Sau thành công trong việc tái tạo bộ phận sinh dục cho “chú lính chì” Thiện Nhân, bác sỹ Roberto De Castro đã đến Việt Nam và tiến hành thăm khám cho 80 trẻ có hoàn cảnh tương tự. Việc khám và phẫu thuật diễn ra từ ngày 16-18/8.
Khát vọng được có hình hài toàn vẹn
Với 80 trẻ em khiếm khuyết bộ phận sinh dục và người thân đang chờ được khám và điều trị để tái tạo lại bộ phận sinh dục ở Viện Đại học Y Hà Nội những ngày này, có lẽ mong ước lớn lao nhất là được trở thành người hoàn chỉnh chứ không phải là ước muốn trở thành người hoàn hảo hay vĩ nhân gì. Cơ hội chỉ thực sự đến với họ khi “chú lính chì” Thiện Nhân tái tạo thành công bộ phận sinh dục. Và chị Mai Anh, mẹ bé Thiện Nhân có sáng kiến lập nên chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may”.
Hơn 4 năm trước, cháu Nguyễn Văn Danh (6 tuổi, ở Suối Tân, Cam Lâm, Khánh Hoa) khi gia đình không để ý đã bò qua đường tàu hỏa chơi, bị tàu hỏa chẹt mất một chân, mất hậu môn và bộ phận sinh dục (BPSD). Việc này là cú sốc lớn với gia đình chị Hồng Oanh, mẹ cháu Danh. “Đến bây giờ cháu đi đại tiện, tiểu tiện vẫn tự do nên phải đeo bỉm cả ngày. Cháu chuẩn bị vào học lớp 1, nhưng tôi lo cháu khó hòa nhập được vì cháu vẫn mặc cảm lắm. Vừa rồi khám, bác sĩ bảo trước mắt phải giải quyết xong hậu môn đã rồi mới tính tới chuyện tái tạo BPSD cho cháu”.
Với khiếm khuyết của cơ thể của 80 cháu bé đang được khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phải chịu đựng nhiều mặc cảm, dị nghị của những người xung quanh. |
Còn chị Nguyễn Thị Hiệp phải chạy vạy vay mượn tiền để đi xe đò từ Đồng Nai ra Hà Nội với hi vọng chữa trị cho con là cháu Nguyễn Thị Tâm (9 tuổi). Cháu Tâm mới sinh ra không có hậu môn, không có BPSD. Lúc mới sinh, bố cháu nhìn xong sợ quá bỏ nhà đi luôn. Cháu Tâm phải điều trị tại BV Nhi Đồng 2 nửa năm trời. Khi hai mẹ con về nhà, anh và chị của cháu Tâm trông thấy em như vậy cũng bỏ luôn mẹ và em đi biệt tích. Hai mẹ con phải trải qua những ngày tháng sống trong cùng cực, phải bán nhà để lo ăn và lo chạy chữa cho con. Đã có lúc chị Hiệp tính tới chuyện uống thuốc tự tử nhưng vì thấy tội nghiệp con nên lại thôi. Giờ đây, cuộc sống đã bớt khó nhọc hơn, nhưng bà mẹ vẫn phải nai lưng tần tảo nuôi đứa con bệnh tật. Chị bảo: “Hai lần trước đã khám các BS của Mỹ, rồi Ireland, nhưng họ đều lắc đầu. Tôi cố chạy vạy tiền để khám nốt lần này cho cháu, nếu mà không được thì thôi đành chấp nhận số phận vậy”. Nghe tâm sự chát đắng ấy, những người xung quanh lẳng lặng quay đi gạt giấu nước mắt.
Tấm lòng nhân hậu từ nước Ý
BS Roberto De Castro – người đã trực tiếp tái tạo BPSD cho “chú lính chì” Thiện Nhận đã tỏ ra rất hứng khởi khi nhận lời mời của ông Greig Craft và chị Trần Mai Anh – hai sáng lập viên chương trình “Tái tạo BPSD cho trẻ không may”– sang Việt Nam khám miễn phí cho trên 80 trường hợp trẻ không may bị tổn thương BPSD do bẩm sinh hoặc do tai nạn. Theo dự kiến, chương trình khám bệnh sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 16 – 18/8 tại BV Đại học Y Hà Nội.
Trao đổi với báo giới BS De Castro cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam để thực hiện một chương trình từ thiện như thế này. Tôi đã tới nhiều nước trên thế giới để thực hiện việc khám và phẫu thuật cho các cháu bé bị tổn thương BPSD, nhưng Việt Nam là nước đầu tiên tổ chức một chương trình có quy mô lớn với nhiều bệnh nhân như vậy. Tôi hết sức ấn tượng bởi Thiện Nhân – một cậu bé hết sức quả cảm và chính vì thế, khi ông Greig và chị Mai Anh đề xuất với tôi việc sang Việt Nam để khám cho các em bé Việt Nam, tôi lập tức đồng ý mà không suy nghĩ nhiều. Tôi cũng hi vọng trong lần quay trở lại Việt Nam vào tháng 11, tôi và ekip của mình có thể phẫu thuật cho càng nhiều cháu càng tốt”.
Bác sỹ DeCastro cho biết ông sẵn sàng chuyển giao cho các đồng nghiệp ở Việt Nam toàn bộ phương pháp tái tạo bộ phận sinh dục để nhiều trẻ em Việt Nam có cơ hội trở lại hình hài trọn vẹn. |
BS DeCastro cũng cho biết thêm, ông sẵn sàng chuyển giao cho các đồng nghiệp ở Việt Nam toàn bộ phương pháp tái tạo BPSD của mình với hi vọng phương pháp của ông sẽ được áp dụng thành công tại Việt Nam và nhiều trẻ em Việt Nam sẽ có được niềm vui khi được trả lại hình hài trọn vẹn. Phương pháp tái tạo BPSD bằng các mô và mạch máu mà BS DeCastro đang áp dụng là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Nó giúp bệnh nhân có cảm giác và BPSD tái tạo có thể lớn lên trên cơ thể, cùng sự phát triển của bệnh nhân. “Tôi rất vui khi được làm việc với các bạn đồng nghiệp Việt Nam tại BV Đại học Y, đặc biệt là PGS.TS Trần Ngọc Bích (trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ Sơ sinh của BV Việt Đức). Ông là một BS giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình và có tấm lòng nhân ái”, BS DeCastro nhấn mạnh.
Về vấn đề kinh phí cho chương trình từ thiện này, ông Greig Craft – Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong Châu Á, đồng sáng lập chương trình, trải lòng: “Chúng tôi thực sự đau lòng khi phải nhìn thấy các cháu bé vô cùng xinh đẹp, thông minh nhưng lại phải chịu những mất mát to lớn cả về tinh thần và cơ thể. Nhưng chúng tôi còn đau lòng hơn nữa khi biết phải tới 90% số các cháu bé gửi hồ sơ tới chúng tôi đều ở trong những gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vì thế, chúng tôi quyết định tổ chức chương trình này trên tinh thần từ thiện, miễn phí. Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân hảo tâm đóng góp để gây quỹ lấy kinh phí chữa bệnh cho các cháu lâu dài. Đợt khám bệnh miễn phí này chỉ là hoạt động khởi đầu của một hành trình dài sau đây, mà cụ thể sẽ là chương trình phẫu thuật miễn phí vào tháng 11 tới. Vì thế, chương trình có thành công được hay không chính là nhờ sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng”.
Đến thời điểm này, chương trình cũng đã bắt đầu nhận được những đóng góp ngay từ chính những gia đình có con bị tổn thương BPSD nhưng có hoàn cảnh khá giả hơn các gia đình còn lại. Họ tự nguyện đóng góp vào chương trình với mong muốn không chỉ con mình mà cả những trẻ em khác có gia cảnh khó khăn cũng có được cơ hội được BS De Castro phẫu thuật.
Rất mong những nhà hảo tâm quan tâm chia sẻ, giúp đỡ những trẻ không may này. Mọi sự đóng góp có thể gửi trực tiếp đến chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may” hoặc gửi về tòa soạn báo Điện tử VnMedia, tầng 5, tòa nhà 142 Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội.
VnMedia
0 nhận xét