Mâu thuẫn đang nổi lên trong phe nổi dậy Libya sau khi lực lượng này thua trận ở Bani Walid - một trong những thành trì cuối cùng còn nằm trong quyền kiểm soát của Tổng thống Muammar Gaddafi. Nhiều chiến binh đang nghi ngờ, họ đã bị người trong nội bộ phản bội trong trận đánh ở Bani Walid.
Phe nổi dậy Libya đã tìm cách mở đường vào Bani Walid qua những con đường hẹp và ngõ nhỏ nhưng họ đã vấp phải phục kích. Trước sự tấn công dữ dội của lực lượng phục kích, các chiến binh đã kêu gọi viện trợ nhưng nhận được lệnh phải rút lui, tập kết về một điểm hẹn ở bên ngoài thành phố.
Tuy nhiên, khi các chiến binh nổi dậy chật vật vượt qua làn lửa đạn đến được điểm hẹn thì không hề thấy bóng dáng các đồng đội Bani Walid của họ đâu. Trong lúc tìm cách bắt liên lạc lại, phe nổi dậy đã bị quân Gaddafi tấn công tới tấp bằng tên lửa và đạn pháo.
Khi các chiến binh nổi dậy đưa những người thương vong, 5 người chết và 18 người bị thương, đến cơ sở y tế gần nhất, họ đã thực sự nổi giận. Họ cáo buộc các đồng đội của mình ở Bani Walid đã phản bội. Một số nhóm chiến binh nổi dậy ở bên ngoài đã tức giận quay trở về thủ đô Tripoli.
"Chúng tôi đã tiến vào Bani Walid theo sự chỉ đường của các chiến binh địa phương. Họ được cho là phải đi theo chúng tôi. Chúng tôi đã vấp phải những cuộc tấn công dữ dội từ quân Gaddafi, nhiều hơn chúng tôi chờ đợi. Khi chúng tôi gọi cứu viện, chẳng có ai đến. Chúng tôi được yêu cầu quay trở lại và sắp xếp một cuộc tấn công khác cùng với các chiến binh Bani Walid. Tuy nhiên, họ đã chạy lùi xa hơn và chúng tôi đã phải hứng chịu cơn mưa tên lửa" Ahmed Ishmail Jawad, một sinh viên 24 tuổi và cũng là một chiến binh tự nguyện, tức giận kể lại.
Đồng đội của Jawad từ Zintan, chiến binh Nasr Hamid Husseini, tiếp lời: "Có một điều gì đó không ổn ở đây. Chúng tôi không thể thành công nếu mọi người đi theo các hướng khác nhau. Chúng tôi lo ngại về lòng trung thành của những chiến binh ở Bani Walid".
Chiến binh có tên là Mohammed el Ghadi, đến từ Khoms, thậm chí còn khẳng định: “Chúng tôi tin có kẻ phản bội trong nội bộ của chúng tôi".
Mâu thuẫn giữa các chiến binh nổi dậy trên mặt trận ở Bani Walid là dấu hiệu bất hoà mới nhất trong hàng ngũ vốn đã bị chia rẽ từ rất lâu trong phe nổi dậy Libya. Người ta bắt đầu lo ngại về sự đoàn kết trong phe nổi dậy Libya từ sau khi một vị tướng của lực lượng này bị chính người trong nội bộ ám sát. Tuy nhiên, mâu thuẫn trong phe nổi dậy được bộc lộ rõ hơn kể từ sau khi họ chiếm được thủ đô Tripoli và giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn đất nước Libya.
Trước đêm ngày 11/9, các chiến binh nổi dậy cũng đã bất hoà với nhau về cách thức tấn công Bani Walid. Một số nhóm chiến binh yêu cầu không tấn công những khu vực có người của họ đang sinh sống. Tuy nhiên, một số nhóm chiến binh khác lại muốn tấn công những khu vực này vì họ nghe thấy tiếng súng nổ từ phía đó.
Phe nổi dậy chìm trong mâu thuẫn
Dấu hiệu chia rẽ lớn nhất trong nội bộ phe nổi dậy Libya chính là vụ ám sát chỉ huy quân sự hàng đầu của lực lượng này - Tướng Abdul Fatah Yunis. Phe nổi dậy vốn được lập lên bởi rất nhiều thành phần khác nhau với những mục tiêu, kế hoạch và dự định khác nhau. Khi lực lượng này còn phải đấu tranh “một mất một còn” với quân của ông Gaddafi thì mâu thuẫn này đã bị lu mờ đi phần nào. Tuy nhiên, kể từ khi giành được chiến thắng, mâu thuẫn trong phe nổi dậy bắt đầu nổi lên. Điều này được thể hiện rất rõ trong những diễn biến gần đây. Cuộc họp báo được dự kiến diễn ra tối hôm 11/9 của một trong những lãnh đạo hàng đầu hiện nay của phe nổi dậy – ông Mahmoud Jibril, đã hai lần phải hoãn lại và phải chuyển đến một địa điểm khác do không được chấp nhận bởi một số thành viên trong phe nổi dậy.
Một quan chức cấp cao trong Hội đồng Quân sự Tripoli và là phát ngôn viên cho ông Abdelhakim Belhaj - chỉ huy lực lượng nổi dậy ở thủ đô Tripoli, đã nói thẳng: "Jibril chẳng đại diện cho ai cả. Ông ta không được đón chào ở đây. Chúng tôi vừa chiến đấu để loại một nhà độc tài, chúng tôi không muốn một nhà độc tài khác".
Mối ác cảm đối với cách thành viên của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia - bộ máy cầm quyền lâm thời ở Libya, ngày càng trở nên công khai. Nhiều người cáo buộc một số lãnh đạo phe nổi dậy đã ở Châu Âu, Mỹ và các nước vùng Vịnh khi những người trẻ tình nguyện đang hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Abdulbasit Abu Muzairik, một thành viên cấp cao của Hội đồng thành phố Misrata, bày tỏ: "Chúng tôi lo lắng về rất nhiều thứ đang diễn ra trên chính trường của đất nước Libya. Chúng tôi không nhìn thấy ông Jibril ở Libya. Ông ta đã ở bên ngoài suốt thời gian chúng tôi phải chịu đựng gian khổ. Giờ đột nhiên ông ấy ở đây và chúng tôi phải chấp nhận ông ấy là Thủ tướng. Mọi người đang cố gắng làm gì về chuyện này ư? Ông ta cần phải được thay thế. Những người thực sự đấu tranh cho cuộc cách mạng phải được phép có tiếng nói trong việc quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước".
Một quan chức phe nổi dậy hôm qua thừa nhận: “Vấn đề của chúng tôi là giờ đây khi ông Gaddafi đã chạy trốn, mọi người bắt đầu chỉ nghĩ về bản thân họ, về bộ lạc, về thành phố của riêng họ. Họ không nghĩ gì về Libya".
Kiệt Linh - (theo Independent)
VnMedia
0 nhận xét