và Điều khiển Nagoya.
Trong số trên, xưởng đóng tàu Kobe hiện đang đóng các tàu ngầm và cho ra đời linh kiện giúp xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Còn xưởng Nagoya chế tạo tên lửa có điều khiển và động cơ tên lửa. Có ít nhất 8 loại virus máy tính khác nhau nằm trong những máy tính bị lây nhiễm, gồm virus Trojan chuyên đánh cắp thông tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa đã phải
mở cuộc họp báo về vụ tấn công vào MHI
mở cuộc họp báo về vụ tấn công vào MHI
"Chúng tôi phát hiện rằng một số thông tin hệ thống như địa chỉ Internet đã bị lọt ra ngoài" - một phát ngôn viên của MHI nói với báo giới - "Chúng tôi không phủ nhận khả năng nhỏ việc sẽ có thêm thông tin rò rỉ, nhưng hiện các dữ liệu quan trọng về các sản phẩm hoặc công nghệ thuộc sở hữu của chúng tôi vẫn được giữ an toàn".
Điều đáng nói là MHI đã giữ nhẹm thông tin không báo cáo với Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Kết quả là giới chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ biết tin qua kênh báo chí. Tuy nhiên việc che giấu thông tin có nghĩa MHI đã vi phạm thoả thuận trong hợp đồng ký với Bộ Quốc phòng, vốn yêu cầu các công ty phải thông báo ngay lập tức nếu có bất kỳ hiện tượng thông tin mật hoặc nhạy cảm bị xâm hại. "Việc xác định thông tin quan trọng hay không là thuộc quyền của Bộ Quốc phòng, chứ không nằm trong tay công ty MHI. Lẽ ra công ty phải lập ngay một báo cáo về sự việc" - một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Quốc phòng bày tỏ sự phẫn nộ với hãng tin Reuters.
Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 20/9, Bộ Quốc phòng Nhật đã lên tiếng trấn an dư luận. "Chúng tôi chưa thấy về việc có bất kỳ dữ liệu quan trọng nào lọt ra ngoài" - Bộ trưởng Yasuo Ichikawa nói - "Bộ Quốc phòng có nhiều quan hệ làm ăn với công ty và sẽ hướng dẫn họ thực hiện một cuộc điều tra nhằm vào hệ thống kiểm soát thông tin của mình. Bộ sẽ liên tục giám sát tình hình và mở cuộc điều tra riêng nếu thấy cần thiết"
Nơi sản xuất những vũ khí "khủng"
Mối quan ngại của dư luận là có thể hiểu được bởi MHI hiện là nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản. Công ty có truyền thống lâu đời trong việc tham gia sản xuất vũ khí cho Nhật Bản. Trong Thế chiến thứ 2, các xưởng đóng tàu MHI ở Nagasaki và Kobe đã sản xuất đủ loại tàu chiến cho chính quyền, gồm con tàu chiến lớn nhất thế giới khi đó là Musashi. Ngoài ra, MHI còn góp sức cho ra đời khoảng 4.000 máy bay ném bom và 14.000 chiếc chiến đấu cơ Zero nổi tiếng.
Thời hiện đại, hầu hết các tàu khu trục nổi tiếng của Nhật đều do MHI đóng. Chúng gồm tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển loại Hatakaze, tàu khu trục mang tên lửa loại Atago (tàu chiến tiêu chuẩn Aegis) và tàu khu trục mang tên lửa loại Takanami - mẫu tàu chiến hiện đại nhất của Nhật.
MHI sản xuất nhiều vũ khí cho quân đội Nhật Bản, gồm cả các hệ thống tên lửa Patriot
Công ty cũng sản xuất tàu ngầm Oyashio, tàu ngầm Soryu và tàu Harushio, với chất lượng được đánh giá cao. "Người Nhật rất giỏi trong việc sản xuất các tàu ngầm thông thường cỡ lớn - những vũ khí nhằm trong nhóm thiết bị phức tạp nhất. Họ cũng thêm vào cho các tàu ngầm này các cải tiến về cơ khí, điện tử và điều khiển. Vì thế chúng là mục tiêu thu hút sự tấn công của tin tặc, với cái đích tối cao là chiếm đoạt được mẫu thiết kế tàu ngầm" - Andrew Davies, một chuyên gia phân tích về chiến tranh trên không gian mạng của Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược ở Australia đánh giá.
MHI hiện còn là công ty duy nhất sản xuất máy bay chiến đấu gắn cánh cố định cho quân đội Nhật Bản. Sản phẩm của họ là những chiếc chiến đấu cơ F-15, sau khi được phía Mỹ cấp phép sản xuất. Công ty cũng được phép chế tạo hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Patriot và sản xuất tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow.
Có thể nói sản xuất vũ khí, thiết bị quốc phòng là một trong những lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận chính cho MHI. Tính từ tháng 3/2009-3/2010, công ty đã giành được 215 hợp đồng sản xuất vụ khí trị giá 3,4 tỉ USD từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tức chiếm 1/4 chi tiêu ngân sách quân sự của Bộ. Vì thế, giới phân tích đánh giá vụ tấn công của tin tặc sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho công ty. "MHI vẫn đang đánh giá vụ bị tin tặc tấn công nên chưa thể biết tác động của nó lên công ty lớn tới đâu. Nhưng vì ngành quốc phòng đóng vai trò rất quan trọng với hoạt động của công ty nên đây rõ là tin tức rất xấu" - Mitsushige Akino, một nhà phân tích ở công ty Quản lý Đầu tư Ichiyoshi đánh giá.
Sẽ kết thúc điều tra trong tháng 9
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đã yêu cầu Mitsubishi điều tra việc làm lộ thông tin nhạy cảm. Nếu thực sự có tin tức quốc phòng quan trọng bị lấy mất, công ty sẽ đối diện với những án phạt rất nặng.
Chưa rõ ai là thủ phạm đứng sau vụ tấn công kể trên. Tờ Yomiuri dẫn nguồn cuộc điều tra do một công ty an ninh mạng ở Nhật tiến hành cho thấy các kết nối từ máy tính của MHI đã dẫn tới 14 địa điểm nằm ở nước ngoài, gồm ít nhất 20 máy chủ đặt tại Trung Quốc và Hong Kong (TQ), bên cạnh Mỹ và Ấn Độ. MHI đã từ chối bình luận về sự kiện, chỉ nói rằng họ sẽ cố kết thúc cuộc điều tra nội bộ trước cuối tháng 9.
Được biết sách trắng quốc phòng của Nhật Bản công bố hồi tháng trước đã kêu gọi việc bảo vệ tốt hơn chống lại các cuộc tấn công trên không gian ảo, sau nhiều vụ đột nhập vào máy tính của các nhà thầu quân sự tại Mỹ, gồm cả các tên tuổi lớn như hãng Lockheed Martin. Hồi tháng 7 vừa qua, phía Mỹ cũng tiết lộ rằng 24.000 hồ sơ quốc phòng quan trọng đã bị đánh cắp khỏi một nhà thầu quân sự ở nước này.
Tường Linh
Theo TT&VH
0 nhận xét