Hàng loạt di tích lịch sử bỏ hoang hoặc bị xâm hại không biết bao giờ mới được cơ quan chức năng quan tâm. Trong khi đó, nhiều di tích đã có kế hoạch trùng tu lại dài cổ ngóng kinh phí
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngục Đắk G’lei, một di tích lịch sử cấp quốc gia ở Kon Tum, vốn không ai quản lý nên ngày càng hoang phế lại bị xâm hại nghiêm trọng. Mới đây, bà Lê Thị Kim Đơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã đến di tích ngục Đắk G’lei khảo sát. Để từng bước trùng tu di tích này, bà Đơn yêu cầu UBND huyện Đắk G’lei tiến hành cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm, trồng lại rừng trên diện tích bị chặt phá…
Chủ yếu cứu nguy
Đình An Cựu, một di tích lịch sử ở TP Huế, hiện như một ngôi nhà hoang. “Đình chưa được sửa chữa lần nào. Chúng tôi đang vận động các nguồn đóng góp và sự hỗ trợ từ các cấp để trùng tu lại ngôi đình này nhưng chưa biết khi nào mới có kinh phí”- bà Lê Thị Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu, băn khoăn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế, cho biết toàn tỉnh có 84 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh. Hiện nay, hầu như các di tích đều đã xuống cấp và cần trùng tu khẩn cấp nhưng luôn gặp khó khăn về kinh phí do không có nguồn.
Di tích nhà ngục Đăk G’lei ở Kon Tum bị xâm hại nghiêm trọng:
Người dân lấn chiếm làm nhà, phá rừng trong khu di tích. Ảnh: CAO NGUYÊN
Người dân lấn chiếm làm nhà, phá rừng trong khu di tích. Ảnh: CAO NGUYÊN
Thừa Thiên – Huế là một trong 10 tỉnh, TP được hỗ trợ kinh phí trùng tu di tích lớn nhất cả nước. “Kinh phí này chủ yếu tập trung trùng tu quần thể di tích cố đô Huế với mỗi năm 25 tỉ đồng, các di tích quốc gia khác 1 tỉ đồng nên chỉ đáp ứng được việc cứu nguy. Các di tích cấp tỉnh thì kinh phí hầu như không có, chúng tôi phải dựa vào nguồn xã hội hóa”- bà Hà lo ngại. Tuy nhiên, bà Hà cho rằng việc xã hội hóa trùng tu di tích tại Thừa Thiên – Huế hiện gặp rất nhiều khó khăn vì ai cũng nghĩ trách nhiệm này thuộc về Nhà nước; nhiều di tích không nguyên vẹn hoặc chỉ còn là địa điểm nên việc phục dựng rất tốn kém…
Một phong trào bảo vệ di tích được thực hiện 3 năm nay tại Thừa Thiên – Huế đã có kết quả bước đầu và mang nhiều ý nghĩa tích cực: 100% di tích ở tỉnh được giới thiệu cho các trường học nhận chăm sóc, giữ gìn. “Phong trào này vừa giúp chúng tôi bảo vệ di tích vừa giúp học sinh hiểu rõ về các giá trị truyền thống qua những buổi ngoại khóa, viết bài dự thi tìm hiểu về di tích”- bà Hà nói.
Đụng đâu cũng gặp khó
Tại Bắc Ninh, đền Phấn Động và đền Miễu ở huyện Yên Phong là hai di tích thuộc cụm di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt, nơi ghi dấu ấn chiến công hiển hách của danh tướng Lý Thường Kiệt trước quân Tống năm 1075-1077. Hai ngôi đền ngót ngàn tuổi này được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1980 nhưng cũng cùng chung số phận với hàng loạt di tích khác.
Nhiều năm nay, đoạn sông Cầu chảy qua khu vực 2 di tích này luôn bị “sa tặc” khuấy động. Nạn khai thác cát tràn lan gây ra những hàm ếch khổng lồ sát bên khiến 2 ngôi đền đối diện với nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Xung quanh đó, những địa danh gắn liền với tên tuổi và chiến công của vị tướng tài ba, như Gò Gươm - nơi Lý Thường Kiệt cất giữ vũ khí, bãi Miễu - nơi ông đọc bài thơ thần bất hủ…, giờ chỉ còn là những dấu tích nhạt nhòa.
Để cứu nguy di tích ngàn tuổi này, cơ quan chức năng địa phương gần đây đã tổ chức lực lượng thường xuyên truy quét “sa tặc” nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Điều mong mỏi nhất của người dân địa phương là trước mắt, cần khẩn cấp xây kè đá bảo vệ dọc sông, đoạn qua 2 ngôi đền. Tuy nhiên, kinh phí ở đâu ra vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp!
Cũng vì không có kinh phí mà tỉnh Long An đành cho phá bỏ Dinh Tổng Thận ở TP Tân An, một trong những công trình kiến trúc cổ nhất còn lại của tỉnh. Dinh Tổng Thận xây dựng cách nay gần 120 năm, từng là nhà của một vị cai tổng thời Pháp thuộc, được sử dụng làm trụ sở ủy ban khởi nghĩa và ủy ban hành chính sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi ở tỉnh Tân An (hiện là Long An) ngày 21-8-1945. Nhiều năm sau đó, di tích lịch sử này bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp. Cách đây hơn 2 năm, tỉnh Long An đã quyết định phá bỏ di tích này vì “không có kinh phí trùng tu và tòa nhà làm mất mỹ quan khu trung tâm của tỉnh”.
Sự khắc nghiệt của thời gian, sự thờ ơ của các cơ quan chức năng và một số người dân cũng đã khiến nhiều thành cổ - di tích lịch sử quốc gia - tại Nghệ An ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An, cho biết: “Thành Lục Niên và Lam Thành là 2 di tích có giá trị lịch sử rất lớn, được xây dựng đã hàng trăm năm nên đã xuống cấp nặng, cần trùng tu gấp. Tuy nhiên, không chỉ thiếu kinh phí, việc thiếu tư liệu lịch sử cũng khiến việc trùng tu, bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, 2 di tích này vẫn chưa có dự án bảo tồn, trùng tu”.
Đừng làm mất đi giá trị lịch sử! Địa đạo Phú An - Phú Xuân ở xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hình thành từ năm 1965-1966, dài hơn 850 m, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2002. Trước nguy cơ bị vùi lấp của địa đạo, một dự án trùng tu đã được phê duyệt với kinh phí hơn 2,3 tỉ đồng. Do kinh phí hạn hẹp nên trước mắt, địa đạo chỉ được trùng tu một đoạn khoảng 140 m. Tuy nhiên, khi dự án đang được tiến hành, đã có nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình vì lo ngại địa đạo này sẽ mất đi giá trị lịch sử vốn có của nó. Theo nhiều người dân từng gắn bó lâu năm với địa phương, địa đạo Phú An – Phú Xuân vốn là những đường hầm sâu hơn 3 m hình dích-dắc với nhiều ngõ ngách nhưng khi được trùng tu, nó được xây bằng bê tông cốt thép và theo một đường thẳng; ống thông hơi cũng vốn bằng tre chứ không là ống nhựa như dự án… “Nếu làm theo dự án, lớp trẻ sau này sẽ không thể hình dung được địa đạo đã từng giúp cha ông chúng ta chống giặc ngoại xâm như thế nào, không hiểu được quá khứ gian khó nhưng hào hùng của tổ tiên” - một cụ cao tuổi ở xã Đại Thắng lo lắng. |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo NLĐ
0 nhận xét