Ít có dự án nào mà lại tranh cãi nhiều như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tranh cãi từ khi lập dự án cho tới lúc “nước tới chân”, tức là thời điểm mà nhà máy sắp đi vào vận hành.
Tạm gác sang một bên những tranh cãi về vấn đề môi trường còn chưa ngã ngũ thì chuyện bức xúc nhất hiện nay của dự án bauxite là đường vận chuyển. Đằng sau chuyện bức xúc đó lại thấy hiển hiện mối lo về hiệu quả kinh tế của dự án.
Ngay lúc đầu, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Thế nhưng, từ Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đến bộ quản lý ngành cùng lên tiếng bảo đảm rằng dự án có hiệu quả, rằng phải tính hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa của dự án… Rồi nhiều con số, tính toán được trưng ra để minh chứng cho điều này.
Thế nhưng, nay thì chính TKV chứ không phải ai khác đã phải thừa nhận rằng dự án khai thác bauxite không còn hiệu quả kinh tế nếu “cõng” cả chi phí nâng cấp, bảo dưỡng đường vận chuyển. Thừa nhận của TKV khiến không ít người ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi thông lệ của một dự án kinh tế là phải tính tất cả các hạng mục từ đầu tư, khấu hao, duy tu, bảo dưỡng đường… vào giá thành.
Thông lệ là vậy, sao TKV không đưa chi phí vận chuyển vào dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên? Biết không hiệu quả kinh tế nếu phải tính đúng, tính đủ cả chi phí đường vận chuyển, sao tập đoàn này lại không nói từ đầu mà tới lúc nhà máy sắp đi vào vận hành mới thừa nhận? Phải chăng TKV biết nhưng cứ gạt chi phí đường vận chuyển sang một bên để cố minh chứng rằng “dự án có hiệu quả kinh tế”?... Không ai khác ngoài TKV có thể trả lời thấu đáo các câu hỏi mà dư luận đang đặt ra này.
Nếu buộc TKV hành xử theo đúng thông lệ thì dự án “không còn hiệu quả kinh tế”. Song nếu Nhà nước chi tiền làm đường thì có thể tạo ra tiền lệ xấu. Các doanh nghiệp sau này dại gì mà không “noi” theo tấm gương này. Cho dù nó không hay ho gì, song đối với doanh nghiệp thì quan trọng nhất là lợi nhuận chứ chưa chắc phải là trách nhiệm đối với xã hội. n
Phan Đăng
Theo NLĐ
0 nhận xét