Những ngày gần đây, từ thông tin của một tờ báo mạng, dư luận tỏ ra quan tâm đến trường hợp của quán quân Karatedo Asiad 2006, Vũ Thị Nguyệt Ánh, khi VĐV này đang bị chấn thương nặng nhưng không thể phẫu thuật dứt điểm do thiếu kinh phí. Ngay lập tức, những phê phán nặng nề đều hướng đến những nhà quản lý thể thao.
Công Vinh tự chữa trị chấn thương và trở lại thành công. Ảnh: V.S.I. |
Trường hợp Nguyệt Ánh không thiếu trong làng thể thao Việt Nam. Nguyệt Ánh được quan tâm bởi cô là ngôi sao của Karatedo Việt Nam. Những trường hợp khác nhanh chóng bị lãng quên bởi họ đã giải nghệ hoặc không đạt thành tích cao.
Ngay cả ở môn thể thao vua như bóng đá, không thiếu các trường hợp VĐV phải ngậm ngùi giã từ sự nghiệp do chấn thương. Bản thân VFF hay các CLB cũng chỉ hỗ trợ được phần nào kinh phí. Nói như vậy để thấy, trường hợp của Nguyệt Ánh là tiêu biểu nhưng nếu chỉ đề cập riêng cá nhân VĐV này thì chưa bao quát được hết vấn đề. Lỗi của các nhà quản lý thể thao chỉ là một phần bởi kinh phí dành cho thể thao của nhà nước không nhiều mà phần lớn dành cho tập luyện thi đấu.
Ngay ở môn bóng đá, tiền đạo số 1 Việt Nam là Lê Công Vinh trong năm 2010 ngoài sự hỗ trợ của CLB Hà Nội T&T cũng phải bỏ tiền túi để sang Bồ Đào Nha phẫu thuật. Chấn thương của anh còn nhẹ hơn trường hợp của Nguyệt Ánh, nhưng vì lo cho chính tương lai của mình, Công Vinh quyết định mất 1 năm thi đấu để chữa trị dứt điểm.
Sau khi phẫu thuật, Lê Công Vinh nhanh chóng lấy lại phong độ. Ở đây có thể thấy, ý thức của một VĐV rất quan trọng. Chấn thương trong thể thao dù nặng hay nhẹ, luôn được các bác sĩ khuyến cáo là nên chữa trị dứt điểm ngay khi mới bắt đầu. Đối với Nguyệt Ánh, chấn thương của cô được phát hiện từ năm 2008 nhưng cho đến nay, dù đã xác định phải chữa trị ngay nhưng có lẽ phải sau khi thi đấu tại SEA Games 26 trở về, Nguyệt Ánh mới nghỉ ngơi. Vấn đề ở chỗ, do không chữa trị sớm, lại duy trì cường độ thi đấu cao, nên chi phí giải phẫu đã cả tỷ đồng và phải ra nước ngoài mới thực hiện được.
Trong trường hợp này, thật khó có thể nói là những HLV hoặc các nhà quản lý thể thao biết Nguyệt Ánh bị chấn thương mà vẫn ép cô thi đấu. Sự chủ quan ở đây cần được nhìn nhận từ cả chính bản thân VĐV bởi xin nghỉ để chữa thương là quyền của họ. Hơn nữa, khi ấy, gánh nặng về kinh phí cũng dễ được giải quyết. Đã là VĐV chuyên nghiệp, ý thức về năng lực cá nhân rất quan trọng bởi nó liên quan đến tuổi nghề, khả năng duy trì thành tích đỉnh cao, song song với sự ổn định về thu nhập.
Ở một góc độ khác, cần phải thấy cách vận hành của nền thể thao Việt Nam còn quá nhiều bất cập. Không phải môn nào cũng được như bóng đá, nơi có tính chuyên nghiệp cao, VĐV tự biết và có khả năng lo cho mình. Phần lớn những môn thể thao khác đều được bao cấp, sức ép thành tích khá nhiều và các HLV, VĐV cũng không trang bị đủ những kiến thức về nghề nghiệp để tự bảo vệ mình. Cái cần thiết nhất là từng môn phải nâng cao tính chuyên nghiệp, càng tránh phụ thuộc vào ngân sách nhà nước càng tốt.
Tâm Việt
SGGP
0 nhận xét