Sự “sính” hàng hiệu, hàng ngoại của một bộ phận người dân đã biến Việt Nam thành thị trường béo bở cho hàng nhái, hàng giả đội lốt hàng hiệu. Điều đó cũng cho thấy sự quản lý kém của các cơ quan chức năng khi để hàng gian, hàng giả lộng hành.
Hàng dỏm giá thật!
Hiện nay, trên thị trường, mắt kính có lẽ là mặt hàng được làm giả phổ biến và bày bán công khai. Anh X.H., người chuyên bỏ mối sỉ mặt hàng kính tại TPHCM và các tỉnh lân cận cho biết, hầu như các nhãn hiệu mắt kính nổi tiếng như Hugo, Boss, Gucci... hầu hết đều bị làm nhái.
Loại hàng nhái này có xuất xứ từ Trung Quốc, giá mua vào từ biên giới Lạng Sơn, Móng Cái chỉ 12.000 - 40.000 đồng/chiếc kính thường, 60.000 - 80.000 đồng/kính chất lượng. Thậm chí, gọng kính còn được bỏ vào bao rồi bán theo… ký! Kính đẹp được tung ra shop lớn có tên tuổi, chiếc còn lành lặn mang tới các cửa hàng nhỏ, chiếc nào bị lỗi hoặc trầy xước được chất đống trong chợ hoặc lề đường.
Mắt kính kiểu dáng giống mắt kính hàng hiệu bày bán trên đường Trương Định. Ảnh: K.N. |
Khi hàng được tuồn vào nội địa, được các cửa hàng “mông má” lại, gắn mác giả và thổi giá trên trời. Thậm chí, ngay trong nước cũng không ít những cơ sở “chui” chuyên sản xuất và bỏ mối kính giả. Do vậy, các cửa hàng mắt kính cứ thi nhau giảm giá thật sốc từ 50%-70%. Nhưng dù giảm đến mấy thì họ vẫn rất lời. Không kể đến việc ngoài bán hàng giảm giá, họ vẫn có thể bán kèm theo một số sản phẩm kiểu dáng “độc” ngụy trang hàng xách tay với giá cao hơn rất nhiều lần.
Tương tự như vậy, đồng hồ cũng là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Những người thích săn đồng hồ “độc” đã có một phen hoảng hồn khi hàng loạt trung tâm thương mại lớn trong TP như Saigon Square, Lucky bị bóc mẽ bán hàng lậu, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng như Rado, Omega, Rolex, Citizen, Casio, Maxell… một cách công khai. Không ít sản phẩm trong số này rất giống, thậm chí giống hệt như sản phẩm được rao bán trên mạng với giá thấp hơn từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Nhưng vì đã lỡ mua, lại không có giấy tờ xác thực xuất xứ, phiếu bảo hành và nhất là không tìm ra người bán, không ít người đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt và chào tạm biệt chiếc đồng hồ bạc triệu.
Một vốn, vô số lời
Trong lĩnh vực thời trang, tình trạng cùng một sản phẩm, cùng treo biển bán đúng giá nhưng giá lại được niêm yết khác nhau, thậm chí chênh gấp 3-4 lần giá trị thật là chuyện thường. Dọc theo các con đường thời trang hàng hiệu “giá rẻ” trong khu vực quận 3, các cửa hàng đua nhau bán đồng giá, giảm giá với đủ các băng rôn như “hàng mới về”, “giá shock”. Sau một hồi lân la thăm hỏi, chúng tôi được nhân viên bán hàng bật mí… bí mật “thổi” giá hàng hiệu. Để có nguồn hàng, chủ cửa hàng thường nhập quần áo, giày dép, túi xách… tại các cửa khẩu gần Trung Quốc hoặc qua hẳn Trung Quốc lựa chọn. Nếu chọn mẫu, đặt hàng qua mạng, giá còn thấp hơn nữa. Bên bán sẽ giao hàng tận nơi.
Sau khi hàng về, chủ cửa hàng cùng nhân viên sẽ tiến hành tháo mác cho cả hộp lẫn sản phẩm bên trong và sử dụng máy bắn mác để thay mác của các hãng thời trang nổi tiếng vào. Những mác này cũng được chủ cửa hàng mua theo lô. “Muốn mác gì có mác đó. Trung bình mỗi ngày, nếu cửa hàng bán được hơn 20 sản phẩm, cả tháng có thể lời đến vài chục triệu đồng”, một nhân viên bán hàng nói.
Vì giá rẻ, nên người mua biết là hàng giả nhưng vẫn nhắm mắt mua vì nghĩ dù là hàng dỏm nhưng nhìn cũng giống lắm hoặc vẫn oai như thường, đâu phải ai cũng nhìn ra! Do vậy, chủ cửa hàng cũng chẳng ngại tăng giá, một vốn bốn lời là mức lãi mà bất cứ ai kinh doanh hàng hiệu dỏm cũng có thể dễ dàng bỏ túi.
Tuy nhiên, việc làm giả thương hiệu không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh mà cũng chính là sự lãng phí lớn cho nền kinh tế quốc gia. Và vấn đề đặt ra là trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu khi hàng giả tràn lan trên thị trường?
MAI THITheo SGGP
0 nhận xét