>>Chiếm Tripoli, NATO và phe nổi dậy rơi vào bẫy
Trong cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 11/3 vừa qua, Đức bỏ phiếu chống lại nghị quyết thiết lập vùng cấm bay do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất.
Ngoài ra, Đức còn quyết định rút các tàu chở hàng tại Địa Trung Hải về nước và tỏ thái độ “dạy đời” NATO khi chiến dịch không kích bắt đầu diễn ra.
“Sáng kiến thiết lập vùng cấm bay chẳng hay ho gì. Rồi chúng ta sẽ thấy, chiến dịch này sẽ sát hại vô số dân thường”, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle từng tuyên bố.
Khi đó, lập trường của Đức như nước lạnh dội vào NATO, bỏ mặc các quốc gia còn lại trong NATO “vật lộn” với nhà lãnh đạo Libya. Và khi cuộc chiến thực sự đi vào bế tắc, nhiều quan chức Đức hỉ hả tuyên bố “chúng tôi đã cảnh báo trước rồi mà”.
Theo giới quan sát, thái độ như trên của Đức khá bất thường bởi quốc gia này luôn có tiếng sẵn sàng sát cánh cùng đồng minh trong cơn hoạn nạn. Một số chuyên gia khi đó cho rằng, có thể Đức muốn thực hiện chiến lược “hướng Đông” để đẩy mạnh xuất khẩu nên không còn tâm trí đi tiếp chặng đường cùng NATO.
Đức đang cố bù đắp cho thái độ thờ ơ của mình trước đây. |
Tuy nhiên, khi tình hình tại Libya có chiều hướng đột phá với ưu thế nghiêng về phe nổi dậy, Đức lại cuống cuồng “huờ theo” NATO.
Quốc gia số 1 tại châu Âu giờ đây vội vã cho Libya vay tiền, cam kết tăng cường viện trợ, đồng thời mở lại những tài khoản của Libya tại Đức như để bù đắp lại cho thái độ thờ ơ của mình trước đây.
“Libya cần được viện trợ để phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước, đi vào ổn định”, Ngoại trưởng Westerwelle hùng hồn tuyên bố tại hội nghị ở Istabul liên quan đến vấn đề Libya.
Hồi đầu tuần qua, Đức cũng tuyên bố cho Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya vay 140 triệu USD, đồng thời sẽ trao lại cho lực lượng này những tài khoản của ông Gaddafi tại các ngân hàng Đức.
Không dừng lại ở đó, Berlin tỏ rõ thái độ nồng hậu với phe nổi dậy khi mở một văn phòng liên lạc tại Benghazi. Ông Westerwelle cũng trực tiếp đến thành phố này và công nhận Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya.
Trong khi đó, bà Merkel gặp quan chức Mahmoud Jibril thuộc Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya với cam kết viện trợ cho phe nổi dậy 15 triệu USD và cho lực lượng này vay 144 triệu USD.
Tuy nhiên, nỗ lực “vuốt đuôi” của Đức không được giới phân tích đánh giá cao. “Đức đang có vị thế kinh tế và chính trị khá tốt nhưng lại quay lưng khi thế giới cần họ. Giờ họ cố tỏ ra nhiệt tình để bù đắp cho sự lạnh nhạt trước đây nhưng sự giúp đỡ đó quá ít ỏi và muộn màng”, chuyên gia Ulrike Guérot tại Hội đồng đối ngoại châu Âu nhận định.
Ngay cả cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl cũng không đồng tình với thái độ của Chính phủ Đức hiện nay. “Động thái này chỉ càng chứng tỏ Berlin là một cường quốc không đáng tin cậy cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Tôi đang tự hỏi vị thế thực sự của Đức hiện nay ở đâu”, ông Helmut Kohl bình luận.
0 nhận xét