Vừa thoát khỏi vụ án cưỡng dâm cô hầu phòng ở New York, ông Dominique Strauss-Kahn lại đối mặt với vụ kiện mưu toan cưỡng dâm của nhà báo kiêm nhà văn Tristane Banon tại quê nhà
Một tuần sau khi trở về Paris, sáng 12-9, cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Đội Cảnh sát trấn áp tội phạm chống cá nhân (BRDP) của cảnh sát tư pháp Paris giải trình với tư cách nhân chứng - chứ không phải là nghi can - về những tình tiết liên quan đến vụ kiện của bà Banon chống lại ông.
Tố ngược
Theo giới truyền thông Pháp, ông Dominique Strauss-Kahn (DSK) đến phòng BRDP rất sớm, trước 8 giờ, trong khi các nhà điều tra chỉ bắt đầu làm việc lúc 9 giờ 30 phút. Quá 11 giờ, ông DSK mới rời khỏi trụ sở BRDP. Như thường lệ, ông giữ im lặng tuyệt đối mặc dù các nhà báo bao vây đặt câu hỏi tới tấp.
Ông DSK sau khi trình diện BRDP ngày 12-9. Ảnh: Elle
Sau khi thoát hiểm trong vụ án Nafissatou Diallo – bà hầu phòng ở New York – có lẽ ông DSK đã rút ra nhiều kinh nghiệm về việc “làm thế nào hạ gục người đàn bà tố cáo bạn cưỡng dâm”.
Hai luật sư của ông DSK Frédérique Beaulieu và Henri Leclerc cho biết thêm trong cuộc lấy lời khai, ông DSK đã phủ nhận mọi cáo buộc của bà Banon, đồng thời khởi kiện nguyên đơn về tội vu khống.
Theo các vị luật sư này, ông DSK “luôn luôn khẳng định rằng những gì bà Banon nói kể từ năm 2007 là do tưởng tượng mà ra”. Chính ông DSK đã chủ động xin làm việc sớm với các nhà điều tra với mong muốn kết thúc nhanh chóng vụ việc này.
Bà Tristane Banon, năm nay 32 tuổi, thật ra không phải là người xa lạ đối với ông DSK. Bà là con gái đỡ đầu của người vợ thứ hai của ông. Tháng 2-2003, trong một cuộc hẹn gặp riêng để lấy tài liệu viết sách, bà Banon nói ông DSK đã dùng vũ lực toan cưỡng hiếp bà nhưng không thành. Suốt 4 năm sau đó, bà Banon cố gắng chịu đựng “nỗi nhục” bởi vì lúc đó có nhiều người – trong đó có chính mẹ ruột mình là bà Anne Mansouret – khuyên bà từ bỏ ý định kiện cáo vì cầm chắc sự thất bại. Ông DSK không những có thế lực mà còn có rất nhiều tiền.
Vì bổn phận
Ngày 5-2-2007, bà Banon công khai vụ việc trong một chương trình truyền hình phỏng vấn về cuốn sách Erreurs “avouées…(au masculin)” của bà sắp xuất bản nhưng tên của ông DSK bị thay bằng tiếng “bip” trong băng ghi âm. Tuy nhiên, lúc đó tuyên bố của bà Banon không được báo giới quan tâm cho lắm, một phần vì “luật im lặng” do liên quan đến một chính khách quá nổi tiếng.
Nhà báo, nhà văn Tristane Banon và luật sư David Koubbi. Ảnh: L’Express
Mãi đến ngày 5-7, bà Banon và luật sư David Koubbi mới chính thức đâm đơn kiện người từng là cha đỡ đầu của mình. Nhiều người thắc mắc tại sao lúc ông DSK bị bắt ở New York chiều 14-5 vì nghi ngờ cưỡng dâm người hầu phòng ở khách sạn 5 sao Sofitel New York, bà không kiện mà đợi đến 2 ngày sau khi vụ án ở New York không thành bà mới kiện.
Trên tuần báo L’Express ngày 4-7, bà Banon giải thích rằng trong lúc tòa án New York xử vụ kiện, bà không muốn bị ngành tư pháp Mỹ lợi dụng và mang tiếng “giậu đổ bìm leo”. Nhưng sau khi ông DSK được tha thì bà Banon muốn chứng minh ông DSK là người như thế nào. Bà tuyên bố: “Nếu ở bên ấy vụ việc (tấn công tình dục) không được xét xử thì tôi có bổn phận chứng minh rằng ông ta từng làm chuyện đó với tôi”.
Ngày 8-7, Viện Công tố Paris bắt đầu tiến hành cuộc điều tra sơ khởi lấy khẩu cung của nhiều người liên quan, như bà Anne Mansouret, Brigitte Guillemette (vợ cũ của ông DSK), Camille Guillemette (bạn thân của Banon), bà Francoise Hollande, cựu bí thư thứ nhất Đảng Xã hội… Ông DSK là nhân chứng cuối cùng.
Hồ sơ mong manh
Cuộc điều tra sơ khởi về tờ đơn tố cáo của bà Tristane Banon như vậy coi như đã kết thúc với lời khai của nhân chứng cuối cùng DSK.
Viện Công tố Paris giờ đây đứng trước 2 quyết định:
1. Tuyên bố đình chỉ cuộc điều tra vì không đủ chứng cứ để buộc tội ông DSK. Hồ sơ vụ án sẽ được khép lại.
2. Khởi tố vụ án và bị can đối với ông DSK vì có dấu hiệu hình sự. Mưu toan cưỡng bức hay cưỡng bức phụ nữ là một vụ án hình sự với khung hình phạt tối đa là 15 năm tù giam.
Theo các nhà quan sát ở Paris, có nhiều khả năng Viện Công tố sẽ xếp xó hồ sơ vụ án vì vụ việc diễn ra quá lâu và không có tang chứng, vật chứng mới.
Việc ông DSK đến BRDP một mình không có luật sư đi kèm với tư cách là nhân chứng – trong khi ông DSK là tác giả gây ra vụ án - là dấu hiệu cho thấy khá rõ khả năng kể trên.
Hơn nữa, trong cuộc đối đầu với ông DSK, bà Banon rất cô đơn và yếu thế. Ông DSK có một lực lượng tư pháp hùng hậu từng giúp ông thoát khỏi những vụ án tương tự trong 10 năm qua. Hồ sơ vụ án ở New York bị khép lại là một bằng chứng hùng hồn mới.
Bà Banon cũng không có tang chứng hay vật chứng để “chiếu bí” ông DSK. Ngay cả mẹ ruột của bà cũng không mấy sốt sắng trong vụ kiện cáo này.
NGUYỄN CAO
Theo NLĐ
0 nhận xét