SHS liệu đã kết thúc hành trình tăng giá ngoạn mục?
VSP: “Tàu ma” trở lại
Nếu tìm một nghịch lý nào về sự tréo ngoe giữa phân tích cơ bản với biến động giá cổ phiếu thì “con tàu ma” VSP xứng đáng là đại diện tiêu biểu nhất. Không cần biết tài sản của VSP được ẩn giấu ở đâu mà chỉ có những cặp mắt thiên tài phân tích mới nhìn thấy, bất chấp mọi điều kiện thời tiết, “tàu ma” đã ra khơi là cưỡi sóng lớn!
Tăng xấp xỉ 94% trong vòng 16 phiên tính đến ngày 5/9, VSP là cổ phiếu có mức sinh lời khủng khiếp nhất cả hai sàn. Khó có thể tìm thấy nguyên nhân nào để lý giải cho hiện tượng này, khi thông tin cơ bản của VSP toàn một màu xám.
Báo cáo tài chính bán niên cho biết VSP lỗ ròng tổng cộng gần 235,7 tỷ đồng. Riêng trong quý 2/2011, doanh thu giảm mạnh, giá vốn tăng và gánh nặng chi phí khiến công ty mẹ lỗ 189,1 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng trên 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa hết, sau soát xét báo cáo tài chính của công ty mẹ xác nhận mức lỗ tăng thêm gần 17,4 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý rằng VSP cho biết khoản đầu tư vào công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Vận tải biển Nam Việt được đánh giá theo giá gốc. Khoản đầu tư này cũng chưa được trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính do công ty con bị lỗ vượt quá số vốn đầu tư. Theo đánh giá của kiểm toán, nếu thực hiện trích lập dự phòng thì giá trị thuần của khoản đầu tư nói trên sẽ nhỏ hơn 50 tỷ đồng, do đó thu nhập thuần và nguồn vốn chủ sở hữu sẽ bị giảm đi con số tương ứng.
Những thông tin trên được đưa ra từ cuối tháng 8, ngay trong đợt tăng nóng của VSP. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu này hầu như không có và VSP liên tục tăng trần. Thậm chí công ty giải thích nguyên nhân của hiện tượng trên, ngoài yếu tố cung cầu, còn là kỳ vọng vào mức tăng trưởng của chỉ số vận tải biển quốc tế và thị trường chứng khoán tăng tự nhiên.
Dĩ nhiên việc tìm nguyên nhân của mỗi biến động tăng giá VSP trong lịch sử đều vô ích vì yếu tố cung cầu không thể phủ nhận được. Ngay cả trong những thời điểm VSP tràn ngập tin xấu, cổ phiếu vẫn có thể tăng trần liên tục. Do đó giới đầu tư đặt tên cho cổ phiếu VSP là “con tàu ma” không phải không có cơ sở. Khi “ma” đã lái tàu thì tàu cứ việc ra khơi lướt sóng và kiểu lái của “ma” phải khác với bình thường!
SHS: Rẻ nên được quan tâm?
Không chịu kém cạnh VSP, cổ phiếu của công ty chứng khoán “siêu lỗ” SHS đạt mức tăng trưởng gần 91%. Hôm 1/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới có văn bản yêu cầu SHS giải trình sau khi cổ phiếu này đã có 8 phiên kịch trần.
Đến hôm qua (5/9), SHS đã công bố thông tin và cho rằng có hai nguyên nhân có thể kích thích giá SHS mạnh như vậy. Thứ nhất là công ty đã thực hiện triệt để việc tái cấu trúc và chủ động thực hiện công bố thông tin minh bạch đến các nhà đầu tư. Thứ hai, giá cổ phiếu SHS trước đây đã xuống rất thấp nên khi có các tín hiệu khả quan hơn của thị trường thì cổ phiếu SHS đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư.
Dĩ nhiên SHS cũng cẩn thận ghi chú thêm “việc cổ phiếu SHS tăng trần liên tiếp này không nằm trong sự kiểm soát của công ty”.
Liên quan đến việc tái cơ cấu, SHS đã thực hiện thay “tướng” từ tháng 5/2011. SHS vốn đã khá nổi tiếng với việc thay “tướng” liên tục. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay ghi nhận mức lỗ tới hơn 382 tỷ đồng. Khoản lỗ này phần lớn do SHS trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và trích lập công nợ khó đòi. Báo cáo tài chính quý 2/2011 của SHS cho thấy công ty đã cắt lỗ khá nhiều khi giá trị ghi sổ của khoảng chứng khoán thương mại giảm hơn 238 tỷ đồng. Khoản phải thu liên quan đến hợp tác kinh doanh cũng giảm được hơn 90 tỷ đồng so với quý 1. Khoản gần 149 tỷ đồng tiền và tương đương tiền thực chất là tiền mặt.
Tuy nhiên liệu những điều trên có thực sự là động lực cho mức tăng giá quá lớn như vậy? Dĩ nhiên một phần trong đó là sự kỳ vọng, nhưng phần còn lại là yếu tố đầu cơ và rất khó để biết phần nào đóng vai trò chủ đạo. SHS đạt đáy giữa tháng 8 chỉ còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm “bét” nhất trong khối công ty chứng khoán niêm yết. Điều đó cũng có nghĩa là vốn hóa thị trường thời điểm đáy của SHS chỉ loanh quanh 300 tỷ đồng, một mức khá thấp, chi phí vốn đẩy lên không cao và SHS vốn cũng có truyền thống tăng “hỗn” trong quá khứ.
Nước nổi bèo nổi
Một điều thường thấy là khi dòng tiền đầu cơ tạo sóng thì hiện tượng “nước nổi nèo nổi” là phổ biến. Khi đó gần như tất cả các cổ phiếu đều “nhúc nhích” tùy thuộc vào việc nhận được bao nhiêu từ dòng vốn này. Vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp thường lại có mức tăng khá hơn các cổ phiếu thanh khoản cao - vốn phản ánh đầy đủ hơn yếu tố thị trường. Thống kê cũng cho thấy hầu hết những cổ phiếu tăng mạnh lại là những mã “lin kin” vốn hóa bé xíu.
Dĩ nhiên việc tăng nóng thời gian qua của rất nhiều mã có thực sự nhờ nội lực hay không thời gian sẽ sớm trả lời. Một điểm chung là dòng vốn đầu cơ khi đã thoát ra thì lực đẩy gần như mất hẳn và tốc độ giảm sẽ tương xứng với tốc độ tăng trước đó. Cổ phiếu lỗ tăng mạnh là điều không lạ trên thị trường, thậm chí cả những mã bị cảnh báo về cục nợ đầm khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục cũng tăng trên 30% như V11 thì những hàng nóng “đình đám” như KLS, BVS, VND càng bình thường.
Chỉ có điều, với cuộc đấu trí trong trò chơi chuyền than hồng, không phải tất cả mọi người đều thắng.
Theo VnEconomy
0 nhận xét