Sau khi được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Bộ GT-VT, Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới.
° PV: Tân Bộ trưởng sẽ ưu tiên giải quyết những việc gì trong nhiệm kỳ mới?
° Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG: Tôi ưu tiên quan tâm hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và xây dựng hạ tầng giao thông. Tiếp đó là nâng cao tính hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước, cụ thể là người thực thi công vụ phải nghiêm.
° Đồng chí có tiếp tục theo đuổi dự án đường sắt cao tốc?
° Đường sắt cao tốc là một phương thức vận tải hiện đại, tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều. Chúng ta đang phấn đấu để đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Một nước hiện đại cần phải có các loại phương tiện giao thông hiện đại. Đến lúc có đủ điều kiện chúng ta sẽ đầu tư. Giờ phải tập trung nâng cao chất lượng của phương tiện giao thông trước.
5 năm tới, nếu chúng ta trở thành một nước phát triển thì cần thiết phải tính đến dự án này. Còn không thì cần tính vào một thời điểm khác thích hợp hơn. Trước hết tập trung ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Sau đó nâng cao đường sắt hiện có, cân đối phát triển đồng bộ các loại quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn với điều kiện vốn đầu tư của mình. Tiếp nữa là phát triển hài hòa các phương tiện vận tải giữa đường sắt, đường bộ, đường hàng không. Còn trong bối cảnh hiện nay chúng ta chưa đủ điều kiện cần thiết để làm đường sắt cao tốc.
° Xây dựng hạ tầng tốn kém rất nhiều vốn. Vậy bộ trưởng có giải pháp gì để huy động được tài chính?
° Phải có sự đột phá trong xây dựng để khuyến khích phát triển giao thông, sau đó có cơ chế để huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia: tư nhân, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư nước ngoài. Vì nếu chỉ trông chờ ngân sách thì rõ ràng không giải quyết được. Hiện các mô hình PPP, BT, BOT đó là những mô hình đầu tư rất tốt mà trên thế giới bây giờ người ta đều áp dụng nhưng ở Việt Nam còn chưa hấp dẫn nên sắp tới sẽ phải làm cho nó hấp dẫn lên.
° Nếu cho “một điểm tựa”, bộ trưởng sẽ chọn gì?
° Trước hết, đó phải là lòng tin của Đảng và người dân đối với tôi và ngành giao thông. Thứ hai, có một cơ chế đột phá để cho tôi làm việc đó. Thứ ba, là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được. Nếu đợi xin phép thủ trưởng ở nhà thì chậm mất, lỡ cơ hội.
° Bộ trưởng có đột phá gì giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TPHCM?
° Bộ GT-VT có trách nhiệm cùng với các thành phố lớn để giải quyết ùn tắc. Điều quan trọng trước mắt vẫn là phát triển hài hòa các phương tiện vận tải trong thành phố, đặc biệt là các phương tiện công cộng. Thứ hai, người tham gia giao thông là chủ thể quyết định là có tai nạn hay không có tai nạn. Họ phải xác định được tai nạn giao thông không phải là trên trời, không phải là việc của lãnh đạo ngành giao thông mà là việc gắn với chính mình thì ý thức về tham gia giao thông sẽ khác. Cần phải kiểm soát lái xe, không uống rượu, uống bia... Cần rất nhiều giải pháp.
° Bộ trưởng tiền nhiệm là ông Hồ Nghĩa Dũng rất thành công trong việc xây dựng cho người dân ý thức đội nón bảo hiểm. Ông có thấy đó là áp lực?
° Đó cũng là áp lực, nhưng sẽ phải trở thành động lực. Với cấp dưới của tôi, tôi luôn tạo áp lực cho họ làm việc để họ biến áp lực đó thành động lực phấn đấu làm việc. Làm việc mà không có động lực phấn đấu, chỉ hoàn thành thôi thì không có gì là sung sướng cả. Công việc đầy khó khăn, thử thách thì khi hoàn thành mới vẻ vang.
PHAN THẢO
Theo SGGP
0 nhận xét