Quân nổi dậy cho biết đang điều thêm quân và vũ khí đến Tripoli trong nỗ lực đập tan sự kháng cự của lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi
Số phận thủ đô Tripoli trong ngày 23-8 vẫn chưa rõ ràng sau khi xuất hiện những thông tin trái ngược từ quân nổi dậy và phe ủng hộ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.
Theo hãng tin AFP, quân nổi dậy tuyên bố “kỷ nguyên Gaddafi” đã chấm dứt sau khi kiểm soát hầu hết Tripoli. Trái lại, con trai ông Gaddafi là Seif al-Islam khẳng định cha ông vẫn đang kiểm soát thủ đô.
Sự mơ hồ ở Tripoli
Sự xuất hiện của Seif al-Islam tại khu dinh thự Bab al-Azizya của ông Gaddafi vào rạng sáng 23-8 (giờ địa phương) là một bằng chứng rõ nét cho tình trạng mơ hồ đang bao trùm Tripoli. Theo hãng tin AFP, Seif al-Islam đã gặp một số phóng viên nước ngoài để “bác bỏ những lời dối trá” rằng quân nổi dậy đã bắt được ông ta một ngày trước đó.
Ông tuyên bố với các phóng viên: “Tripoli vẫn thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi… Mọi thứ vẫn tốt đẹp ở Tripoli. Người ta sẽ thấy người dân Libya vùng lên để chống lại quân nổi dậy ở Tripoli như thế nào”. Cũng theo ông Seif al-Islam, quân nổi dậy đã bị “tổn thất nặng nề” khi tìm cách tấn công vào Bab al-Aziziya.
Ông Seif al-Islam, con trai của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi,
bắt tay người ủng hộ tại Tripoli hôm 23-8. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, đại sứ Libya tại Mỹ cho đài CNN biết Mohammed, con trai cả của ông Gaddafi, đã chạy thoát khỏi lực lượng nổi dậy sau khi bị họ quản thúc tại gia hôm 22-8. Đại diện của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) thừa nhận ông Mohammed dường như đã được lực lượng của ông Gaddafi đưa đi.
Trong nỗ lực đập tan sự kháng cự của lực lượng chính phủ ở Tripoli, quân nổi dậy cho biết đang điều thêm quân và vũ khí đến thành phố này từ thành phố biển Misrata, cách thủ đô 200 km về phía Đông. Hãng tin AFP dẫn thông báo từ Trung tâm Thông tin thuộc Hội đồng Quân sự Misrata cho biết một số tàu vận chuyển một lượng lớn các tay súng và quân trang từ Misrata đã đến Tripoli.
Ngoài ra, lực lượng nổi dậy từ Misrata cũng tiếp tục tiến về phía Nam đến thành phố Sirte, quê hương của ông Gaddafi và một số nơi vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong khi đó, quân đội Mỹ cho biết lực lượng trung thành với ông Gaddafi ở gần Sirte đã bắn 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud về phía Misrata hôm 22-8 nhưng chưa có thông tin về thương vong.
Sợ kho vũ khí vào tay kẻ xấu
Tình hình chiến sự kéo dài ở Libya đang gây ra không ít lo ngại cho Washington. Các quan chức Mỹ nhận định rằng một khoảng trống quyền lực ở nước này làm gia tăng lo ngại về sự an toàn của các kho vũ khí và mối nguy hiểm của việc chúng rơi vào tay bọn xấu. Ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cảnh báo: “Ngay cả khi ông Gaddafi không còn nắm quyền, chúng ta vẫn phải tăng cường bảo đảm rằng những lợi ích quốc gia Mỹ được bảo vệ.
Đặc biệt, chúng ta phải bảo đảm rằng những kho vũ khí tiên tiến, vũ khí hóa học và chất nổ không rơi vào tay kẻ xấu”. Một số chuyên gia chống khủng bố quan tâm đến số phận của các kho vũ khí truyền thống hơn là kho hóa chất của ông Gaddafi. Nỗi lo của họ là những vũ khí truyền thống có thể lọt vào tay những nhóm vũ trang hoặc nổi dậy tìm cách gây bất ổn cho các chính phủ khác ở châu Phi.
Một nỗi lo khác của Mỹ là ai có thể lãnh đạo một nước Libya thời hậu Gaddafi vượt qua nhiều thách thức một khi chiến sự kết thúc, như hạ tầng bị tàn phá nặng nề, nguy cơ xảy ra các vụ trả thù, sự xa lạ đối với nền dân chủ… Hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là John McCain và Lindsey Graham cho rằng sự can thiệp của Mỹ vào Libya được đánh giá thành công hay không sẽ không dựa trên sự sụp đổ của chế độ Gaddafi mà dựa trên tình hình đất nước này sau đó.
Các tay súng nổi dậy ở Tripoli hôm 23-8. Ảnh: AP
Các quan chức Mỹ cho rằng nước này có thể đi đầu trong việc huấn luyện chính trị, hỗ trợ hậu cần và tình báo cho chính phủ mới ở Libya. Dù vậy, theo một số chuyên gia, nỗ lực tái thiết nói chung ở Libya nên dành cho các tổ chức toàn cầu, như Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc bác bỏ khả năng triển khai quân ở Libya sau khi chế độ Gaddafi bị lật đổ.
Trước mắt, bà Victoria Nuland, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Washington và các đối tác toàn cầu đang đẩy nhanh việc giải ngân tài sản Libya bị phong tỏa để giúp quân nổi dậy đáp ứng những nhu cầu về an ninh và nhân đạo của đất nước.
Theo bà Nuland, số tài sản Libya bị phong tỏa ở Mỹ vào khoảng 30 tỉ USD, trong đó chỉ có khoảng 10% là tiền mặt. Bà cho biết: “Chúng tôi muốn NTC có được những khoản tiền cần thiết để duy trì một chính phủ mạnh mẽ và ổn định, đáp ứng những nhu cầu nhân đạo và an ninh của người dân”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cam kết hỗ trợ hết mức cho người dân Libya, đồng thời kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm và hòa bình ở nước này.
Theo hãng tin AFP, LHQ cùng Liên đoàn Ả Rập, Liên hiệp châu Âu, Liên hiệp châu Phi và các tổ chức khu vực khác sẽ có một hội nghị cấp cao bàn về tình hình Libya trong tuần này, có thể là vào ngày 25 hoặc 26-8. Một số nước và tổ chức, trong đó có Liên đoàn Ả Rập, Ai Cập, Kuwait, Bahrain…, đã lên tiếng ủng hộ lực lượng nổi dậy sau khi họ tiến vào Tripoli.
Trung Quốc kêu gọi Libya duy trì hợp tác dầu mỏ Trung Quốc hôm 23-8 đã thúc giục Libya bảo vệ những cơ sở đầu tư của nước này và cho rằng việc giao dịch dầu mỏ có lợi cho hai bên. Ông Ôn Trọng Lượng, Phó Phòng Giao thương của Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định: “Đầu tư của Trung Quốc ở Libya, đặc biệt là đầu tư dầu mỏ, là một trong những hợp tác kinh tế giữa hai nước. Sự hợp tác này đều có lợi cho nhân dân Trung Quốc và Libya”. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi một quan chức công ty dầu mỏ của phe nổi dậy AGOGO cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc và Nga có thể mất các hợp đồng dầu do không ủng hộ họ trong cuộc chiến chống lại ông Gaddafi. |
Hoàng Phương
Theo NLĐ
0 nhận xét