Lợi dụng được cấp phép phổ tra, lấy mẫu quặng vàng, không chỉ ồ ạt khai thác, các công ty được cấp phép còn tự ý bán đất rừng trong và ngoài khu vực được cấp phép cho “vàng tặc”
Nhiều khu đất rừng ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị bán cho “vàng tặc”
Tháng 4-2011, Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghiệp Bảo Thư (trụ sở tại TPHCM) được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý chủ trương cho phép phổ tra, lấy mẫu, khoanh diện tích, lập đề án thăm dò quặng vàng trên diện tích 9,02 km2 trên địa bàn huyện Đắk Glong. Nhưng sau đó không lâu, ngày 5-5, Công ty Bảo Thư lại ký hợp đồng với Công ty TNHH Thành Trung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cũng với nội dung được phép phổ tra, lấy mẫu. Từ đó, tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra ồ ạt quanh khu vực được cho phép phổ tra.
Hủy hoại môi trường
Từ trung tâm xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, vượt hơn 25 km đường rừng lầy lội, chúng tôi tới “thủ phủ” của “vàng tặc”, thuộc lâm phần của Công ty CP MDF Long Việt. Qua màn sương núi, dần hiện ra trước mắt chúng tôi một “công trường vàng”. Con đường có chiều dài hơn 1 km, rộng hơn 4 m mới hình thành, hàng loạt cây rừng lớn, nhỏ bị đốn hạ. Một đường hầm dài hàng trăm mét, khoan sâu vào lòng núi, phá hủy diện tích rừng xung quanh để lấy vàng sa khoáng. Tại khu vực này có hơn 10 ha cây rừng đã bị đốn hạ để lấy đất đãi vàng.
Ông Lê Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, cho biết: “Gần đây, lúc cao điểm, có hơn 40 lán trại, hơn 10 máy múc đất đá và hàng trăm người ngày đêm khai thác vàng. Riêng Công ty Thành Trung có tới khoảng 160 người”.
Men theo những con suối đục ngầu do nước từ các bãi vàng thải xuống, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự tàn phá môi trường kinh khủng của “vàng tặc”. Dòng nước ô nhiễm, vẩn đục, nhiều điểm trên các con suối biến thành những bể chứa bùn đỏ và nước thải từ các bãi vàng. Điều đáng sợ hơn, để có thể tách được vàng, “vàng tặc” phải dùng đến hóa chất vô cùng độc hại là thủy ngân, cyanua... Các chất độc này đã hòa vào dòng chảy của các sông, suối cạnh đó. Đây là những dòng sông, con suối gắn bó lâu đời, cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho hàng ngàn người dân sống xung quanh.
Ông Jàng A Phành (xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong) cho biết: “Gần đây, việc khai thác vàng đã làm cho dòng nước bị ô nhiễm nặng. Người tắm bị ghẻ lở, nổi ngứa, uống vào thì bị ngộ độc. Cá, tôm chết sạch”.
Mở đường, đào hầm trái phép
Với danh nghĩa được Công ty Bảo Thư cho phép thăm dò, Công ty Thành Trung đóng lán trại cũng như “thăm dò” trên diện tích đất rừng ngoài khu vực được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép thăm dò trước đó. Công ty Thành Trung còn tự tiện mở đường, đào hầm, đưa máy móc vào khai thác vàng trái phép, tự ý cho một số đối tượng ký hợp đồng với danh nghĩa hợp tác để phổ tra lấy mẫu quặng nhưng thực chất là bán các phần đất này lại cho các “vàng tặc”.
Ngày 15-7, UBND huyện Đắk Glong đã lập đoàn liên ngành vào kiểm tra thực tế. Ông Phạm Văn Lệ, một người khai thác vàng ở đây, cho đoàn kiểm tra biết: “Tôi và Công ty Thành Trung đã thỏa thuận nếu làm thử có vàng thì công ty sẽ bán đất cho tôi để làm vàng với giá 50 triệu đồng/năm”. Ông Lê Văn Hoàng, một người khai thác vàng khác, khẳng định: “Công ty Thành Trung cho tôi khai thác vàng, đổi lại tôi phải trả cho công ty 4 triệu đồng/tháng…”.
Theo báo cáo ngày 22-7 của UBND huyện Đắk Glong gửi UBND tỉnh Đắk Nông, Công ty Bảo Thư và Công ty Thành Trung không thực hiện đầy đủ các thủ tục tiến hành phổ tra, lấy mẫu lập đề án thăm dò quặng vàng. Đồng thời, các công ty lợi dụng chủ trương của UBND tỉnh chuyển nhượng trái phép đất rừng cho các đối tượng khai thác vàng trái phép, dưới danh nghĩa hợp đồng, hợp tác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường rừng… Hơn nữa, bảo vệ Công ty Thành Trung còn hậu thuẫn cho các đối tượng côn đồ để chống người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự, khó khăn trong việc quản lý khoáng sản trên địa bàn.
“Các khu vực Công ty Thành Trung đang hoạt động và công ty này hợp đồng với các đối tượng khác đều nằm ngoài khu vực được UBND tỉnh cho phép Công ty Bảo Thư phổ tra lấy mẫu quặng vàng”, báo cáo này nêu rõ.
Cán bộ bị “vàng tặc” bắt giữ, đánh đập Ngày 7-7, UBND xã Quảng Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra gồm 33 cán bộ vào các điểm nóng khai thác vàng trái phép trên lâm phần của Công ty CP MDF Long Việt để kiểm tra. Khi đến nơi, hơn 40 đối tượng lăm lăm trên tay mã tấu, dao, kiếm, súng kíp, súng hơi cay… bao vây, xô xát với đoàn kiểm tra. Ông Mai Văn Ninh, Phó Công an xã và ông Nguyễn Văn Thụy, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, bị nhóm người dùng gậy đánh trọng thương. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, một cán bộ xã Quảng Hòa thoát ra ngoài, gọi điện cầu cứu với UBND huyện Đắk Glong. Trong lúc chờ đợi lực lượng của huyện, sau nhiều giờ thương lượng, “vàng tặc” mới chịu thả một số cán bộ của đoàn. Riêng 5 cán bộ chủ chốt của xã, trong đó có phó chủ tịch UBND và trưởng công an xã, vẫn bị “vàng tặc” bắt giữ. Đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng công an huyện mới đến nơi nhưng phải đến gần 21 giờ cùng ngày, những cán bộ này mới được giải thoát. |
Bài và ảnh: Cao Nguyên
Theo NLĐ
0 nhận xét