Rạng sáng 27-9 (giờ Việt Nam), HĐBA LHQ bắt đầu xem xét đơn đề nghị trở thành thành viên đầy đủ của Palestine. Tuy một cuộc bỏ phiếu thật sự chỉ có thể diễn ra trong vòng vài tuần hoặc có thể là vài tháng tới nhưng dư luận quốc tế đang đổ dồn sự quan tâm về New York, nơi đặt trụ sở LHQ. Chính quyền Tổng thống Obama vẫn khẳng định quyền phủ quyết trước sức ép của 2/3 quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ ủng hộ Palestine.
Hàng ngàn người Palestine đón mừng Tổng thống Mahmoud Abbas trở về nước. Ảnh: AFP |
Cho đến giờ phút này, hai phía ủng hộ và phản đối vị thế nhà nước độc lập của Palestine vẫn chưa “gặp nhau” trong khi bộ tứ gồm LHQ, EU, Nga và Mỹ đang nỗ lực đưa hai bên Palestine và Israel cùng ngồi vào bàn đàm phán, song song với việc xem xét quy chế cho Palestine tại LHQ. Palestine vẫn khẳng định đưa ra điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đàm phán là Israel phải ngưng toàn bộ việc xây dựng khu định cư Do Thái và chấp nhận lấy đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967.
Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trả lời phỏng vấn chương trình Meet the Press (Gặp gỡ báo chí) của đài NBC (Mỹ) yêu cầu Palestine không ra điều kiện để nối lại đàm phán. Còn phía Mỹ vẫn tuyên bố phủ quyết đơn đề nghị của Palestine vào thời điểm này.
Lãnh đạo Israel nói “không”, người dân nói “đồng ý”
Điều đáng ngạc nhiên là trong lúc các nhà lãnh đạo Mỹ và Israel phản đối quy chế nhà nước Palestine thì đa số người dân Israel lại ủng hộ. Cuối tuần qua, trang web rawstory.com có trụ sở tại Boston (Mỹ) đăng tải kết quả thăm dò dư luận cho thấy, gần 70% người Israel được hỏi trả lời rằng Israel nên chấp nhận việc LHQ thông qua tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine. Trong khi đó, 83% người Palestine được hỏi cho rằng đây là điều đúng đắn. Cuộc thăm dò này do Viện Nghiên cứu Harry S. Truman vì Tiến trình Hòa bình thực hiện. Một chi tiết thú vị là tên của viện nghiên cứu được đặt theo tên Tổng thống thứ 33 của Mỹ Harry S. Truman. Ông từng công nhận, nếu không có người Do Thái ở New York ủng hộ thì ông khó đắc cử thị trưởng, khó đắc cử dân biểu và đắc cử tổng thống năm 1948.
Trang web còn bình luận rằng kết quả thăm dò này là cái tát vào mặt các thành viên bảo thủ ở Mỹ và chính Tổng thống Mỹ Barack Obama vì lúc nào họ cũng cho rằng trao quy chế nhà nước độc lập cho Palestine mà không có đàm phán hòa bình sẽ đe dọa an ninh Israel.
Theo AFP, kết quả thăm dò cũng như lịch sử các cuộc bầu cử cho thấy những cử tri gốc Do Thái không đặt mối liên hệ giữa chức vị tổng thống và vấn đề của người Israel ra làm yếu tố quyết định để chọn lựa ứng cử viên. Trong khi đó những nhà lãnh đạo thuộc đảng Dân chủ tranh luận về đợt bầu cử sắp tới khẳng định rằng, dễ thấy những cử tri gốc Do Thái chính thống không nhập nhằng giữa chính sách của Mỹ với Israel và chuyện bầu cử tổng thống.
Nước cờ chính trị
Trước thái độ của chính quyền ông Obama đứng hẳn về phía Israel trong tiến trình hòa bình Trung Đông, dư luận cho rằng ông Obama đang lấy điểm với cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái, dọn đường tiến đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012.
Quan hệ giữa ông Obama và những cử tri Mỹ gốc Do Thái (đối tượng thường dành sự ưu ái cho ứng viên đảng Dân chủ) đang được đặt vào tâm điểm. Hồi tháng 5 ông Obama đã khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không hài lòng khi cho rằng một thỏa hiệp hòa bình giữa Israel và Palestine phải dựa trên căn bản biên giới của Israel năm 1967, điều nhạy cảm mà Israel không bao giờ công nhận.
Hơn nữa, năm 2009, ông Obama từng kêu gọi Israel từ bỏ việc xây dựng khu định cư Do Thái ở khu vực sẽ trở thành đất của người Palestine một khi Palestine được công nhận là quốc gia độc lập. Những nhà phân tích liên hệ điều này với việc so sánh tỷ lệ ủng hộ ông Obama qua nhiều giai đoạn. Năm 2008, thăm dò trước bầu cử tổng thống cho thấy ông Obama nhận được 78% ủng hộ của người Mỹ gốc Do Thái. Ở thời điểm ông Obama tuyên thệ nhậm chức, con số này là 83%. Nhưng cuộc thăm dò được thực hiện trong tháng 9 cho thấy chỉ còn 54% người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ ông Obama.
Như QuỳnhTheo SGGP
0 nhận xét