Theo kết quả khảo sát về xây dựng hệ thống chính quyền các cấp, mỗi năm TPHCM phải đào tạo và đào tạo lại hơn 50.000 cán bộ, công chức mới có thể đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ đặt ra. Giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu trên khi thực tế nguồn lực quan trọng này hiện chỉ đáp ứng được hơn 60%?
Mỗi năm Trường Cán bộ TP đào tạo và bồi dưỡng hàng ngàn CBCC nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ảnh: Hoài Nam |
Hụt hẫng
Theo UBND TPHCM, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm ngân sách TP dành cho công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là từ 12.000 đến hơn 17.000 tỷ đồng. Thế nhưng, tỷ lệ CBCC không đủ trình độ, nhất là ở chính quyền cấp phường xã còn khá cao với khoảng hơn 30%. Khảo sát tại 25 cơ quan, đơn vị cho thấy, kỹ năng quản lý nhà nước của CBCC trong hệ thống chính quyền các cấp chỉ đạt ở mức trung bình. Trong đó, kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, nhất là ở lĩnh vực quản lý và xây dựng chiến lược phát triển TP, tỷ lệ đạt mức yếu cho tới trung bình vẫn chiếm chủ yếu.
"… Nội dung và chương trình đào tạo hiện nay chậm được bổ sung, cập nhật, chưa theo kịp những vấn đề đặt ra của thực tiễn quản lý TP; còn ít chú trọng đến những kỹ năng cần cho từng đối tượng CBCC (lãnh đạo, quản lý, tham mưu, thừa hành). Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được những mong muốn về kiến thức, phương pháp, cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề từ thực tiễn đặt ra…" Nguồn: Sở Nội vụ TPHCM |
Cũng theo ông Diệp Văn Sơn, nhiều CBCC tại các quận huyện và sở ngành hiện phải đảm đương khối lượng công việc hàng ngày quá lớn, tính phức tạp và áp lực ngày càng cao. Do phải dành nhiều thời gian vào việc họp hành, giải quyết các công việc sự vụ, nên phần lớn CBCC không thể hiện được các chức năng lãnh đạo và quản lý vĩ mô hoặc ra các quyết định, xây dựng kế hoạch mang tính chiến lược. Nhiều CBCC có thâm niên, có kinh nghiệm thực tiễn, song lại thiếu các kỹ năng cần thiết trong một môi trường tổ chức hành chính hiện đại. Sự khập khiễng này trong một thời gian dài đã trì kéo đội ngũ CBCC và ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của từng chức danh, công việc đặt ra.
Tìm giải pháp
Theo TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP, để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, giải pháp đầu tiên là phải đổi mới về phương thức, nội dung và chương trình đào tạo cho sát với yêu cầu thực tế. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng trình độ CBCC phải được thiết kế cho từng chức danh, từng vị trí công việc cụ thể và từng nhóm đối tượng tương ứng của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Cụ thể, chương trình đào tạo đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý, về kiến thức chung nhất thiết phải có các nội dung về tư duy và tầm nhìn chiến lược, về lãnh đạo, quản lý thay đổi, quản lý văn phòng, lập kế hoạch, giao tiếp và vận động quần chúng. Ngoài ra còn phải chú trọng đến trang bị các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, đàm phán thương lượng, soạn thảo văn bản…
UBND TPHCM vừa soạn thảo Đề án định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực CBCC chính quyền các cấp đến năm 2020. Theo đó, sẽ có 3 giai đoạn được triển khai theo một lộ trình và nội dung đào tạo nhằm đạt đến mục đích trang bị năng lực cho CBCC có khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh đầy thách thức, liên tục phát triển. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, phải tập trung giải quyết những hụt hẫng về năng lực cho đội ngũ CBCC, phấn đấu có ít nhất 60% CBCC là lãnh đạo các sở ngành và quận huyện được trang bị năng lực hoạch định và lãnh đạo các giải pháp thực thi có hiệu quả các mục tiêu phát triển của TP. Đội ngũ CBCC làm nhiệm vụ tham mưu được trang bị kỹ năng quản lý hiện đại phù hợp theo từng vị trí công việc. Những mục tiêu cơ bản trên sẽ gắn với từng chương trình đào tạo theo mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ CBCC có những năng lực mới, kỹ năng mới đáp ứng với tiến trình cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính trước yêu cầu phát triển của TP từ nay đến năm 2020.
Mục tiêu đào tạo theo chuẩn hóa đội ngũ CBCC - Có năng lực tư duy, năng lực hành động. - Có năng lực quan hệ, giao tiếp, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc với người khác. - Có năng lực học tập, tiếp thu, đổi mới, sáng tạo. Nguồn: Đề án định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ CBCC đến năm 2020 |
Hoài Nam
Theo SGGP
0 nhận xét