Đó chính là yêu cầu đổi mới mang tính thời cuộc để phù hợp với đời sống thực tế xã hội ngày càng cao đối với những người làm công việc dẫn chương trình
Với những thành công đã đạt được trong nhiều năm qua, cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình vừa là niềm tự hào đồng thời cũng là thách thức cho đơn vị tổ chức và những người sản xuất chương trình, đó chính là yêu cầu đổi mới mang tính thời cuộc, để phù hợp với đời sống thực tế xã hội ngày càng cao đối với những người làm công việc dẫn chương trình (MC). Vì vậy, năm nay, cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2011 do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức, với sự đồng hành của nhãn hàng The Bol, có những thay đổi nhất định nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, năng động của thí sinh.
Rèn luyện từ trải nghiệm
Sau vòng thi bán kết, 9 thí sinh được lựa chọn vào vòng thi chung kết đã được ban tổ chức chia ra làm 3 nhóm để đi thực tế. Tại đây, bằng sự nhạy bén của mình cùng với sự hỗ trợ của ê - kíp thực hiện, các thí sinh sẽ phải tìm ra được những gì đặc trưng về vùng đất, văn hóa, con người hoặc những vấn đề mang tính thời sự tại địa phương để phản ánh và đề cập trong phần phóng sự của mình, phần phóng sự này sẽ được trình chiếu trong đêm chung kết của cuộc thi.
Nhóm thí sinh Người dẫn chương trình truyền hình 2011 đi thực tế tại huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: C.T.V
Trong khoảng thời gian 5 ngày, 9 thí sinh vào vòng chung kết của cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình năm nay đã được ban tổ chức chia thành 3 nhóm để thực hiện những chuyến đi thực tế, tìm chất liệu sống. Nhóm đi đảo Lý Sơn gồm Dương Thu Thủy, Mạc Lê Bình, Trương Thị Thanh; nhóm đi Đắk Lắk gồm Trần Hạnh Phúc, Phùng Hồng Thanh, Nguyễn Hồng Mỵ; còn nhóm đi Tây Ninh gồm Trần Thị Lệ Chi, Nguyễn Mạnh Duy, Nguyễn Lê Tố Loan. Các thí sinh đã có những ngày đi thực tế tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của từng vùng miền mà họ tới và đã có những trải nghiệm thú vị. Mỗi thí sinh với sự hỗ trợ của ê-kíp chương trình đã tự thực hiện một phóng sự 3 phút (đề tài do thí sinh tự chọn). Phóng sự này sẽ là phần thi của thí sinh được trình chiếu tại đêm thi chung kết xếp hạng của cuộc thi.
Theo ban tổ chức, đây là phần thi mang đầy tính trải nghiệm, giúp thí sinh rèn luyện sự nhạy bén, xông pha, khả năng sáng tạo của một người làm nghề dẫn chương trình chuyên nghiệp.
Các thí sinh ở đảo Lý Sơn đã có dịp thăm bảo tàng sống về chủ quyền Việt Nam, tìm hiểu về đời sống nông nghiệp của người dân tại huyện đảo Lý Sơn và gặp gỡ một nhân vật được mệnh danh là “sói biển” Bùi Văn Huệ, một người bám biển, yêu nghề, yêu quê hương đất nước, giờ đây đôi chân của anh đã bị liệt, phương tiện giúp anh di chuyển là chiếc xe lăn có hai chú chó kéo. Nhân vật “sói biển” này đã gây cho thí sinh nhiều xúc động.
Với nhóm thí sinh đi Đắk Lắk, thí sinh Trần Hạnh Phúc được dịp tìm hiểu về thuyền độc mộc của người dân bản địa và gặp gỡ nhân vật từng làm ra nó. Thí sinh Hồng Thanh tìm hiểu về vấn đề bảo tồn voi tại Buôn Đôn và hồ Lắk, cô cũng gặp một vài nhân vật nổi tiếng để hiểu thêm về vấn đề này. Trong khi đó, thí sinh Hồng Mỵ chọn di tích lịch sử nhà đày Buôn Ma Thuột, gặp gỡ những nhân vật từng bị tù đày tại địa danh nổi tiếng này. Qua trò chuyện với họ, Mỵ chia sẻ rằng cô chưa bao giờ cảm thấy xúc động đến thế và càng cảm phục ý chí bất khuất cũng như lòng yêu nước của thế hệ cha anh.
Nhóm thí sinh đi Tây Ninh được tham quan xóm làm mây, tre đan, sau đó, tiếp tục tham quan, tìm hiểu núi Bà Đen, một danh thắng nổi tiếng, thăm Đồn Biên phòng Xa Mát, tham quan khu di tích Trung ương Cục Miền Nam, gặp nhân vật Hai Lực, một chiến sĩ cách mạng từng sống, hoạt động và chiến đấu tại đây để nghe ông kể về lịch sử của nó.
Với việc tham quan, tận mắt chứng kiến sinh hoạt và hòa mình vào các hoạt động của những nơi mà thí sinh đến đã giúp họ có được những trải nghiệm thú vị từ cuộc sống, đưa vào phần thi những chất liệu sống gần gũi và giàu cảm xúc.
Linh hoạt và sáng tạo
Với mục đích giúp thí sinh có đủ khả năng đảm đương được việc dẫn chương trình ở những sự kiện hay chương trình truyền hình… ngay sau khi bước ra từ cuộc thi, năm nay, nội dung thi sẽ có tính ứng dụng thực tế và đòi hỏi chuyên môn cao, được bố trí độ khó từ cơ bản đến nâng cao nhằm không tạo áp lực cho thí sinh và giúp các thí sinh rèn luyện khả năng của mình qua mỗi vòng thi đồng thời bộc lộ hết khả năng và sở trường của bản thân.
Lâu nay, trong các nội dung thi của Người dẫn chương trình truyền hình có phần thi trình bày nhanh ý kiến đối với các vật phẩm trực quan, năm nay phần thi này cũng sẽ khác. Ở đêm thi chung kết 2, ban tổ chức sẽ đưa ra 3 vật phẩm có ý nghĩa, thí sinh sẽ tự xâu chuỗi thành một câu chuyện để trình bày và đối thoại với ban giáo khảo. Với 3 vật phẩm mà ban tổ chức đưa ra, thí sinh có thể tự xâu chuỗi một cách logic và trình bày theo cách nhìn của mình. Theo ban tổ chức, với sự thay đổi này, thí sinh sẽ linh hoạt hơn trong phần thi của mình.
Thêm một điểm mới của cuộc thi năm nay chính là 4 thí sinh được thể hiện vai trò MC bên cạnh 2 MC chính của đêm chung kết xếp hạng. Đây là một phần thi bất ngờ nhưng rất được mong đợi của các thí sinh vì họ sẽ có cơ hội bộc lộ sự tự tin và sự phối hợp ăn ý giữa mình với những MC chính.
Vòng chung kết Người dẫn chương trình truyền hình gồm 4 đêm thi, diễn ra từ ngày 7 đến 28-9 và một đêm giao lưu với những MC chuyên nghiệp. Các đêm thi diễn ra tại Nhà hát Truyền hình, Đài Truyền hình TPHCM, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9, từ 20 giờ 30 phút. |
Nhiều thí sinh đã trở thành MC chuyên nghiệp Trải qua 7 lần tổ chức, cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình là nơi tạo dựng nền tảng kiến thức nhất định cho những bạn trẻ muốn trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp cho các chương trình truyền hình hoặc các sự kiện văn hóa nghệ thuật… Bước ra từ chiếc nôi này, bằng sự phấn đấu, nỗ lực rèn luyện của mỗi người, rất nhiều thí sinh đã và đang xây dựng được hình ảnh của mình trong lòng công chúng bằng nghề dẫn chương trình chuyên nghiệp như: Hồng Phượng, Quỳnh Trâm, Anh Quân, Hải Chuyên, Tường Vân, Quốc Bình, Như Quỳnh, Trấn Thành, Tuấn Anh… |
Thụy Vũ - Bảo Anh
NLĐ
0 nhận xét