Niên vụ 2011-2012, doanh nghiệp trong nước cần phải mua 400.000 tấn cà phê nguyên liệu mới đủ sức điều tiết thị trường
Cà phê nguyên liệu trong nước đang bị doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh thu mua
Niên vụ cà phê 2010-2011, sản lượng thu hoạch cả nước đạt khoảng 1 triệu tấn nhưng trong đó hơn 50% rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Họ gần như thao túng thị trường trong nước, kể cả có động tác bêu riếu làm mất uy tín DN Việt Nam trên thị trường thế giới để khách hàng chuyển sang làm ăn với họ. Đó là thông tin tại hội nghị CLB DN xuất khẩu cà phê hàng đầu, tổ chức ngày 15- 9 tại TPHCM, bàn biện pháp xuất khẩu cà phê niên vụ mới, cũng như ổn định thị trường.
DN nước ngoài thao túng
Theo báo cáo, cách nay 2 năm, DN nước ngoài thu mua sản lượng cà phê trong nước chiếm khoảng 15% nhưng năm nay, tỉ trọng này đã tăng lên 50%- 60%. Hiện có 20 DN nước ngoài tại Việt Nam hoạt động kinh doanh cà phê, trong đó những DN lớn trên thế giới cũng đã có mặt. Do đó, cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh cà phê ngày càng khốc liệt. Thông thường hằng năm, lượng hàng tồn kho vụ trước chuyển sang vụ sau của các DN trong nước là 100.000 tấn nhưng vụ 2010 - 2011 không còn hàng tồn. Trong khi đó, DN nước ngoài vẫn còn trữ lượng hàng lên đến 350.000 tấn.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết DN trong nước đang thua trên sân nhà. Từ đầu vụ, Vicofa đã kiến nghị xin Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn cho các DN trong nước trữ hàng nhưng không được chấp thuận nên đành chấp nhận để cho DN nước ngoài mua hết hàng. DN nước ngoài trước đây lệ thuộc vào DN trong nước để mua nguyên liệu thì nay họ chuyển sang “bắt nạt” DN trong nước. Họ tổ chức thu mua nguyên liệu với dân mà không cần DN trong nước.
Ngân hàng đã đồng ý cho vay vốn
Đầu vụ, các DN trong nước cần phải thu mua 300.000 tấn - 400.000 tấn nguyên liệu mới đủ sức điều tiết thị trường, còn chỉ mua vài chục ngàn tấn như hiện nay không có ý nghĩa gì. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết cơ bản đã làm việc với Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Quân đội. cả hai ngân hàng đã đồng ý cho các DN kinh doanh cà phê vay vốn để thu mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn trong mùa vụ tới. Với nguồn vốn 15.000 tỉ đồng, trong đó 5.000 tỉ đồng cho vay phục vụ xuất khẩu và 10.000 tỉ đồng thu mua tạm trữ nguyên liệu. Thời gian thu mua tạm trữ từ tháng 11 - 2011 đến hết tháng 1- 2012 (thời gian tạm trữ từ 6 đến 9 tháng).
Thông tin trên đã tạo hiệu ứng mạnh cho các DN trong nước đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài từ đầu vụ (mùa vụ mới sẽ bắt đầu từ tháng 11- 2011). Cho đến thời điểm này, đã có 16 DN đăng ký thu mua tạm trữ với số lượng lên đến 425.000 tấn. Theo ông Nam, với nguồn vốn này, DN trong nước sẽ cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.
Thông thường, cà phê nguyên liệu đầu vụ thường có giá thấp, người dân lo ngại giá xuống nên đổ xô bán tháo. DN nước ngoài tranh thủ vào thời điểm đầu vụ để được hưởng lợi lớn, còn DN trong nước khi tìm được vốn thì mùa vụ sắp hết nên phải mua với giá cao nên khó cạnh tranh khi xuất khẩu. Theo ông Nam, việc mua nguyên liệu cà phê tạm trữ từ đầu vụ sẽ có lợi cho nông dân, họ sẽ không bán tháo nữa mà trữ lại hàng chờ giá lên.
Cần tổ chức lại cách làm ăn Theo Vicofa, sản lượng cà phê niên vụ 2011-2012 sẽ đạt khoảng 1,1 triệu- 1,2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn. Ông Lương Văn Tự cho biết DN trong nước cần phải tổ chức lại cách thức làm ăn nếu không sẽ còn thua thiệt dài dài. Lâu nay, DN trong nước mạnh ai nấy làm, chưa tập hợp được để có tiếng nói chung và cùng nhau tạo sức mạnh. Việc ký kết hợp đồng, đàm phán nên quy về một đầu mối, còn để tình trạng làm ăn riêng lẻ như lâu nay sẽ dễ bị đối tác chèn ép. |
Bài và ảnh: Nguyễn Hải
Theo NLD
0 nhận xét