Bằng óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người thợ sửa đồng hồ đất Hà Thành, nghệ nhân Đào Văn Dư đã biến chiếc đồng hồ bình thường trở thành kíp nổ hẹn giờ, giúp các chiến sĩ đặc công lập nên những chiến công hiển hách.
Nghệ nhân Đào Văn Dư. Ảnh: Hồng Quân |
Sinh ra trong một gia đình Hà Nội có cha là thợ sửa đồng hồ lâu năm nên những “cỗ máy thời gian” là một phần trong tuổi thơ của ông Đào Văn Dư. Năm 14 tuổi, ông đã tự mày mò sữa chữa các hỏng hóc đơn giản của một số loại đồng hồ.
Khi rời ghế nhà trường, trước ngã rẽ cuộc đời, dấn thân theo nghề sư phạm hay nối nghiệp gia đình, ông chọn con đường thứ hai. Có lẽ, khi ra quyết định, ông Dư không mường tượng được sự lựa chọn này đã dẫn dắt ông đến niềm vinh dự lớn lao trong cuộc đời.
Năm 1960, khi Nhà nước thành lập liên doanh đồng hồ đầu tiên, ông Dư trở thành người thợ sửa đồng hồ trẻ làm việc tại Cửa hàng Quốc doanh số 2 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Nhờ truyền thống gia đình cùng với sự cần cù chịu khó, ông nhanh chóng đạt bậc thợ rất cao (bậc 5/7, ở tuổi 24).
Năm 29 tuổi, ông đã là trưởng phòng kỹ thuật ở cơ quan, kiêm giáo viên dạy nghề ở Trường Đồng hồ Hà Nội. Chính giai đoạn này, ông dấn thân vào một sự nghiệp mới, sự nghiệp đánh Mỹ cứu nước từ hậu phương.
Là cán bộ kỹ thuật, nắm vững tay nghề, ông Dư được người của quân đội tìm đến tin cẩn giao phó một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là cải tiến những chiếc đồng hồ chạy giờ trở thành đồng hồ đóng mạch mìn phục vụ chiến đấu. Đồng hồ phải hẹn giờ được chính xác tới từng phút, không được chết, chịu được nước mặn, chịu va đập và dễ sử dụng…
Sở dĩ, có đề xuất này vì thực tế chiến đấu đặt ra yêu cầu phải có một loại kíp nổ hẹn giờ thay thế dây cháy chậm vốn được sử dụng rộng rãi trong kháng chiến chống Pháp, giúp bộ đội đặc công chủ động thời gian, đánh hiểm, đánh chính xác, ngay cả trong môi trường sông biển.
Xác định đây là trách nhiệm với Tổ quốc, ông Dư không chần chừ, hứa tuyệt đối giữ bí mật và tìm mọi phương pháp để thực hiện công việc. “Người gặp và giao nhiệm vụ cho tôi là một sĩ quan quân đội đến từ Cơ quan Bộ Tổng tham mưu.
Ông đề nghị tôi thực hiện công việc trong 1 tuần. Đối với tôi, đó là mệnh lệnh quân sự. Đầu óc tôi từ phút ấy không hề nghĩ đến việc gì khác ngoài tập trung suy nghĩ hoàn thành nhiệm vụ”, ông Dư nhớ lại.
Những chiếc đồng hồ Poljot được cải biến thành những kíp nổ hẹn giờ. |
“Đề bài” ra thật ngắn gọn nhưng khi bắt tay phân tích, tìm “lời giải” mới thấy sự phức tạp nảy sinh dồn dập. Đầu tiên là làm thế nào tách một khối sắt thép đồng nhất trở thành 2 cực (âm và dương) hay để đồng hồ có thể chạy bình thường ngay cả khi bị ngâm dưới nước và quan trọng nhất vẫn là đồng hồ phải hoạt động chính xác, không bị long, chạm kim…
Vận dụng tối đa khả năng kỹ thuật và trình độ tay nghề, ông Dư lần lượt giải quyết các thách thức trên. Đầu tiên, ông khoan trên mặt kính đồng hồ một lỗ nhỏ, xuyên qua và cấy vào đó một cọc nhỏ bằng đồng thau, đầu cọc chỉ cách mặt số 0,5mm để tạo thành 1 cực (cực còn lại chính là kim giờ của đồng hồ). Khi được hẹn giờ, kim giờ sẽ chạm vào cọc đồng, đóng mạch kích nổ khối mìn.
Ông Dư còn quyết định cắt ngắn 2 kim phút và giây, vừa để sự di chuyển của 2 kim này không làm kín mạch trước thời gian định sẵn, vừa để người dùng có thể đặt giờ chính xác tới từng phút (nhận biết qua kim phút), vừa chắc chắn đồng hồ đang hoạt động (qua kim giây).
Đối với việc chống thấm nước, ông Dư phải tìm mua thắt lưng làm bằng nhựa dẻo, đem lạng mỏng rồi đột thành các vòng ngăn không cho nước thấm qua lỗ khoan thủng trên mặt kính. Để đảm bảo dù bị rung lắc mạnh trong quá trình vận chuyển, ông Dư còn cẩn thận lựa chọn các kim làm bằng thép mạ vàng, đóng chặt bằng dụng cụ chuyên dùng nên dù đồng hồ bị va đập mạnh cũng không thể rơi ra. Sau này, ông Dư còn thêm vào một số cải tiến nhỏ như mạ cực đóng mạch bằng nitrat bạc (AgNO3), thay kim có gắn dạ quang, đảo mặt số đồng hồ để chiến sĩ hẹn giờ dễ dàng hơn…
Đặc công nước ở chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. |
Giải quyết xong một loạt vấn đề khó, cũng vừa đến hẹn với người sĩ quan. Ít ngày sau, đơn vị chuyên trách cho biết kết quả rất khả quan, mọi người rất phấn khởi với sáng tạo của ông. Kể từ đó, suốt giai đoạn 1967-1970, ông Dư cải tiến hàng trăm chiếc đồng hồ để chuyển vào chiến trường.
Những chiếc đồng hồ xem giờ bình thường, qua bàn tay của người thợ thông minh và tài hoa trở những thành đồng hồ đóng mạch mìn, trở thành thứ “vũ khí” tin cậy của người lính đặc công.
Được mang trên lưng các chiến sĩ đặc công, cùng những khối thuốc nổ nặng tới cả trăm cân những chiếc đồng hồ của ông Dư cải biến đã tham gia lập nên những chiến công hiển hách như đánh đắm tàu chở dầu hàng vạn tấn ở sông Lòng Tàu – Cửa Việt, trận đánh kho xăng Nhà Bè, Liên Chiểu, sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất…
Tuy vậy, đóng góp của ông Dư cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước đến những năm gần đây mới được nhiều người biết đến. Ông đã giữ đúng lời hứa, giữ bí mật nhiệm vụ với cả người thân trong gia đình. Đến nỗi, những người con chỉ biết chiến công của cha mình, khi ông nhận được những ghi nhận của Nhà nước và Quân đội. Mãi tới năm 1979, sau khi đất nước thống nhất, ông Dư bất ngờ được nhận huy hiệu “Chiến sĩ Mậu Thân 1968” và bằng chứng nhận với lời biểu dương của Bộ Tổng tham mưu: “Đã có thành tích giúp đơn vị sữa chữa, cải tiến một số phương tiện phục vụ cho chiến đấu và giành thắng lợi” (Quyết định số 873/QĐ ban hành 10/9/1979). “Tôi ngỡ ngàng, vinh dự đến quá bất ngờ, bởi tôi chưa hề nhập ngũ, chưa hề đặt chân lên đất Sài Gòn, Đà Nẵng… Thì ra, những chiếc đồng hồ cải tiến của tôi đã góp phần cùng với các chiến sĩ đặc công lập nên chiến công”, ông Dư nhớ lại cảm xúc khi đó.
Nghệ nhân Đào Văn Dư, sinh năm 1938, nguyên là Trưởng phòng Đào tạo của Trường Công nhân Kỹ thuật đồng hồ Hà Nội, là chuyên gia kỹ thuật sữa chữa đồng hồ vượt khung bậc 7/7. Năm 1989, ông là người Việt Nam duy nhất được WOS-TEP (Trung tâm Bổ túc nghiệp vụ Quốc tế) mời sang Thụy Sĩ theo học lớp nâng cao tay nghề, thực tập tại các hãng Rado, Omega, Longines… và được trao tổng cộng 7 bằng chứng nhận tay nghề (Diplome). Ông cũng từng là người lắp đặt hoàn thiện đồng hồ trên nóc tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Người sĩ quan gặp và trao nhiệm vụ cho ông Đào Văn Dư là Đại tá Nguyễn Văn Điện, thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đơn vị 1750 thuộc Bộ Tổng tham mưu đã nhận xét về đóng góp của ông Đào Văn Dư là: 1. Có nhiệt tình tham gia cải tiến khí tài 2. Có nhiều sáng kiến cải tiến 3. Sản phẩm đem lại hiệu quả cao trong các trận đánh 4. Bảo đảm an toàn tính mệnh của chiến sĩ 5. Giữ gìn bí mật tốt |
0 nhận xét