Nhà thầu giải thích việc sử dụng hơn 170 lao động nước ngoài không phép tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) là do không hiểu pháp luật Việt Nam (?!)
Ngày 15-8, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông hoàn tất đợt kiểm tra lao động nước ngoài trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho biết riêng tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), hơn một nửa lao động Trung Quốc không có giấy phép lao động.
Không hiểu luật ?
Theo kết quả kiểm tra, dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang sử dụng 309 lao động Trung Quốc, trong đó có đến hơn 170 lao động không có giấy phép lao động. Ông Ninh Công Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý Lao động, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra và hỏi vì sao không làm thủ tục xin cấp phép cho lao động nước ngoài theo quy định thì các nhà thầu đều trả lời do không hiểu pháp luật Việt Nam”.
Trong khi đó, ông Kiều Đức Quang, Trưởng Phòng Tổ chức Lao động và Chuẩn bị sản xuất, Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV, nói rằng: “Đó là số lao động trước đây đã làm việc tại dự án Nhà máy Alumin Tân Rai – Lâm Đồng, sau đó chuyển về đây nên chưa kịp làm thủ tục cấp phép cho họ”.
Lao động Trung Quốc đang làm các công việc giản đơn như trộn hồ, đẩy xe rùa tại công trình Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã không lập biên bản đề nghị xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động Trung Quốc trái phép tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ông Dũng giải thích: “Do các nhà thầu ở dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có thái độ hợp tác tốt, chúng tôi đang hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký nên chưa xử phạt”.
Điều đáng nói là ngoài số lao động không phép bị phát hiện, theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 15-8, có rất nhiều “lao động kỹ thuật” của Trung Quốc được chứng minh là công nhân kỹ thuật, có 5 năm kinh nghiệm trở lên nhưng lại đang làm những công việc giản đơn của một lao động phổ thông, như đan sắt, trộn hồ, đẩy xe rùa… tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Sẽ đề nghị trục xuất
Để giải quyết tình trạng lao động “chui” tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ hướng dẫn các nhà thầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ liên quan để hoàn thành thủ tục cấp phép cho hơn 170 lao động nói trên. Đến ngày 4-9, nếu không đáp ứng yêu cầu này, sở sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Theo đó, đối với lao động làm việc dưới 6 tháng mà chưa có giấy phép lao động, sẽ bị xử phạt hành chính. Những trường hợp trên 6 tháng không có giấy phép, sở sẽ đề nghị với Bộ Công an trục xuất về nước. Như vậy, cũng giống như lao động Trung Quốc làm việc “chui” tại công trình Nhà máy Đạm Cà Mau (Báo Người Lao Động ngày 11-8), cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra hướng ưu tiên hợp pháp hóa cho số lao động bất hợp pháp nói trên.
Hiện nay, đã có một số vụ việc liên quan đến lao động Trung Quốc tại dự án trên ra ngoài công trình và có những hành vi vi phạm pháp luật. Trước tình hình này, theo ông Quang, trong thời gian tới sẽ thống nhất với chủ đầu tư và nhà thầu chính là Công ty Chalieco ra quy định hạn chế tối đa việc lao động ra ngoài. Đồng thời phối hợp với công an địa phương xây dựng quy chế tuần tra, kiểm soát lao động nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh trật tự của địa phương.
Chỉ trục xuất được 2 lao động Trong đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Pagoda (huyện Cư Jút) do không khai báo tạm trú cho người nước ngoài và 15 triệu đồng đối với Ban Quản lý Dự án thủy điện Đắk R’tih (thị xã Gia Nghĩa) do không làm thủ tục cấp giấy phép cho 2 lao động Trung Quốc. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã trục xuất 2 lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ vì thường xuyên say xỉn và gây gổ với người dân địa phương. |
Bài và ảnh: Cao Nguyên
Theo NLĐ
0 nhận xét