Những ngày qua, giá nhiều loại trái cây ở ĐBSCL tiếp tục giảm. Ở nhiều nơi, ổi, thanh long, chôm chôm đổ đống đầy vỉa hè với giá rẻ bèo. Không ít nhà vườn chán nản, bỏ vườn vì công thu hoạch cao hơn tiền bán trái cây.
Trái cây rớt giá tràn ra vỉa hè. Ảnh: Đ.TUYỂN |
Tràn ra vỉa hè
Hơn một tuần qua, dọc các tuyến đường nội ô TP Cần Thơ như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, 3 Tháng 2, Quang Trung… xuất hiện rất nhiều điểm bán trái cây đổ đống giá rẻ. Nhiều nhất là ổi, thanh long, chôm chôm…
Anh Nguyễn Văn Thắng, một thương lái bán trái cây trên đường 3 Tháng 2, cho biết: “Mấy tháng trước chỉ lấy trái cây của nhà vườn đem bỏ mối ở chợ, nhưng gần đây, trái cây rẻ quá, tôi mua thêm đem đổ đống bán kiếm lời, mỗi ký cũng lời được 2.000 – 3.000 đồng”. Hàng ngày, anh Thắng bán lẻ được 300 – 400kg các loại thanh long, ổi, chôm chôm, nho… Hiện giá ổi chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy trái nhỏ, lớn; thanh long giá 3.000 – 4.000 đồng/kg; chôm chôm cuối vụ 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Giá trái cây mà nông dân bán tại vườn còn rẻ hơn. Anh Lê Văn Mẫn, trồng ổi ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Giá ổi bán tại vườn hiện thời chỉ 1.200 đồng/kg, trong khi giá thành gồm tiền phân bón, thuốc trừ sâu, bọc ni lông (bao bọc trái ổi) đã là 1.500 đồng/kg, chưa kể tiền công; tính ra người trồng ổi năm nay lỗ trắng”.
Cũng theo anh Mẫn, chưa năm nào ổi rớt giá như năm nay. Có thời điểm giá bán tại vườn chỉ 400 đồng/kg, nhiều nhà vườn ở Cần Thơ đã phải phá bỏ vườn ổi chuyển sang trồng cây khác. Những nhà vườn trụ lại cũng bỏ hoang vì tiền nhân công còn cao hơn tiền lời.
Tại các địa phương khác, tình trạng cũng không khác gì ở Cần Thơ. Anh Đỗ Văn Hà, ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, bán thanh long trên quốc lộ 1A, nói: “Hiện tại trái loại 1 ngon, đẹp nhất bán được giá 4.500 đồng/kg, loại xấu hơn chỉ 2.000 – 3.000 đồng. Nhà tôi trồng ít nên chịu khó bỏ công đem ra đây vừa bán, vừa cho cũng được 4.000 đồng/kg coi như gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó”.
Thiếu chính sách
Ông Đoàn Hữu Tiến, Phòng nghiên cứu thị trường, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), cho biết: “Thông thường hàng năm đều có những đợt trái cây xuống giá vì vào vụ thụ hoạch rộ. Như trái chôm chôm, trong những tháng vừa qua giá xuống thấp là do ở cả miền Đông và miền Tây cùng vào vụ thu hoạch làm cho nguồn cung tăng vọt trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, toàn vùng hiện có khoảng 6.500ha chôm chôm, tập trung nhiều tại Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang với tổng sản lượng ước tính trên 100.000 tấn/năm; thanh long khoảng 3.000ha tập trung tại hai tỉnh Long An và Tiền Giang.
“Nông dân trồng theo phong trào, cây nào đang cho lời thì trồng cây đó. Mấy năm trước, có thời điểm ổi lên giá trên 10.000 đồng/kg, người dân đổ xô đi trồng ổi, đến nay, khi cung vượt cầu, giá xuống là chuyện khó tránh khỏi” - ông Đoàn Hữu Tiến nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng SOFRI, để vựa trái cây ĐBSCL phát triển bền vững và phát huy những tiềm năng, lợi thế, đòi hỏi phải có quy hoạch các vùng chuyên canh cũng như chính sách để thực hiện quy hoạch.
Thực tế cho thấy, nhiều nơi ở ĐBSCL đã có quy hoạch vùng chuyên canh như thanh long, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc… nhưng đều ở quy mô nhỏ bởi chính sách hỗ trợ nông dân tham gia vùng chuyên canh còn hạn chế. Giống cây, kỹ thuật trồng của chúng ta rất tốt, nhưng không thể thuyết phục người dân trồng một loại cây gì đó theo quy hoạch mà không có sự đảm bảo đầu ra cho họ.
Theo ông Châu, để giá trái cây không bấp bênh cần phải tăng cường xuất khẩu và ổn định đầu ra. Để làm được điều này, việc trồng chuyên canh gắn với các chứng nhận Global Gap, Viet Gap là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chi phí để thực hiện theo các chứng nhận này là rất cao, đòi hỏi các địa phương phải có chính sách cụ thể hỗ trợ người dân.
Những chứng nhận trên sẽ là giấy thông hành để trái cây xuất khẩu mạnh bởi nhu cầu của thị trường đối với những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là rất lớn.
Đình Tuyển
Theo SGGP
0 nhận xét