Ngân hàng BNP Paribas cũng bị Moody's đưa vào diện xem xét cắt giảm điểm tín nhiệm.
Theo hãng tin Reuters, trong một tuyên bố phát đi ngày 14/9, Moody’s quyết định cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm của Credit Agricole SA và Societe General, với lý do hai ngân hàng này nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Hy Lạp. Một nhà băng tên tuổi nữa của nước Pháp là BNP Paribas cũng bị Moody’s đưa vào diện xem xét cắt giảm điểm tín nhiệm.
Giới đầu tư toàn cầu đang ngày càng nghi ngờ về khả năng châu Âu có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ. Thị trường tín dụng đang phản ánh khả năng 90% Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ. Phần bù rủi ro (risk premium) đối với lãi suất trái phiếu Italy cũng tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên đấu giá hôm 13/9.
Với nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng, Italy đang nuôi hy vọng sẽ thông qua được một gói thắt lưng buộc bụng trị giá 54 tỷ Euro (73 tỷ USD) trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, thông tin này dường như không có nhiều tác dụng trong việc xoa dịu nỗi lo của thị trường về khả năng của nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu này trong việc kiểm soát nợ nần.
Cũng trong ngày hôm nay, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có một cuộc họp qua điện thoại để bàn các biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng. Hy Lạp cho biết, Chính phủ nước này sẽ hết tiền trong một vài tuần tới và cần 8 tỷ USD vào tháng 10 để trả lương và lương hưu.
Các nhà lãnh đạo của thế giới cũng đang tỏ ra hết sức quan ngại về khủng hoảng nợ công của châu Âu. Hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đã lên tiếng thúc giục các nhà chức trách châu Âu nhanh chóng đi đến biện pháp cụ thể để gỡ rối mớ bòng bong nợ công của khu vực. Cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng này đang đe dọa tấn công vào mắt xích yếu tiếp theo trong Eurozone là Italy.
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí hôm 13/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, các nước trong Eurozone đang cần tới “chính sách tài khóa phối hợp hiệu quả hơn”. Nỗi lo của Washington còn được thể hiện qua việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ tham dự vào một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) tại Ba Lan vào thứ Sáu tuần này. Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ của các bộ trưởng tài chính Mỹ.
Cùng ngày 13/9, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra ở Trung Quốc, Thủ tướng nước này Ôn Gia Bảo khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ châu Âu, nhưng việc châu Âu cần làm trước tiên là chặn đà leo thang của khủng hoảng nợ.
Ông Ôn Gia Bảo không nêu cụ thể những biện pháp mà Trung Quốc dự định thực hiện để giúp châu Âu. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của châu Âu tiết lộ với Reuters rằng, các nước BRIC, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang trong quá trình đàm phán sơ bộ để mua nợ bằng đồng Euro nhằm giúp Eurozone giải tỏa khủng hoảng.
Theo giới phân tích, sự kết hợp giữa một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng - đồng nghĩa với tình trạng tín dụng thắt chặt trên toàn cầu, cùng với Hy Lạp vỡ nợ và đổ vỡ tài chính ở Italy có thể sẽ dẫn tới hậu quả là sự tan rã của Eurozone. “Tôi nghĩ là nếu những quyết định sai lầm được đưa ra, toàn bộ hệ thống sẽ trật bánh”, ông Sergio Machionnie, CEO của hãng xe Fiat, nhận định.
Tới thời điểm này, đã có ba quốc gia châu Âu là Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha nhận được sự giải cứu tài chính. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát xem Italy là một mắt xích quá lớn để có thể hàn gắn. Nợ công của Italy tương đương 120% GDP của nước này, một tỷ lệ cao thứ nhì trong khu vực, chỉ thua Hy Lạp. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng èo uột của Italy khiến nước này khó có thể chi trả được số nợ công lên tới 1,9 nghìn tỷ USD.
“Italy chính là cửa sổ cơ hội cuối cùng trước khi Eurozone đối mặt nguy cơ đổ vỡ thực sự”, ông Domenico Lombardi, Chủ tịch Viện Chính sách kinh tế Oxford, nhận định.
Theo VnEconomy
0 nhận xét