Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa thông báo sẽ kéo giảm lãi suất cho vay còn 17%-19% trong tháng 9-2011
Hội thảo “Ngân hàng (NH) – doanh nghiệp (DN) trước tác động của chính sách tiền tệ” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở TPHCM ngày 23-8.
Mối lo hàng đầu
Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, khảo sát của đơn vị này cho thấy cả DN lớn lẫn DN nhỏ đều gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra bị thu hẹp. Vấn đề lãi suất trở thành mối lo hàng đầu của DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Nhiều DN phải ngưng hoạt động, thu hẹp sản xuất hoặc chuyển đổi phương hướng kinh doanh.
TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho biết các số liệu về sản xuất công nghiệp, thương nghiệp và lợi nhuận của các DN trong 7 tháng đầu năm cho thấy họ đang gặp khó khăn thật sự. Nếu chỉ tính lãi suất huy động 14%/năm thì Việt Nam nằm trong top 10 nước có lãi suất huy động cao nhất thế giới.
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 20% nhưng 7 tháng đầu năm chỉ tăng 7,57%, nghĩa là nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh bị thắt chặt ở cả lượng cung tiền và tín dụng. “Trong 4 năm qua, lần đầu tiên huy động thấp hơn cho vay, các NH thương mại đang gặp khó khăn về nguồn vốn” – ông Hiển nói.
Trong tháng 9- 2011, sẽ kéo giảm lãi suất cho vay còn 17% - 19%. Ảnh: Tấn Thạnh
Đại diện một DN tham gia hội thảo cho biết đơn vị ông đang phải vay với lãi suất NH tính theo… ngày (0,065%-0,067%/ngày). “Mới nghe tưởng ít nhưng nếu tính theo năm, mức lãi suất này cũng lên tới 24%” – ông nói. Một số DN khác cho biết lãi suất cho vay thực tế ở các NH lên tới 27%, thậm chí 30%/năm chứ không phải con số bình quân 22%-25%/năm mà NHNN công bố.
Đại diện một DN khác cho rằng trong khó khăn chung của nền kinh tế, các DN vừa và nhỏ là đối tượng phải “chịu trận” đầu tiên. Hai năm 2009 và 2010, DN ông kinh doanh có lời nhưng bắt đầu từ quý I/2011 đến nay thì lỗ.
Tăng cung tiền vào thị trường
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, thừa nhận vấn đề nổi lên hiện nay là lãi suất huy động và cho vay vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN.
Lãi suất cho vay thực tế ở các ngân hàng lên đến 27% - 30% Ảnh: HỒNG THÚY
Theo bà Hồng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vừa có thông báo sẽ kéo giảm lãi suất cho vay còn 17%-19% trong tháng 9-2011. Thông báo này dựa trên cơ sở lãi suất trên thị trường liên NH mấy tháng qua tiếp tục ổn định ở mức 11%-14%/năm, thanh khoản của các NH cải thiện đáng kể. “Bản thân các NH rất muốn hạ lãi suất cho DN vay bởi lãi suất vừa phải sẽ giữ được khách hàng và bảo đảm an toàn hệ thống. Vì vậy, thời gian tới, có thể các NH sẽ phải tự giảm lãi suất nhằm thu hút khách hàng” – bà Hồng nhận định.
TS Đinh Thế Hiển cho biết NHNN đang xem xét các giải pháp tăng cung tiền vào thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) TPHCM tháng 8-2011 chỉ tăng 0,68%. Nếu CPI cả nước tháng 8 và tháng 9 tiếp tục giảm sẽ là nền tảng để bơm tiền ra thị trường. “Việc làm này sẽ giúp nguồn vốn cung ứng cho các DN dồi dào hơn” – TS Hiển nói.
Tập trung ổn định thị trường ngoại hối Theo TS Đinh Thế Hiển, Chính phủ đang tập trung ổn định thị trường ngoại hối, kinh tế vĩ mô từng bước ổn định sẽ góp phần ổn định CPI và tỉ giá. Tuy nhiên, nhập siêu vẫn cao, dòng vốn FDI chưa cải thiện, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp sẽ tạo áp lực tỉ giá vào cuối năm. Hiện nhiều DN đang đẩy mạnh vay USD, trong khi nguồn huy động USD của các NH bị giảm do lãi suất thấp có thể tạo ra cầu USD mạnh để DN trả nợ. Đồng thời, nếu USD phục hồi mạnh và Việt Nam chưa thu hút vốn FDI tốt thì tỉ giá có thể tăng trên 22.000 đồng/USD vào cuối năm. Khi đó, DN sẽ ngậm “quả đắng” bởi mức tỉ giá để không bị lỗ khi vay ngoại tệ là 21.500 đồng/USD. |
Thái Phương
Theo NLĐ
0 nhận xét