LTS: Thị trường lao động mở cửa đã thu hút không ít người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, là tín hiệu tốt trong việc hội nhập thị trường lao động thế giới. Tuy nhiên, tình trạng lao động nước ngoài không phép vào nước ta đang rộ lên, cho thấy việc quản lý còn nhiều bất cập. Nước ta không đóng cửa thị trường lao động nước ngoài, nhưng có cần thiết nhập khẩu lao động mà người trong nước có thể đảm đương, đang thiếu việc làm? |
Từ ngày 1-8-2011, Nghị định sửa đổi bổ sung về vấn đề tuyển dụng quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Thủ tướng ký ban hành đã có hiệu lực. Theo đó, việc đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc chỉ được chấp nhận sau khi không thể tuyển được công dân Việt Nam. Tuy nhiên, tại nhiều công trình ở nhiều địa phương, lao động phổ thông nước ngoài vẫn đang tràn ngập, trong đó có hàng ngàn công nhân lao động trái phép.
Hàng ngày tại Nhà máy đạm Ninh Bình, từng đoàn lao động phổ thông Trung Quốc tấp nập đi vào công trường làm việc. Ảnh: Văn Phúc |
Lao động Trung Quốc làm việc phổ thông
Từ Hà Nội, chỉ đi hơn 90km là tới dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, nằm bên đường 10 thuộc xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Giữa vùng quê yên ả, xa vắng xuất hiện hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang thi công một dự án loại trung bình của Việt Nam.
Đúng 2 giờ chiều, trời nắng đổ lửa, hàng trăm công nhân Trung Quốc bắt đầu rời khỏi nhà trọ túa ra công trường. Mỗi tốp khoảng 5 - 8 người, đi rầm rập. Phần lớn trong số họ mặc đồng phục và đồ bảo hộ lao động, nhưng cũng có nhiều công nhân không mặc đồng phục, đồ bảo hộ mà chỉ mặc áo quần lem nhem, xộc xệch. Cùng lúc đó, khoảng 4 - 5 chiếc ô tô loại 12 - 24 chỗ, trên xe chở hàng trăm “cán bộ” Trung Quốc từ TP Ninh Bình xuống, ồ ạt tiến vào công trường để bắt đầu ca làm mới.
Thi thoảng lại có một người Trung Quốc tạt vào quán nước ven đường mua bao thuốc lá, gói bánh. Qua phiên dịch của chị bán hàng, một lao động tên Tung Zhang cho biết, hiện dự án thi công Nhà máy đạm Ninh Bình đang do 7 - 8 công ty của Trung Quốc thi công và đưa theo công nhân sang. Phần lớn công nhân Trung Quốc đều được thu gom ở tỉnh Quảng Tây. Zhang còn cho biết, trong số những công nhân lao động phổ thông đang làm việc, có cả những nữ nhân công Trung Quốc đã có tuổi cũng được nhà thầu vét theo. Họ đều có cỡ tuổi 45 - 50, chủ yếu làm những việc phụ.
Lao động người Trung Quốc trên công trường dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: C.Hoan |
Tại đây, cũng có công nhân Việt Nam, song ước lượng chỉ vài chục người. Công nhân Việt Nam không được ở trong lán trại tập thể đặt cạnh nhà máy, mà phải ở trọ tại các làng nằm xung quanh khu công nghiệp Ninh Phúc. Anh Nguyễn Đỗ Lợi, một công nhân quê ở Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết, do bất đồng ngôn ngữ và không được chủ Trung Quốc tin tưởng, nên những công nhân Việt Nam chỉ làm những việc phụ.
Tuy nhiên, cùng là lao động phổ thông, nhưng mức lương của công nhân Trung Quốc luôn được trả cao gấp 5 - 7 lần. Bình quân lương của công nhân Việt Nam chỉ khoảng 3 - 6 triệu đồng/tháng thì lương công nhân Trung Quốc trên 20 triệu đồng/tháng.
Trên chuyến xe từ Hà Nội xuống Ninh Bình, tình cờ chúng tôi gặp một cô gái Trung Quốc có tên Việt Nam là Trịnh Thị Vân, hiện đang sống ở Quảng Ninh. Vân cho biết, cô là phiên dịch viên của một công ty ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) chuyên nhận thầu các dự án nhà máy xi măng của Việt Nam. Năm trước, công ty của Vân đã thi công Nhà máy xi măng Thanh Liêm (Hà Nam), hiện đang thi công 3 nhà máy khác ở Thái Nguyên, Thanh Ba (Phú Thọ) và Đông Triều (Quảng Ninh).
“Do bất đồng về ngôn ngữ, nên dự án ở đâu công ty chúng tôi đều đưa công nhân của Trung Quốc sang làm việc”. Ở đâu có nhà thầu Trung Quốc, ở đó có những “làng Trung Quốc”. Quanh các khu vực Thủy Nguyên (Hải Phòng), Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh)… công nhân Trung Quốc kéo sang thuê trọ, lao động rất nhiều. Theo Vân, sắp tới lượng công nhân Trung Quốc sang Việt Nam còn tăng lên nữa.
“Do bất đồng về ngôn ngữ, nên dự án ở đâu công ty chúng tôi đều đưa công nhân của Trung Quốc sang làm việc”. Ở đâu có nhà thầu Trung Quốc, ở đó có những “làng Trung Quốc”. Quanh các khu vực Thủy Nguyên (Hải Phòng), Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh)… công nhân Trung Quốc kéo sang thuê trọ, lao động rất nhiều. Theo Vân, sắp tới lượng công nhân Trung Quốc sang Việt Nam còn tăng lên nữa.
Đi chui, làm việc trái phép
>> Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐTB-XH: "Trong 3 năm trở lại đây, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tăng nhanh. Báo cáo mới nhất của Bộ LĐTB-XH cho biết, tính đến tháng 5-2011, tổng số người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam lên tới hơn 74.000 người, trong khi báo cáo trước đó vào đầu tháng 1-2011 là 56.929 người." |
Theo ông Vũ Đức Dương, Phó phòng Việc làm, Sở LĐTB-XH tỉnh Ninh Bình, trong số 1.988 lao động Trung Quốc đang làm việc ở Nhà máy đạm Ninh Bình, có hơn 1.300 người là lao động phổ thông.
“Theo chủ trương, chính sách của nước ta thì không cho phép lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc, nhưng các lao động phổ thông Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tràn vào, chủ yếu là thông qua đường du lịch, rồi ở lại để lao động trái phép” - ông Dương nói.
“Theo chủ trương, chính sách của nước ta thì không cho phép lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc, nhưng các lao động phổ thông Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tràn vào, chủ yếu là thông qua đường du lịch, rồi ở lại để lao động trái phép” - ông Dương nói.
Ở Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng), lãnh đạo Ban quản lý Dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng cho biết, nhà máy đã hoàn thành đến 99% và hiện đang thực hiện công đoạn cân chỉnh thiết bị, một số hạng mục đang cho chạy thử không tải. Số lượng lao động nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, ở đây vì thế đã giảm đáng kể. Cao điểm, có lúc lượng lao động này lên đến 1.700 người, hiện còn 556 người làm việc cho 12 nhà thầu. Trong đó, 402 lao động thời hạn trên 3 tháng có giấy phép.
Tại công trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông), thời điểm giữa tháng 7-2011 có 267 lao động Trung Quốc, gồm 133 quản lý, kỹ sư và 154 công nhân kỹ thuật. Trong đó, có 252 người làm việc trên 3 tháng, theo quy định phải có giấy phép lao động, nhưng chỉ mới có 67 người được Sở LĐTB-XH Đắc Nông cấp phép, 33 hồ sơ đang được thẩm định. Như vậy, hiện 202 lao động vẫn chưa có giấy phép.
Bất lực công tác quản lý? Ông Nguyễn Đức Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắc Nông cho biết, khi Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) hoàn thành, đi vào sản xuất (dự kiến tháng 9-2011), sẽ có khoảng 600 lao động Trung Quốc chuyển sang Nhân Cơ (Đắc Nông). Nhưng hiện nay, hệ thống hàng rào bao quanh khu vực công trường nhà máy chưa được xây dựng, lực lượng bảo vệ trên công trường còn mỏng, nên công tác kiểm soát người và phương tiện ra vào công trường chưa được chặt chẽ. Ngoài ra, đơn vị quản lý lao động cũng chưa nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý lao động nước ngoài (?) nên chưa cung cấp đầy đủ các văn bản liên quan để sở cấp giấy phép lao động, gây khó khăn trong công tác quản lý. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án (BQLDA) cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau, Nhà máy đạm Cà Mau hiện tại có 3.700 lao động đang làm việc. Trong số đó, có 1.733 lao động là người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nhưng chỉ có 677 lao động được cấp phép theo quy định, còn lại 1.056 lao động không phép. Theo ông Lê Thanh Tòng, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Cà Mau, phía sở không nhận được bất cứ văn bản báo cáo nào từ BQLDA cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau về số công nhân người Trung Quốc đang lao động không phép trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở LĐTB-XH tỉnh kết hợp với lực lượng Công an tỉnh Cà Mau đã mở 4 đợt kiểm tra tại Nhà máy đạm Cà Mau (lần gần nhất là vào ngày 4-8). Qua các đợt kiểm tra đều phát hiện có công nhân người Trung Quốc lao động không phép, lần sau cao hơn lần trước. Theo kế hoạch đăng ký ban đầu của nhà thầu với Sở LĐTB-XH tỉnh Cà Mau, đến cuối năm 2011, nhà thầu cần 1.500 lao động (trong đó dự kiến có 1.100 lao động người nước ngoài, còn lại lao động trong nước là 350 người). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lao động làm việc tại đây cao gấp đôi. Theo quy định hiện hành, đối với lao động là người nước ngoài, nếu có thời gian làm việc dưới 3 tháng không cần phải cấp phép nhưng phải có đầy đủ hồ sơ; nếu làm việc trên 3 tháng bắt buộc phải được ngành chức năng cấp phép. Như vậy rất nhiều lao động người Trung Quốc đang làm việc tại Nhà máy đạm Cà Mau là trái với quy định của pháp luật. |
Nhóm PV
Theo SGGP
0 nhận xét