Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 200 ha rừng thông phòng hộ, rừng cảnh quan tại 2 huyện miền núi Sơn Hà và Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bị đốn hạ để trồng mì, keo
Đến trung tâm thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, dọc Tỉnh lộ 623 dễ dàng nhận thấy những tấm biển được đóng vào gốc thông với nội dung: “Cấm chặt phá, lấn chiếm đất rừng thông”. Thế nhưng, vào sâu bên trong, hàng chục hecta rừng thông đã bị xóa sổ.
Phá rừng làm rẫy
Tại Tiểu khu 212 và 204 - thôn Làng Dầu, huyện Sơn Hà, hơn 10 ha rừng thông vừa bị đốn hạ. Những đống gỗ thông nằm la liệt, có thân gỗ cả người ôm được chất lại đốt đã cháy sém. Hàng trăm ngàn gốc thông đang nhường chỗ cho cây mì mọc lên. Một nông dân đang đốt gốc thông làm rẫy, cho biết gia đình có 12 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng nên quanh năm đói triền miên.
Ông Đinh Văn Trảo, trưởng thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, bên một vạt rừng thông bị đốn hạ
Sau khi UBND huyện Sơn Hà có chủ trương chuyển đổi toàn bộ gần 300 ha rừng thông phòng hộ sang rừng sản xuất, ngay lập tức diện tích rừng thông được “hô biến” thành những rẫy keo, mì. Nhiều vạc rừng thông được trồng 40 năm chẳng mấy chốc đã bị xóa sổ. Theo ông Đặng Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng, vào thời điểm năm 2009, UBND huyện Sơn Hà bàn giao cho UBND thị trấn quản lý và sử dụng 116 ha rừng thông. Trước đây, diện tích rừng thông toàn huyện có gần 300 ha và trong 116 ha được bàn giao, hiện nay ước chỉ còn dưới 30 ha và số diện tích ít ỏi này đang có nguy cơ bị xóa sổ.
Còn tại huyện Ba Tơ, dọc Quốc lộ 24 đi qua các xã Ba Động, Ba Thành, Ba Cung…, hàng ngàn gốc thông chết đứng. Những rừng thông bạt ngàn ngày nào giờ là những rẫy mì, rẫy keo. Ở những cánh rừng chưa bị bức tử, rất nhiều cây thông lá đã úa đỏ, đang chết dần bởi lớp vỏ gần mặt đất đã bị cạo sạch, nhựa cây chảy ra đặc quánh quanh gốc. Ông Hồ Văn Xuân ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ, nói rằng tình trạng phá rừng thông để trồng mì, keo diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền không xử lý được. Lực lượng kiểm lâm thỉnh thoảng có đi kiểm tra nhưng cũng không tới đâu.
Dân phá rừng, khó xử lý
Để người dân có đất sản xuất, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương cho chuyển đổi khoảng 80% diện tích rừng phòng hộ sang sản xuất, tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống; đồng thời hỗ trợ 200.000 đồng/ha để người dân chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ còn lại. Tuy nhiên gần đây, do lợi nhuận từ cây mì, cây keo quá cao, người dân đã không ngần ngại lấn diện tích rừng phòng hộ để mở rộng diện tích.
Điều đáng nói là trong khi thực hiện chủ trương chuyển đổi, các cơ quan chức năng ở địa phương đã không quản lý tốt khiến hàng trăm hecta rừng thông tại 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ đã bị tàn phá. Ông Tạ Tiến, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà, thừa nhận do diện tích rừng ở Sơn Hà quá rộng lại liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng đầu nguồn nên việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn. Theo ông Tiến, đa phần người dân phá rừng vào ban đêm, dùng cưa lốc đốn hạ một cách nhanh chóng hoặc cạo hết vỏ phần gốc để cây chết dần và trồng cây khi đã dọn sạch cây thực bì... nên rất khó phát hiện. Hiện nay, việc quản lý rừng thông đã được giao cho UBND thị trấn Di Lăng nên hạt kiểm lâm cũng chỉ còn trách nhiệm phối hợp.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, nói: “Chúng tôi đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ phải kiên quyết xử lý nhưng làm không xuể. Hiện huyện đang tính đến phương án đầu tư trồng lại toàn bộ diện tích rừng trên và giao cho người dân vừa sản xuất vừa bảo vệ rừng.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ phá rừng với diện tích lên đến trên 52 ha. Tình trạng phá rừng diễn ra ở hầu hết các huyện miền núi của tỉnh. |
Bài và ảnh: Niêm Hà
Theo NLĐ
0 nhận xét