Tuy nhiên, giới phân tích cũng đã tìm ra nguyên nhân khiến giá vàng trở nên "bất trị". Đó chính là niềm tin của giới đầu tư với sự hồi phục của nền kinh tế hiện giờ đang bị lung lay dữ dội. Vì thế, thông tin tốt lành từ chính quyền của Tổng thống Obama không thể làm “mờ mắt” giới đầu tư bởi họ đã có quá nhiều lần phải nếm trải cảnh niềm tin bị “sụp đổ”. Giờ đây, họ nhìn thẳng vào diễn biến đầy tiêu cực của nền kinh tế mà không ngần ngại mua vàng nhiều nhất có thể với hy vọng tìm được nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền của mình.
Adam Klopfenstein, chiến lược gia cao cấp của MF Global Holding Ltd tại Chicago, cho rằng, tâm lý “cậy nhờ” vàng của giới đầu tư là hoàn toàn có cơ sở. "Dòng tiền đang chảy mạnh vào vàng khi có rất nhiều sự không chắc chắn về khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu", ông Adam Klopfenstein nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, nỗi lo từ Mỹ, cộng với diễn biến nợ nần tại châu Âu chưa cải thiện và đặc biệt động thái mua vàng của các ngân hàng Trung ương cũng như quỹ đầu tư trên thế giới đã khiến vàng trở thành thiên đường trú ẩn.
Dù thoát nguy cơ vỡ nợ nhưng kinh tế Mỹ vẫn rất bấp bênh. |
Chia sẻ quan điểm này, Fred Dickson, trưởng chiến lược gia thị trường thuộc hãng The Davidson Cos. ở Lake Oswego, Mỹ nhận định: “Các nhà đầu tư đã chuyển những lo lắng từ việc nâng trần nợ công sang những vấn đề thực tế của nền kinh tế”.
Những vấn đề thực tế mà ông Fred đề cập đến chính là báo cáo về chi tiêu của người Mỹ bất ngờ giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng giảm 0,2% trong tháng 6. Trong khi đó, thu nhập cá nhân tháng 6 tăng 0,1%, mức tăng thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2010.
Bức tranh u ám của nền kinh tế Mỹ được tô đậm thêm bằng thông báo của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho rằng, lĩnh vực sản xuất Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hai năm qua. Chỉ số sản xuất của ISM giảm mạnh xuống 50,9 điểm, kém khả quan hơn dự báo 54 điểm của các nhà kinh tế và mức 55,3 điểm trong tháng 6.
Trước bối cảnh tiêu cực này của nền kinh tế số 1 thế giới, tổ chức định mức Fitch Ratings cảnh báo, dù thoát nguy cơ vỡ nợ nhưng Washington vẫn phải cắt giảm nợ nần nếu không muốn bị hạ bậc trong tương lai.
Sau Fitch Ratings vài giờ, tổ chức Moody's cũng xác nhận mức tín nhiệm Aaa dành cho Mỹ, song vẫn đặt kinh tế Mỹ trong triển vọng tiêu cực và cho rằng điều này có thể sẽ tạo sức ép khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải cắt giảm thâm hụt ngân sách. Triển vọng tiêu cực của Moody's đồng nghĩa với việc Mỹ vẫn có khả năng bị hạ bậc tín nhiệm cao nhất trong vòng 12 đến 18 tháng tới.
Đồng nhất quan điểm trên, Chủ tịch bộ phận xếp hạng tín nhiệm nợ của Standard & Poor's John Chambers cho rằng, rủi ro Mỹ bị mất định mức tín nhiệm AAA trong ba tháng tới đang tăng lên, ngay cả khi lưỡng viện Mỹ đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công.
Trong khi đó, chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc cũng tỏ ra chưa hài lòng. Tờ China Daily bình luận, về cơ bản Mỹ đã tránh được nguy cơ vỡ nợ, nhưng chưa thể giải quyết vấn đề nợ công. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế Mỹ và gia tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu.
Vàng đang trở thành thiên đường trú ẩn cho dòng vốn của giới đầu tư. |
Như vậy, tới lúc này, nỗi lo trần nợ về cơ bản đã được xóa mờ, trong khi những quan ngại về khả năng Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm thì vẫn như "lưỡi hái tử thần" lơ lửng trên đầu. Hệ quả là thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch tồi tệ khi phố Wall đánh dấu phiên sụt giảm dài nhất kể từ tháng 10/2008. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 265,87 điểm (tương đương 2,19%), còn 11.866,62 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 75,37 điểm (tương đương 2,75%) xuống 2.669,24 điểm.
Chịu chung số phận, chỉ số S&P 500 mất 32,89 điểm (tương đương 2,56%) xuống 1.254,05 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 20/12/2010. Như vậy, đợt sụt giảm lần này đã lấy đi toàn bộ nỗ lực tăng điểm của chỉ số này trong nửa đầu năm 2011.
Trong khi đó, từ châu Âu, vấn đề nợ công bắt đầu trở lại khi ngân hàng Pháp BNP Paribas SA cho biết bị thiệt hại 768,3 triệu USD do vấn đề nợ của Hy Lạp. Điều này đã ảnh hưởng không ít tới tâm lý nhà đầu tư.
Hơn nữa, việc tăng giá của vàng còn do nhà đầu tư lo ngại FED có thể sẽ phải tung ra gói kích thích kinh tế trước tình trạng suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Nhận thấy rõ những diễn biến tiêu cực này của nền kinh tế, các ngân hàng Trung ương và quỹ đầu tư tích cực gom vàng. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hôm qua hoàn tất mua 25 tấn vàng, trong khi Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cũng bổ sung 1.000 ounce vàng vào dự trữ quốc gia.
Cùng ngày, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR mua vào 18,17 tấn vàng nâng tổng lượng nắm giữ tăng 1,4% lên 1.281,75 tấn. Lượng vàng nắm giữ của SPDR gần chạm tới mức kỷ lục 1.320,436 tấn ngày 29/6 năm ngoái. Và như một vòng luẩn quẩn, hoạt động đẩy mạnh gom vàng này lại càng làm giá vàng sôi sục.
Thị trường vàng thế giới sau một ngày giao dịch thăm dò tăng tốc đột ngột khi bước vào phiên giao dịch 2/8 tại Mỹ. Giá kim loại quý nhanh chóng từ dưới mức 1.630 lao thẳng lên 1.640 USD một ounce và có lúc vượt qua 1.660 USD một ounce. Bước sang phiên giao dịch 3/8 tại châu Á sáng nay, giá có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn ở mức kỷ lục 1.655, 50 USD một ounce. Như vậy, so với tháng trước, giá vàng thế giới đã tăng gần 11,5% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 40%.
Theo Đất Việt
0 nhận xét