Các phụ huynh luôn ở trong tình thế “nộp mà không tự nguyện” vì sợ con em mình bị làm khó dễ
Sau ngày khai giảng, các phụ huynh đã chóng mặt vì tiền trường, trong đó có những khoản rất “trời ơi”.
Sử dụng chưa hợp lý
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm cho con trai đang học lớp 6 tại Trường THCS Việt Nam - Algeria, chị Y. (ngụ quận Thanh Xuân - Hà Nội) không khỏi bất ngờ khi các khoản tiền trường và quỹ lớp lên đến 2,5 triệu đồng.
Còn tại Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), các loạt tiền và quỹ đầu năm ở mức thấp hơn nhưng cũng lên đến 1,5 triệu đồng. Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết dù chưa đến ngày họp phụ huynh nhưng trường đã thông báo phải đóng 1 triệu đồng/học sinh để xây dựng trường.
Không chỉ ở các TP lớn mà ngay cả các tỉnh miền núi, phụ huynh cũng phải đóng rất nhiều khoản tiền đầu năm. Một phụ huynh tại trường THPT N.Q (tỉnh Hòa Bình) cho biết vừa phải đóng cho con 1,6 triệu đồng, gồm: đồng phục 300.000 đồng, quỹ hội phụ huynh 200.000 đồng/năm, quỹ lớp 100.000 đồng/học kỳ, nước uống 50.000 đồng/năm, giữ xe 60.000 đồng/năm, quỹ ủng hộ nhân đạo 30.000 đồng/năm… Theo phụ huynh này, các khoản thu trên được nhà trường sử dụng chưa hợp lý. Ví dụ, quỹ hội phụ huynh lại được dùng để hỗ trợ nhà trường các khoản tiền điện, sửa chữa cơ sở vật chất.
Trường THCS Đền Lừ (quận Hoàng Mai - Hà Nội) có đến 12 khoản thu “tự nguyện”. Ảnh: YẾN ANH
Theo một phụ huynh có con đang học lớp 11 tại trường THPT L.S (tỉnh Hòa Bình), ngoài các khoản cố định là tiền học phí đóng theo tháng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, đoàn phí, còn phải đóng thêm tiền ôn tập (736.000 đồng/64 buổi), đồng phục (77.000 đồng/2 sơ mi), điện (50.000 đồng), hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất (130.000 đồng)…
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết về nguyên tắc, việc thu chi kinh phí phải bảo đảm dân chủ, công khai. Phụ huynh có thể từ chối nộp những khoản thu không hợp lý nhưng trên thực tế, họ luôn ở trong tình thế “nộp mà không tự nguyện” vì sợ con, em mình bị làm khó dễ.
Gánh nặng với phụ huynh
Các trường công lập đã nhiều khoản thu, phụ huynh có con, em học trường dân lập càng “méo mặt”. Một phụ huynh tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (huyện Từ Liêm – Hà Nội) bức xúc: “Tôi vừa phải đóng cho con khoản tiền lên đến gần 20 triệu đồng ngay đầu năm học”.
Không chỉ Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, nhiều trường dân lập khác cũng đều áp dụng chính sách thu học phí theo kỳ khiến tiền trường đầu năm trở thành gánh nặng với phụ huynh. Điển hình, đầu năm học, các phụ huynh tại Trường Tiểu học Brendon (Thanh Xuân - Hà Nội) phải nộp 25 triệu đồng (học phí: 18 triệu/học kỳ, tiền ăn: 5 triệu đồng/học kỳ, tiền xây dựng trường: 2 triệu đồng/năm học); chưa kể hàng loạt chi phí khác như đồng phục, tham quan dã ngoại, sách giáo khoa...
12 khoản thu “tự nguyện” Một phụ huynh tại Trường THCS Đền Lừ (quận Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết nhà trường vừa gửi danh sách 12 khoản thu đầu năm để phụ huynh xem xét. Khoản nào đồng ý thì đánh dấu, không đồng ý thì thôi. Điều đáng nói là trong danh sách này, khoản thu 140.000 đồng/học sinh đóng góp xã hội hóa hè 2011 đã được nộp từ tháng 5-2011 nhưng bây giờ mới đưa để phụ huynh đánh dấu. Các khoản còn lại gồm tin học: 20.000 đồng/học sinh/tháng; bảo trì, bảo dưỡng phòng học tiếng Anh: 50.000 đồng/tháng; khuyến học: 50.000 đồng/năm; bổ trợ lớp 6 và 7: 300.000 đồng/tháng; nước uống: 10.000 đồng/tháng; hỗ trợ giáo dục: 30.000 đồng/tháng; văn phòng phẩm phục vụ học sinh: 30.000 đồng/kỳ; xã hội hóa giáo dục: 50.000 đồng/kỳ; đầu tư cơ sở vật chất bán trú: khối lớp 6 và 7 là 300.000 đồng/năm, lớp 8 đóng 150.000 đồng/năm; phục vụ bán trú: 80.000 đồng/tháng; ăn: 20.000 đồng/suất. |
Nhóm PV Giáo dục
Theo NLĐ
0 nhận xét