Sau thời gian giữ bí mật, Trung Quốc hôm 10/8 đã chính thức giới thiệu chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này với thế giới, khi loan báo kế hoạch thử nghiệm nó. Giới phân tích nói rằng đây thực tế chỉ là một sự khoe khoang về món "đồ chơi mới" và Trung Quốc sẽ còn rất lâu mới có thể thực sự làm chủ các hoạt động mang tính cốt yếu trên tàu sân bay.
Cuộc thử nghiệm ngắn ngày sau chục năm "đại tu"
Theo Tân Hoa Xã, con tàu dài 300 mét, vốn mang tên Varyag, đã khởi hành trong điều kiện trời nhiều sương và rời khỏi cảng Đại Liên, nơi nó đang được chỉnh trang, tu sửa. Thông tin về hành trình của con tàu sân bay được giữ tuyệt đối bí mật và cũng không ai biết nó sẽ thử nghiệm hoạt động trong bao lâu.
Tuy nhiên một thông báo chuyển lên trang web của Cơ quan An toàn Hàng hải Liêu Ninh đã cấm các tàu thuyền qua lại tại một khu vực nhỏ trên biển, nằm ngoài khơi Đại Liên và lệnh cấm có hiệu lực kéo dài tới cuối tuần này.
Bắc Kinh nói rằng con tàu chỉ dùng cho việc nghiên cứu và huấn luyện, nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất những hàng không mẫu hạm khác của nước này trong tương lai. Nguồn tin Bộ Quốc phòng cũng khẳng định chuyến đi đầu tiên của con tàu sẽ diễn ra ngắn. Nó sẽ sớm trở lại cảng Đại Liên để tiếp tục lắp thêm thiết bị và tiếp tục thử nghiệm.
Trung Quốc đã dành cả thập kỷ vừa qua để tân trang lại con tàu sân bay mà họ mua từ năm 1998 từ Ukraina. Ban đầu công ty đứng ra mua tàu nói rằng họ sẽ đưa nó về Macau làm khách sạn và sòng bạc. Nhưng khi thương vụ thành công, con tàu được kéo thẳng về cảng Đại Liên để tu sửa và lắp các trang thiết bị do Trung Quốc sản xuất.
Theo thiết kế gốc của Nga, Varyag có chiều dài 323 mét. Nó có thể mang khoảng một chục chiếc máy bay Su-27K, phiên bản tối ưu cho tàu sân bay, vẫn được gọi là Su-33, 14 trực thăng chống tàu ngầm Ka-27PL, 2 trực thăng chống chiến tranh điện tử và 2 trực thăng cứu nạn.
Khi cần thiết, con tàu có thể mang tới 36 chiếc Su-33 và 18 trực thăng các loại. Nó có thể mang theo 2.500 tấn nhiên liệu máy bay, đủ để thực hiện từ 500-1000 lượt bay của máy bay chiến đấu và trực thăng. Qui mô thủy thủ đoàn của con tàu là 2.500 người hoặc có thể lên tới 3.000 người. Hiện thế giới chỉ có 2 tàu sân bay thuộc loại này là Kuznetsov, đang trong trang bị của quân đội Nga và chiếc Varyag nằm trong tay người Trung Quốc.
Hình ảnh chụp tàu Varyag hôm 4/8, chỉ ít ngày trước khi
nó thực hiện cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên
nó thực hiện cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên
Thứ vũ khí mang tới nhiều lợi thế
Tháng trước, khi công khai sự tồn tại của con tàu sân bay Varyag, Trung Quốc đã giải thích rằng họ chỉ sử dụng thứ vũ khí này cho mục đích nghiên cứu và huấn luyện.
Bắc Kinh tuyên bố rằng họ là thành viên duy nhất của HĐBA LHQ chưa có tàu sân bay trong khi lại có đường bờ biển và vùng lãnh hải rộng lớn cần bảo vệ. Ngoài ra giới chức Trung Quốc cũng chỉ ra rằng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng họ lại tụt hậu sau các nước nhỏ hơn như Thái Lan và Brazil, cũng như trước đối thủ Ấn Độ, về khả năng sở hữu tàu sân bay.
Giới phân tích cho rằng chương trình tàu sân bay của Trung Quốc là sự phát triển tự nhiên, tới từ việc nước này đang chi tiêu rất mạnh cho lĩnh vực quân sự. Năm ngoái, Trung Quốc thông báo chi tiêu quốc phòng đã tăng lên 91,5 tỷ USD, tức chỉ đứng sau có Mỹ.
Trong khi sự phát triển của các tàu sân bay có một phần liên quan tới niềm tự hào quốc gia và cái gọi là "quyền khoe khoang", việc Trung Quốc sở hữu các vũ khí này đã khiến nhiều nước lo ngại. Nguyên nhân do quốc gia đông dân nhất thế giới đã có tranh chấp về lãnh thổ tại Biển Đông và một số khu vực khác.
Ngoài ra, việc triển khai tàu sân bay ngoài bờ biển sẽ tăng tầm hoạt động của máy bay Trung Quốc, qua đó tăng khả năng tấn công các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Guam. Bắc Kinh được cho là đang phát triển mẫu máy bay hoạt động trên hàng không mẫu hạm mang tên J-15, nhái lại phiên bản Su-33 của Nga.
Chưa thể làm chủ hàng không mẫu hạm
Tuy nhiên khả năng tàu sân bay Trung Quốc có thể uy hiếp thế mạnh quân sự Mỹ chỉ là một viễn cảnh rất xa xôi, bởi hiện tại họ vẫn chưa có đủ năng lực làm chủ một hệ thống phức tạp như tàu sân bay.
Andrei Chang, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc đang lãnh đạo Trung tâm thông tin Kanwa kiêm Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Châu Á Kanwa, đánh giá cuộc thử nghiệm mới nhất chỉ nhằm kiểm tra hệ thống vận động của con tàu. Theo ông, Trung Quốc có thể sẽ lặp lại quy trình đưa tàu xuống biển chạy thử, đưa vào bến lắp thiết bị và lại đưa xuống biển chạy thử nhiều lần trong từ 1-2 năm tới. "Cuộc thử nghiệm này rõ ràng là để khoe khoang. Họ vẫn còn một chặng đường rất dài trước mắt" - Chang nói.
Bản thân Yin Zhuo, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, đã phát biểu trên đài truyền hình quốc gia CCTV rằng yếu tố mang tính cốt yếu để tạo nên một chiếc tàu sân bay hoạt động hoàn chỉnh là việc huấn luyện phi công. Trung Quốc hiện không có những phi công như vậy. "Phải mất 3 năm để tạo ra một phi công đạt chuẩn... rồi người phi công ấy phải tập luyện trên tàu sân bay và việc này có thể mất thêm một năm nữa" - ông nói.
Chang cũng chỉ ra rằng con tàu sân bay của Trung Quốc hiện chưa có bộ phận hãm tốc máy bay, một hệ thống cơ khí hết sức quan trọng nhằm giảm tốc nhanh máy bay khi nó hạ cánh. "Đây là điều rất lạ. Hãm tốc máy bay trên hàng không mẫu hạm là công nghệ rất phức tạp và Trung Quốc vẫn chưa lắp đặt nó. Chúng tôi không thể thấy hệ thống này trên các bức ảnh đã được công bố" - ông đánh giá - "Điều đó có nghĩa con tàu chưa thể đón các chiến đấu cơ mà mới chỉ phục vụ được cho các máy bay trực thăng mà thôi".
Tường Linh
Theo TT&VH
0 nhận xét