Nhiều loài rắn cực độc như hổ mây, hổ mang, hổ chúa, cạp nong… đang bị lạm sát để đáp ứng nhu cầu chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” của giới lắm tiền, nhiều của
Cánh thợ săn ở vùng Bảy Núi – An Giang cho biết bây giờ nhu cầu “tráng dương bổ thận” của các “thượng đế” ngày một cao hơn. Nếu như giới bình dân lùng mua “sung dược” là những loại côn trùng giá rẻ thì các đại gia lại khoái hàng “độc”, trong đó mãng xà luôn được ưa chuộng. Loài rắn nào nọc độc càng mạnh, giá càng cao. Vì thế, nhiều thợ săn không ngần ngại đánh cược mạng sống của mình với “tử thần” xứ núi.
Săn lùng ráo riết
Mặt trời khuất dần, màn đêm nhanh chóng bao trùm khắp vùng Bảy Núi hiểm trở, thợ săn trẻ tên Tình cũng vội vã lên đường đi tìm rắn. Tình bảo mục tiêu của anh là rắn hổ mây – chúa tể trong các loài độc xà xứ núi này. “Thời gian gần đây, phong trào săn lùng các loài rắn độc ngày càng rầm rộ ở vùng Bảy Núi. Hổ mây là loài đang có giá và được săn tìm ráo riết nhất” - Tình cho biết.
Theo chân Tình len lỏi dưới cánh rừng ven núi Phú Cường, xã An Cư, huyện Tịnh Biên - An Giang mà chúng tôi không ngớt hồi hộp, lo lắng vì sợ bất ngờ gặp rắn độc. Thoáng nghe tiếng lào xào trên tán lá, Tình dừng lại quan sát. Ánh đèn pha trên đầu Tình quét loang loáng, cố phát hiện con mồi. Bằng kinh nghiệm của một thợ săn thiện nghệ, Tình nói rắn sẽ ẩn mình rất nhanh khi vừa bị ánh đèn quét ngang đường đi của chúng.
Khi ánh đèn quét đến một hốc cây, Tình dừng lại vì phát hiện một đôi mắt lóe lên trong đêm. “Rắn hổ mây đó. Loài này nhanh lắm, ông cẩn thận, đứng xa ra và né đường lao đi của nó. Loài hổ mây có cú đớp mồi và quăng mình nhanh như gió, xa đến 5-7 m. Nếu cảm thấy nguy hiểm, chúng sẽ chủ động tấn công đối thủ. Cặp răng nanh sắc nhọn đầy nọc độc của chúng sẽ là thứ vũ khí hạ sát đối phương” - Tình giải thích.
Con rắn vẫn án binh bất động, ẩn mình trong hốc cây. Thỉnh thoảng, đầu nó vươn cao với cặp mắt láo liên quan sát động tĩnh và cái lưỡi chẻ đôi thè ra đánh hơi. Quan sát một lúc, Tình quyết định ra tay. Anh lao đến, bước sang bên phải, vung cây roi có ngạnh sắt chắn cổ con rắn rồi dùng tay thộp đuôi nó, cho vào bao gọn lỏn.
Chiến lợi phẩm đầu tiên là con hổ mây to hơn ngón chân cái, dài hơn 1,5 m, ước nặng chừng 0,5 kg. “Mình chỉ cần một chút sơ suất hay ra tay không đúng lúc, không chính xác là nó phản công ngay và không biết chuyện gì sẽ xảy ra”- Tình thản nhiên. Theo lời Tình, loài độc xà máu lạnh này chỉ săn mồi vào ban đêm, ban ngày thì rút trong hang tránh nóng.
Tiếng ếch nhái, côn trùng trong đêm vang dội khắp nơi. Không cần xem đồng hồ, Tình cũng đoán chắc đã nửa đêm vì tiếng côn trùng mỗi lúc một gần, lớn hơn và dày đặc hơn.
Chiến lợi phẩm đầu tiên trong chuyến săn của Tình là con hổ mây dài hơn 1,5 m, ước nặng chừng 0,5 kg
Tình cho biết từ nửa đêm về sáng là lúc các loài côn trùng, ếch nhái, kỳ nhông… hội tụ và trở thành thời điểm săn mồi ưa thích của rắn độc. Những thợ săn tinh ý cứ theo âm thanh của ếch nhái, côn trùng mà tìm tới nơi, ắt sẽ có rắn xuất hiện để săn mồi.
Đang say sưa kể về những chuyến đi săn độc xà của mình, Tình phát hiện một con hổ mang đang thoăn thoắt lao đi trên lối mòn trước mặt. Tay lăm lăm cây roi ngạnh sắt, Tình đuổi theo con mồi.
Chúng tôi cũng vội chạy theo vì ánh sáng hiếm hoi giữa khu rừng đêm này chỉ là chiếc đèn pha trên đầu Tình, thỉnh thoảng lại mất hút phía trước. Khi chúng tôi dò dẫm đến nơi thì Tình đã tóm gọn con hổ mang đưa ra khoe. Con rắn phùng mang, thè lưỡi, khè hơi độc trông rất hung hãn. Tình vội cho nó vào bao để tiếp tục lên đường…
Chuyến đi săn của chúng tôi kết thúc lúc 3 giờ sáng, khi sương giăng đầy rừng và cây cỏ đã ướt sũng. Chỉ tay về hướng những ánh đèn pha thấp thoáng xa xa dưới chân, trên triền núi, Tình quả quyết: “Mỗi ánh đèn pha là một thợ săn đó”.
Nuốt mật, uống máu tươi
Rạng sáng, cánh bạn hàng đã chờ sẵn ở nhà Tình. “Có rắn hổ mây không?” - một người hăm hở. “Được một con hổ mây trọng trọng. Có cả 3 con rắn hổ mang nè” - Tình đáp. Con rắn hổ mây được bắt ra cân, nặng hơn 0,5 kg. Một bạn hàng không chút ngần ngại, đưa tay tóm gọn con rắn cho vào rọng sắt. Ba con rắn hổ mang nặng gần 2 kg cũng được những người này thu mua ngay.
Ông Sáu, một người quen của chúng tôi vốn là bạn hàng thu gom rắn độc ở vùng Bảy Núi, cho biết rắn sẽ được tuồn vào các quán nhậu quanh vùng, loại lớn sẽ đưa về các TP. Ông Sáu cũng không quên giới thiệu với chúng tôi một số quán nhậu thịt rừng nơi ông bỏ mối rắn hổ mây với mấy thứ rượu thuốc “tráng dương, bổ thận” được cho là giúp cánh mày râu có “công lực thâm hậu”.
Chúng tôi theo chân một đoàn khách sang trọng vào quán nhậu Ng. nổi tiếng ở huyện Tri Tôn - An Giang. Quán Ng. khá chật chội nhưng khách thì luôn tấp nập, phía trước cổng có đến 4 chiếc ô tô 7 chỗ biển số TPHCM án ngự. Liếc qua thực đơn nhưng không thấy các món “độc”, một người kêu cả đoàn đi tìm quán khác. Cô tiếp viên vội xoa dịu bằng “thực đơn miệng”: “Các món “độc” không dám ghi trong thực đơn đâu, sợ cơ quan chức năng kiểm tra sẽ phạt. Mấy anh cần dùng gì thì cứ gọi, quán em có cả, từ chồn, sóc, nai, nhím đến các loại mãng xà. Hôm nay quán có rắn hổ mây xứ núi nữa đó, bổ lắm, mấy anh có thể nuốt mật, dùng tiết canh tươi, còn thịt làm món xào…”.
Không chỉ bị giết thịt, nhiều loài độc xà còn bị săn lùng để ngâm rượu “bồi bổ sinh lực” cho quý ông
Thấy khách gật đầu, cô tiếp viên búng tay ra hiệu cho nhà bếp. Nhanh như cắt, một thanh niên lôi từ trong rọng sắt một con rắn hổ mây chừng 0,5 kg, một tay tóm cổ, tay kia kề dao rạch bụng nó. Hai ông khách dáng mập mạp tiến nhanh vào nhà bếp. Một người há miệng nuốt ngay cái mật rắn to bằng ngón tay út tay thanh niên “đồ tể” vừa đưa. Máu rắn đựng trong chén, hai “thượng đế” chia nhau uống sống một cách ngon lành. Trở lại bàn, ông khách nuốt mật rắn tỏ ra rất phấn khích, khoe: “Nuốt tới đâu rân người tới đó! Làm thêm tí huyết nữa là tay chân ngứa ngáy…”.
Cái giá phải trả cho “mốt” ăn chơi thời thượng này cũng rất đáng đồng tiền, bát gạo: Chỉ riêng con rắn hổ mây đã hơn 2 triệu đồng! Một người trong nhóm tặc lưỡi bảo đắt quá nhưng những người khác lại cười xòa. “Muốn tráng dương, bổ thận thì không nên tính toán, sức khỏe là trên hết. Có tiền mà không đủ sức “làm đàn ông” thì hỏng, sống còn gì vui thú” - người đàn ông nuốt mật rắn phán.
Hiểm nguy rình rập
Chúng tôi đến nhà ông Tư N., một thợ săn rắn chuyên nghiệp ở núi Két, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, khi ông đi săn vừa về tới. Nghe chúng tôi hỏi chuyện săn rắn, ông N. chỉ tay ra phía sau bếp, nơi vợ ông đang làm thịt một con hổ chuối.
Ông N. cho biết đã hơn 20 năm săn bắt rắn ở vùng Bảy Núi nhưng ông chủ yếu tìm những loại rắn thường, không có nọc độc để bán kiếm tiền. “Gặp rắn độc thì nhanh chóng tránh xa, trừ khi đối mặt bất ngờ không tránh được mới liều mình với chúng, như đêm qua tôi gặp con hổ chuối kia, chứ nguy hiểm lắm. Trước đây, rắn độc đem cho không người ta còn không lấy nói chi là bán nên chẳng ai săn bắt làm gì, không khéo còn nguy hiểm đến tính mạng. Vậy mà thời gian gần đây, người ta lại lùng mua rắn độc với giá cao ngất ngưởng” – ông N. nói.
Từ ngày các loài rắn độc có giá, nhiều đồng nghiệp của ông N. đã đổ xô đi săn lùng ráo riết. Họ còn rủ ông N. đi cùng nhưng suy đi nghĩ lại, ông vẫn cảm thấy bất an.
Ông N. thổ lộ: “Mình nghèo, nghe kiếm được tiền nhiều cũng ham nhưng vẫn không có gì hơn mạng sống. Nọc độc của những con rắn này ghê gớm lắm, chỉ cần một cú mổ thôi, người khỏe mạnh cũng có thể lăn ra chết. Rắn hổ mây, hổ mang… được bạn hàng mua tới 400.000-500.000 đồng/kg, còn vô tới nhà hàng, quán nhậu thì phải tính bạc triệu. Mấy đồng nghiệp của tôi có hôm cũng trúng đậm vài ba ký. Vậy rồi người này rủ người khác cùng đi săn rắn độc mà không biết hiểm nguy luôn rình rập”.
Hết giết thịt đến ngâm rượu Theo những người dân sống lâu năm ở vùng Bảy Núi, trước kia rắn ở đây nhiều vô kể. Những năm gần đây, do con người xâm chiếm, khai phá núi rừng làm các công trình xây dựng, nhà ở nên rắn bị mất chỗ ở, phải di chuyển sâu vào trong rừng rậm. Vì muốn tránh mặt con người nên rắn ít khi xuất hiện vào ban ngày, ở những nơi có bàn chân con người đặt tới. Tuy nhiên, nhiều người khẳng định rắn độc ở Bảy Núi vẫn còn rất nhiều. Các lương y ở An Giang cho biết nhiều người tin rằng rắn độc có sức mạnh ghê gớm nên không chỉ bị giết thịt, chúng còn bị săn lùng ngâm rượu để uống bồi bổ sinh lực. “Rắn càng độc càng bị săn lùng. Vì thế, nhiều loài như hổ mang, hổ chúa, hổ mây, cạp nong, cạp nia… ngày càng bị truy sát để phục vụ các quý ông lắm tiền, nhiều của” – một lương y bức xúc. |
Bài và ảnh: QUỐC DŨNG
NLĐ
0 nhận xét