Các nhà khoa học yêu cầu làm rõ tính pháp lý của việc xây dựng thủy điện tại Vườn Quốc gia Cát Tiên
“Điều 7, Luật Đa dạng Sinh học quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học: Xây dựng công trình nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Vậy chủ đầu tư (hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A) có phạm luật hay không khi chủ trương đầu tư vào vườn quốc gia (VQG)?”- TS Kỷ Quang Vinh, ĐH Cần Thơ, đặt vấn đề tại hội thảo về ảnh hưởng của hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A đối với rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai, tổ chức ngày 7-8.
Xem xét tính pháp lý
Hai dự án thủy điện “dính” đến đất VQG Cát Tiên - nơi Việt Nam đã ký nhiều cam kết quốc tế liên quan vì thế, TS Lê Anh Tuấn, ĐH Cần Thơ, cho rằng tính pháp lý của dự án không chỉ xem xét trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam mà còn căn cứ trên các cam kết quốc tế. Theo Công ước Ramsar: Các bên cam kết bảo đảm việc bảo tồn và sử dụng khôn ngoan các vùng đất Ramsar như là sự quản lý toàn diện các lợi ích mà khu đất ngập nước cung cấp cho con người và môi trường (như bảo vệ tính đa dạng sinh học).
Nếu dự án triển khai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân khu vực lân cận
Trong khi hệ đất ngập nước Bàu Sấu là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới với tổng diện tích 13.759 ha. Năm 2001, UNESCO công nhận VQG Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển của thế giới nên phải tuân thủ hướng dẫn Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) về bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên linh thiêng. Ngoài ra, Việt Nam còn ký một số cam kết quốc tế khác liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước đa dạng sinh học Akwé, Tuyên bố Yamato về tiếp cận tổng hợp bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…
Tham vấn cộng đồng “ba như một”
Theo TS Vũ Ngọc Long, Viện Sinh học nhiệt đới, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, đơn vị thực hiện không chỉ “ẩu” trong điều tra tài nguyên rừng, đánh giá các tác động về môi trường, mà ngay cả điều tra tác động xã hội của chủ đầu tư cũng sai quy định. Cụ thể, khu vực triển khai dự án có 3 xã bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 29 phiếu điều tra ảnh hưởng, nhiều phiếu không có thông tin. Mỗi dự án ảnh hưởng đặt ở vị trí khác nhau, gây ra những tác động khác nhau đối với mỗi cộng đồng khác nhau nhưng nội dung phỏng vấn giống y chang nhau, không phân định đối tượng ảnh hưởng thuộc dự án nào.
Theo chủ đầu tư, “ưu điểm” của 2 dự án này là không di dân, không tái định cư. Thế nhưng trong nội dung phỏng vấn không thích đáng vì chỉ đề cập việc di dân và tái định cư. Đơn vị thực hiện không phỏng vấn trực tiếp người dân mà lại gửi phiếu điều tra qua UBND xã, sau đó UBND xã gửi trả lại kết quả. “Người dân của 3 xã này chủ yếu là người Châu Mạ, S’tiêng và Mơ Nông, tôi không tin tất cả đều biết tiếng Kinh để đọc được nội dung trong phiếu phỏng vấn?” - TS Vũ Ngọc Long hoài nghi.
Trong khi đó, ông Lâm Đình Uy, điều phối viên của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cảnh báo: “Tôi đã thấy 2 cánh rừng phía dưới phần dự kiến làm đập thủy điện Đồng Nai 6 bị đốt trơ trụi cách đây 2 tháng và người dân hoàn toàn biết điều đó là vi phạm pháp luật nhưng “vì cái bụng họ phải làm”. Dự án thủy điện gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Dù chỉ một người cũng cần phải được xem xét thấu đáo” - ông Lâm Đình Uy khuyến cáo.
Còn nhiều tiềm năng kinh tế
Ông Trần Xuân Chinh, Phó Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết trong 3 năm trở lại đây, thu nhập từ dịch vụ du lịch của VQG tăng đáng kể; trong năm 2011, dự kiến khoảng 5,5 tỉ đồng. Tiềm năng khai thác du lịch của VQG còn rất lớn nhưng VQG phải khai thác hạn chế và dè dặt để bảo vệ rừng. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG đến năm 2020, trong đó cho thuê đất rừng làm du lịch sinh thái bền vững, được xem như một kênh huy động vốn xã hội hóa đầu tư vào du lịch VQG.
Bài và ảnh: THU SƯƠNG
Theo NLĐ
0 nhận xét