Bán khống còn nguy hiểm hơn cả đòn bẩy tài chính vì nếu thiếu tiền trong tài khoản, nhà đầu tư hay công ty chứng khoán còn có thể “lo” được, còn thiếu cổ phiếu, nhất là thiếu với khối lượng lớn, thì không thể nào xoay xở - Đây là ý kiến ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN.
Ông Bằng cho biết trước khi ban hành văn bản ngày 5/9/2011 về tuân thủ Luật Chứng khoán, ủy ban đã trực tiếp làm việc với Trung tâm Lưu ký 10 ngày để phối hợp với cơ quan này kiểm tra một số hiện tượng được báo chí hoặc nhà đầu tư phản ánh. Hiện nay công nghệ cho phép Trung tâm Lưu ký quản lý đến tận từng tài khoản của nhà đầu tư, nhưng việc phát hiện bán khống là không có. Nói chính xác việc lưu ký cổ phiếu không giúp phát hiện ra bán khống. Có hiện tượng nhà đầu tư thỏa thuận với nhau, viết giấy tay vay mượn cổ phiếu để giao dịch. Tuy nhiên người vay không đứng ra bán cổ phiếu. Mọi giao dịch trên tài khoản đều do người cho vay, tức chủ sở hữu thực hiện. Việc vay mượn giấy tay là quan hệ dân sự nên không dễ xử lý. Việc rút tiền, nộp tiền vào tài khoản của người cho vay cổ phiếu trên giấy tờ đều do chính chủ tiến hành. Còn ai chuyển trả tiền cho ông/bà ấy thì luật không ngăn cấm.
Ông Bằng cho biết trước khi ban hành văn bản ngày 5/9/2011 về tuân thủ Luật Chứng khoán, ủy ban đã trực tiếp làm việc với Trung tâm Lưu ký 10 ngày để phối hợp với cơ quan này kiểm tra một số hiện tượng được báo chí hoặc nhà đầu tư phản ánh. Hiện nay công nghệ cho phép Trung tâm Lưu ký quản lý đến tận từng tài khoản của nhà đầu tư, nhưng việc phát hiện bán khống là không có. Nói chính xác việc lưu ký cổ phiếu không giúp phát hiện ra bán khống. Có hiện tượng nhà đầu tư thỏa thuận với nhau, viết giấy tay vay mượn cổ phiếu để giao dịch. Tuy nhiên người vay không đứng ra bán cổ phiếu. Mọi giao dịch trên tài khoản đều do người cho vay, tức chủ sở hữu thực hiện. Việc vay mượn giấy tay là quan hệ dân sự nên không dễ xử lý. Việc rút tiền, nộp tiền vào tài khoản của người cho vay cổ phiếu trên giấy tờ đều do chính chủ tiến hành. Còn ai chuyển trả tiền cho ông/bà ấy thì luật không ngăn cấm.
UBCKNN đã mời một số công ty chứng khoán đến làm việc để nghe họ trình bày về một số khả năng, đường đi nước bước của bán khống có thể có trong thực tế. Khi nhận được thông tin về những vi phạm có liên quan tới vay mượn cổ phiếu của khách hàng của Công ty Chứng khoán Click and Phone, ủy ban đã kiểm tra, đã có văn bản cảnh cáo yêu cầu dừng ngay lập tức. Trong các cuộc họp, ủy ban cũng nghiêm khắc cảnh báo các công ty chứng khoán không được tiếp tay cho bán khống.
Việc vay mượn cổ phiếu để giao dịch trên cơ sở giấy tay cũng giống như giấy tay trong mua bán nhà đất, tiềm ẩn rủi ro cho cả người cho vay và đi vay. Người cho vay có thể mất cổ phiếu nếu người vay từ chối không chịu trả lại cổ phiếu một khi giá cổ phiếu biến động quá lớn so với giá đã bán. Trong trường hợp có tranh chấp, người cho vay không thể kiện người vay ra tòa vì những động thái bán - mua lại là do chính anh thực hiện trên tài khoản của anh. Chính vì thế, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ càng trước khi cho vay mượn cổ phiếu bằng giấy tay vì họ có nguy cơ mất cổ phiếu.
Ông Bằng thừa nhận có hiện tượng một số công ty quản lý quỹ cũng tham gia vào việc cho vay mượn cổ phiếu từ danh mục đầu tư. Tuy nhiên việc phát hiện là khó khăn.
Như vậy, cái khó của bán khống không phải là thiếu quyết tâm hay mức độ xử lý khi phát hiện, mà là tìm ra bằng chứng xác đáng để đi đến kết luận rõ ràng. Liệu đây có phải là sự bế tắc trước những phát sinh thực tế? Chúng tôi cho rằng không. Bán khống vẫn có thể được “chỉ tận tay day tận mặt” nếu Trung tâm Lưu ký có một bộ lọc về mức độ, tần suất giao dịch bất thường của một số mã cổ phiếu tại một số tài khoản ở một số công ty chứng khoán. Vì sao Trung tâm Lưu ký có thể phát hiện ra những hiện tượng làm giá cổ phiếu (tức liên tục mua vào đẩy giá lên bằng nhiều cách), mà không thể phát hiện ra bán khống ở chiều giao dịch ngược lại? Hay tần suất mua vào cao thì phát hiện được còn tần suất bán ra nhiều thì không? Hai chiều giao dịch mua vào - bán ra vì sao khác nhau đến thế?
Những nhà đầu tư bám bảng điện tử và bộ phận giám sát của không ít công ty chứng khoán cho biết đã có thời kỳ hàng tháng liền, họ nhận thấy một số mã cổ phiếu bị bán ra liên tục, bất thường, với tốc độ suy giảm giá mạnh hơn biến động chung của VN-Index. Những cổ phiếu này không có thông tin bất lợi liên quan đến hoạt động kinh doanh. Việc bán ra như trên được giải thích một cách chung chung là do tâm lý thị trường.
Biến động tần suất giao dịch của một cổ phiếu trong từng thời kỳ, từ một vài tuần đến một vài tháng, có ý nghĩa quan trọng. Những cổ phiếu có thanh khoản càng cao, tập trung vào một nhóm cổ đông nhất định càng dễ bị cho vay mượn để bán khống. Nó khác với làm giá. Cổ phiếu thanh khoản thấp, số lượng lưu hành hạn chế tạo điều kiện cho “đội lái” ra tay.
Trên hết bán khống có thể diễn ra tinh vi, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật. Tuy nhiên mức độ tinh vi đến đâu cũng có thể lộ diện trong trường hợp lặp đi lặp lại nhiều lần. Một khi làm giá đã bị đưa ra ánh sáng, nhiều nhà đầu tư bị xử phạt, thì bán khống cũng có khả năng ấy.
Ông Bằng cho biết thêm tới đây UBCKNN sẽ tổ chức họp báo về vụ việc của Công ty Dược Viễn Đông (DVD) để thông tin cho nhà đầu tư và dư luận biết. “UBCKNN đã phối hợp với cơ quan an ninh kinh tế theo dõi, phát hiện và xử lý vụ việc ngay từ đầu. Chúng tôi không làm ngơ những trường hợp như DVD”, ông Bằng khẳng định.
(TBKTSG)
0 nhận xét