Ngày mai, 11-9-2011, đánh dấu 10 năm vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến hơn 3.000 người thiệt mạng tại Mỹ. Trước buổi lễ 2 ngày, các quan chức chống khủng bố nước này đã cảnh báo về khả năng đánh bom bằng xe hơi, xe tải tại New York hoặc thủ đô Washington vào ngày tưởng niệm. Cả nước Mỹ đang hướng về sự kiện không thể nào quên trong lịch sử với một tâm trạng bất an.
Người dân Mỹ thắt dải băng tưởng nhớ trên Chuông hy vọng, chỉ ngân lên một lần trong năm vào ngày 11-9, tại New York. |
Mối nguy có thật
Người phát ngôn Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) Matt Chandler gọi mối đe dọa trên là “rõ ràng, có thật nhưng chưa xác nhận”. Các cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục truy tìm các đầu mối ở nước ngoài. Thị trưởng New York Michael Bloomberg và người đứng đầu lực lượng cảnh sát New York Ray Kelly đã yêu cầu lực lượng an ninh lập các chốt kiểm tra phương tiện giao thông khắp TP, tăng cường kiểm tra túi xách tại khu xe điện ngầm, giám sát chặt chẽ các cây cầu và đường hầm tại New York.
Đặc biệt, tại Ground Zero, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống George W. Bush sẽ có mặt tham dự lễ tưởng niệm. Hàng ngàn cảnh sát sẽ được điều động, phong tỏa các tuyến đường chính xung quanh địa điểm này. Tờ New York Times nhận định ngày 11-9, Ground Zero sẽ trở thành một pháo đài thực sự.
Theo kết luận điều tra của Quốc hội Mỹ ngày 7-9, 10 năm qua, Chính phủ Mỹ đã cải thiện đáng kể tình hình an ninh nội địa song vẫn còn thiếu hệ thống nhận dạng và công nghệ tiên tiến để phát hiện chất nổ trong hành lý ở sân bay. Ông Jane Holl Lute, Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm như phát hiện các mối đe dọa sớm hơn.
Từ đế chế đến suy yếu
Viện Nghiên cứu Hoàng gia về các vấn đề quốc tế (Chatham House) có trụ sở tại Luân Đôn vừa có bài viết Từ đế chế đến suy yếu của Giáo sư Michael Cox, phân tích những gì nước Mỹ đã trải qua kể từ ngày 11-9-2001.
Theo Giáo sư Cox, trước ngày 11-9-2001, vị thế của Mỹ trên thế giới dường như không thể bị đe dọa. Nền kinh tế Mỹ lúc đó được coi là thành công nhất trong lịch sử hơn 200 năm. Bước vào đầu thế kỷ mới, người Mỹ thực sự tự tin và nước Mỹ hành động như thể không có gì là họ không làm được mà không cần quá lo lắng tới hậu quả để lại. Một thập kỷ đã trôi qua, nước Mỹ đã thay đổi hầu như không nhận ra được nữa.
Thay đổi lớn là về mặt chính trị. Có nhiều lý do tại sao ông Barack Obama được bầu làm Tổng thống cuối năm 2008. Một trong những lý do quan trọng nhất, chỉ đơn giản người Mỹ không còn cảm thấy tin tưởng vào đường lối của đảng Cộng hòa. Trong thời gian đảng Cộng hòa cầm quyền (2000-2008), chiến tranh Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 đã xảy ra. Nước Mỹ lúc đó rất cần một điều gì mới mẻ để khôi phục vị thế và có khả năng ngăn chặn một cuộc suy thoái mới.
Gần đây, người ta đã nói quá nhiều về việc thế kỷ tới sẽ là thế kỷ của châu Á và quyền lực đang chuyển hướng nhanh chóng từ Tây sang Đông. Nhà kinh tế Jim O’Neill của tổ chức Goldman Sachs cho rằng trong khi Mỹ tiến hành chiến tranh ở Trung Đông và chiến đấu với Taliban ở Afghanistan, thì những nước khác, trong đó có một số nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), tiếp tục tăng trưởng kinh tế, xây dựng các quan hệ đối tác mới, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế nhanh hơn Mỹ.
Vấn đề cuối cùng là sự cân bằng quyền lực. Khi ông Bush nhậm chức Tổng thống, nhiều ý kiến cho rằng thế giới ở dạng đơn cực, nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục nổi trội trong nhiều thập kỷ tới nữa. Nhưng bây giờ mọi thứ đều khác xa. Cuộc chiến tranh chống khủng bố do Mỹ tiến hành và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 là những nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu như hiện nay.
Đỗ Văn (tổng hợp)
Theo SGGP
0 nhận xét