Hàng loạt di tích lịch sử khắp cả nước bị xâm hại hoặc bỏ hoang, cùng với việc hàng ngàn thí sinh thi ĐH vừa qua bị điểm 0 môn sử khiến dư luận lo ngại càng ngày nhiều người càng thờ ơ với các giá trị truyền thống
Rất nhiều di tích lịch sử tại Thừa Thiên – Huế sau khi được công nhận đã bị “bỏ quên” nên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không được kịp thời trùng tu, sửa chữa, chắc chắn trong khoảng thời gian không bao lâu nữa, các di tích này sẽ trở thành phế tích.
Đổ nát, hoang tàn
Đình An Cựu ở phường An Cựu - TP Huế là di tích lịch sử cách mạng được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận vào năm 2008. Tại ngôi đình này, ngày 1-5-1930, cờ của Đảng đã được Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Thừa Thiên - Huế treo lên nhân dịp các tầng lớp công nhân, lao động và nhân dân TP Huế lần đầu tổ chức ngày Quốc tế Lao động do Đảng lãnh đạo.
Trong chiến tranh, đình An Cựu là nơi sinh hoạt bí mật của một trong những chi bộ được tổ chức sớm ở Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là địa điểm tiến hành nhiều hoạt động cách mạng từ cuộc vận động Dân chủ Đông Dương đến năm 1975. Thế nhưng, di tích lịch sử cách mạng này hiện đang xuống cấp trầm trọng.
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ cho rằng đây là ngôi đình bỏ hoang bởi cảnh hoang tàn của nó. Bên ngoài, 4 cây cột đứng trơ trọi với nhiều mảng tường bong tróc. Sân đình chỉ được đắp tạm bằng đất, đá. Ngôi đình gồm 3 căn nhà thì 2 căn đã bị đập bỏ, chẳng khác gì nhà hoang. Trong căn chính điện, cột gỗ xiêu vẹo, mục nát; nhiều cánh cửa hỏng hóc; mái ngói dột nát trông rất nhếch nhác.
Cách đây 2 năm, cây kèo giằng ở gian giữa bị mục nát, gãy rơi xuống đất, đến nay vẫn còn nằm trên sàn nhà. Ông Trần Công Quang, người trông coi đình An Cựu, bức xúc: “Tôi đã nhiều lần báo cho các ngành chức năng nhưng đến nay đình vẫn không được sửa chữa gì”.
Khu Di tích ngục Đắk G’lei đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: TRÀ KHÚC
Cũng nằm trên địa bàn phường An Cựu, di tích An Lăng - nơi thờ tự 3 vị vua yêu nước Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân – cũng xuống cấp nghiêm trọng. Bờ thành, cổng tường như một đống đổ nát, hoang tàn.
Khu lăng mộ chôn cất các vị vua yêu nước cỏ mọc um tùm; nhiều công trình kiến trúc xuống cấp nặng nề, phải chèo chống bằng những thang gỗ mới không bị sập đổ. Nếu không được giới thiệu trước, chắc hẳn người lần đầu đến An Lăng sẽ không thể nào ngờ rằng đây là di tích lịch sử cấp quốc gia nằm trong quần thể di tích cố đô Huế.
Trong quần thể di tích cố đô Huế, hàng loạt di tích khác như Văn Miếu, lăng Cơ Thánh… cũng đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề.
Chẳng ai quản lý
Tại Kon Tum, do một thời gian dài không được quản lý, Khu Di tích ngục Đắk G’lei ở xã Đắk Choong, huyện Đắk G’lei đã bị sạt lở, xuống cấp và hư hỏng nặng.
Ngục Đắk G’lei do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1932 để giam cầm các chiến sĩ cộng sản, trong đó có nhiều vị nổi tiếng như Tố Hữu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ… ngục Đắk G’lei là bằng chứng của tội ác thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 30-12-1992, Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao đã quyết định công nhận quần thể ngục Đắk G’lei là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tuy nhiên, do tác động của con người và thời gian, các di tích gốc còn lại của ngục Đắk G’lei bị đe dọa nghiêm trọng. 26 ha rừng ở đồi Chang Tné, nơi có Khu Di tích ngục Đắk G’lei, đã bị “cạo” sạch. Khu vực đáng ra được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng hiện chỉ còn lại một quả đồi trọc, hàng ngàn cây rừng đã bị chặt hạ để lấy đất sản xuất. Cảnh quan thay đổi, những vạt rừng già và nhiều chứng tích tội ác chiến tranh của thực dân Pháp đối với phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam giờ không còn nữa. Các di tích ở ngục Đắk G’lei như đồn lính, bốt gác, ngục tối bị đe dọa hư hại bởi nguy cơ sạt lở, rêu phong ẩm thấp...
Đình An Cựu, một di tích lịch sử cách mạng ở Thừa Thiên – Huế, ngày càng hoang tàn, đổ nát. Ảnh: QUANG NHẬT
Trước đây, diện tích rừng trong khu vực di tích ngục Đắk G’lei thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh. Đến ngày 9-4-2009, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định chuyển giao khu này về cho chính quyền địa phương quản lý. Trong thời gian Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh làm chủ rừng, tại khu vực ngục Đắk G’lei đã xảy ra 40 vụ phá rừng trái phép với diện tích 146.496 m2 bị chặt hạ. Khi diện tích rừng này được giao về cho UBND huyện Đắk G’lei quản lý, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn - trên 20 vụ phá rừng trái phép được cơ quan chức năng phát hiện với 10 ha bị tàn phá.
Đổ qua, đẩy lại Khu rừng tại Khu Di tích ngục Đắk G’lei bị người dân chặt phá trái phép ào ạt, công khai trong khoảng thời gian rất dài nhưng cơ quan chức năng địa phương hầu như không có động thái gì. Khi chúng tôi thắc mắc, ông A Mô, Chủ tịch UBND xã Đắk Choong, phân trần: “Rừng này thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh, vì vậy xã không có trách nhiệm quản lý Khu Di tích ngục Đắk G’lei”. Trong khi đó, ông Đinh Duy Hoàng, cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh, lại “đá” trách nhiệm về địa phương: “Rừng này trước đây do Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh quản lý nhưng sau đó UBND tỉnh Kon Tum đã chuyển về cho địa phương. Chúng tôi đã bàn giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk G’lei”. Khi chúng tôi tiếp tục truy trách nhiệm, một vị lãnh đạo UBND huyện Đắk G’lei lại đẩy về phía người dân: “Sự quản lý của chủ rừng trước đây và chính quyền sau khi nhận bàn giao còn lỏng lẻo, khu vực ngục lại nằm khuất trong rừng nên việc giám sát không thuận lợi. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận thức của người dân còn hạn chế”! Trà Khúc |
Quang Nhật - Cao Nguyên
Theo NLĐ online
0 nhận xét