Gần một thập kỷ đã trôi qua nhưng cao su VN như vẫn chỉ là một ngành nông nghiệp. Tập đoàn Công nghiệp cao su VN hầu như chưa có sự đầu tư quyết liệt, mạnh mẽ nào để phát triển công nghiệp cao su.
Chế biến cao su xuất khẩu tại Nhà máy cao su Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: C.Thăng |
Phát triển khập khiễng
Vào năm 2003, khi được nâng cấp từ tổng công ty 91 lên tập đoàn kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp cao su VN với sứ mệnh và chiến lược phát triển quy mô, đã được gắn thêm vào tên gọi hai chữ “công nghiệp”. Tuy nhiên, gần một thập kỷ trôi qua, ngành cao su VN hiện vẫn loay hoay trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều người thắc mắc: “Mang tên gọi Tập đoàn Công nghiệp cao su sao chỉ thấy trồng và cạo mủ cao su đem xuất khẩu? Tại sao tập đoàn không tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có của mình để phát triển ngành công nghiệp cao su, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước?”. Không trả lời thẳng vào câu hỏi này, một lãnh đạo của ngành cao su cho biết: “Hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn và việc phát triển ngành công nghiệp cao su không phải chuyện một sớm một chiều…”.
Và cũng vì vậy, cho đến nay, Tập đoàn Công nghiệp cao su VN vẫn chưa đầu tư xây dựng được bất cứ một nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su nào cho xứng tầm với tên gọi. Các nhà máy sản xuất săm lốp xe hiện nay tại VN như: Công ty CP Cao su Sao Vàng, Công ty CP Công nghiệp cao su miền Nam - Casumina và Công ty CP Cao su Đà Nẵng - DRC đều thuộc Tập đoàn Hóa chất.
Một điều đáng buồn nữa, mặc dù là nước xuất khẩu nguyên liệu cao su đứng hạng thứ 4 trên thế giới, nhưng các doanh nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp cao su trong nước lại thường xuyên đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, không tìm được nguồn thu mua nguyên liệu ổn định trong nước.
Lý do, các doanh nghiệp sản xuất mủ cao su trong nước chỉ tập trung cho xuất khẩu chứ không bán cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước. Điều này khiến cho không chỉ các doanh nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp cao su của Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp sản xuất săm lốp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài tại VN cũng đều phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
Cải thiện vị thế
Các chuyên gia trong ngành cho biết, với lợi thế về vùng nguyên liệu dồi dào và rộng lớn, Việt Nam cần đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp cao su, tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp sản xuất các mặt hàng săm lốp ô tô, cao su y tế kỹ thuật cao… Theo dự báo, thời gian tới, thị trường sản xuất lốp xe sẽ phát triển mạnh hơn vì các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đang giảm sản lượng do giá cao su thời gian gần đây liên tục tăng.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển cây cao su đến năm 2015 và tầm nhìn năm 2020, với mục tiêu phấn đấu đạt diện tích 800.000ha, đồng thời mở rộng diện tích thêm khoảng 60.000ha ra các vùng mới như Tây Bắc, duyên hải miền Trung... nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển cây cao su.
Và như thế, nếu có chiến lược đầu tư, phát triển vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chắc chắn vị thế ngành cao su Việt Nam sẽ không chỉ được nâng cao trong lĩnh vực xuất khẩu (đạt 5 - 10 tỷ USD/năm), mà còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước về sản phẩm cao su công nghiệp…
Nguyễn Thu Tuyết
Theo SGGP
0 nhận xét