"Cứ nhìn bát phở không thôi, cũng thú. Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể của một họa sĩ trong phái văn nghệ tiền tiến dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá, nhưng mà đẹp mắt…”.
Đó là món phở của nhà văn Vũ Bằng viết từ năm 1952 trong tùy bút Phở bò - món quà căn bản. Mấy hôm nay tôi cảm giác quán phở khắp nơi có vẻ đông hơn sau cái tin phở và gỏi cuốn - hai món ăn dân dã xứ ta - vừa được chương trình CNNGo (thuộc kênh truyền hình Mỹ CNN) bình chọn vào vị trí thứ 28 và 30 trong danh sách 50 món ngon nhất thế giới mà đài này phán: “Nếu không ăn thì có tội”!
Nói gì thì nói, có lẽ cảm thức dân tộc lấn át nên khi đọc danh sách 50 món ngon nhất thế giới như cơm hải sản Tây Ban Nha, cơm gà Singapore, bánh croissant Pháp, vịt quay Bắc Kinh, sushi Nhật... đứng chung quanh ta cũng chỉ “ứa nước bọt” với phở, gỏi cuốn - đặc biệt là món phở.
Một lần ra Hà Nội, xứ sở của phở, người bạn viết thuộc hàng “thổ địa” ở đây đã hối hả đánh thức tôi dậy từ rất sớm, băng qua Bờ Hồ, co ro cuốc bộ qua mấy con phố để xếp hàng trước một quán phở trên phố Lò Đúc. Anh tuyên bố xanh rờn: không ăn phở ở đây là chưa nếm “mùi” Hà Nội!
Kiên trì đợi, tới phiên mình, bước qua cửa quán là cứ trả tiền trước, ai cũng đồng giá, cũng một thứ phở như nhau. Ngoài mấy cái bàn thấp lè tè còn lại là hai dãy “bàn” kê sát vách mà khách phải úp mặt vào tường xì xụp húp nước phở. Thế là tôi đã được ăn “phở Hà Nội”, có đủ “mùi vị”: quán tối lờ nhờ, thớt thịt đen mun lầy nhầy mỡ bò, còn được “khuyến mãi”: vừa ăn vừa nghe bà chủ quán - cũng là người thu tiền - chửi bóng gió một vị khách nào đó sáng ra đã uống quịt của bà… một cốc rượu nếp! Thế nhưng vẫn phải công nhận tô “phở chửi” phố Lò Đúc cứ theo tôi dai dẳng đến tận giờ, dù trước và sau đó đã ăn đến hàng ngàn tô ở hàng trăm quán tiệm khác khắp cả nước, kể cả ở nước ngoài…
Tin phở và gỏi cuốn xứ mình được vào top 30 (vì đứng vị trí 28 và 30) món ngon thế giới, khiến tôi lẩn thẩn giở lại chồng sách cũ. Ở đó nhiều nhà văn tầm cỡ từng không tiếc lời ca ngợi phở: “Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối. Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu…” (Thạch Lam, Chẳng gì ngon hơn một bát phở ngon). Nhà văn Vũ Bằng thì say sưa miêu tả tô phở (ở đầu bài viết này) như… một bức tranh. Nhưng người ca ngợi “đình đám” nhất, đến mức tên tuổi của ông gắn liền với… phở, là nhà văn Nguyễn Tuân, trong tùy bút Phở, ông từng ray rứt: “Mình khen phở mình là một món ăn ngon, nhưng trước khi khẳng định giá trị dân tộc của phở, có nên tranh thủ thêm ý kiến của bạn bè, quốc tế của ta không?”.
Những nhà văn đam mê, đắm đuối với tô phở hẳn nay đã an lòng khi mà món ăn dân tộc này được CNN xếp hạng thứ 28 trong số hàng triệu món ăn khắp năm châu. Sự vinh danh này tình cờ đến đúng dịp kỷ niệm lần thứ 24 ngày giỗ của cụ Nguyễn Tuân (28-7-1987 – 28-7-2011), tác giả tùy bút Phở!
HỒ THI CA
Theo SGGP
0 nhận xét