Ảnh minh họa |
Đối mặt với những khó khăn nội tại, trong đó có một thách thức mới rất lớn là sự thiếu hụt điện năng, để có thể duy trì sản xuất và tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang xúc tiến mạnh mẽ quá trình đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là châu Á. Trong đó, theo khảo sát của trang trực tuyến kinh doanh Nikkei, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn nhất với vai trò cơ sở sản xuất, vượt khá xa quốc gia xếp thứ hai là Ấn Độ, trong khi Ấn Độ lại chỉ nhỉnh hơn Thái Lan (đứng thứ 3) một chút. Xét về mức độ hấp dẫn như một thị trường tiêu thụ, Việt Nam xếp thứ 3, sau Ấn Độ và Indonesia.
Còn theo ông Hideo Naito, Trưởng Ban Tài chính phụ trách đầu tư về năng lượng, nguồn nước và cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam đứng thứ 3 trong trung hạn như một quốc gia tiềm năng về ngoại thương và đứng thứ 4 về ngoại thương trong dài hạn.
Theo GSTS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là một mắt xích trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất tại châu Á của các công ty Nhật Bản; nơi Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ phát triển hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao. Việt Nam trở thành nơi cung cấp các sản phẩm quay trở lại Nhật Bản một cách quan trọng và có hiệu quả, đồng thời có thể trở thành địa chỉ cung cấp hàng thực phẩm và rau quả tươi cho các vùng bị phóng xạ, các địa chỉ du lịch và nghỉ dưỡng chữa bệnh cho Nhật Bản...
ANH PHƯƠNG
Theo SGGP
0 nhận xét