Lời xin lỗi được Nick Leeson đưa ra khi ông này gặp lại sếp cũ Peter Norris, người từng là Tổng giám đốc ngân hàng Barings, trong chương trình đối thoại mang tên Tái ngộ, phát trên sóng BBC Radio 4.
Từ người hùng trong kinh doanh
Leeson lẽ ra đã không phải thực hiện lời xin lỗi ấy nếu như ông ta không có những hoạt động đầu tư siêu mạo hiểm và qua đó tự biến mình thành chuyên gia lừa đảo.
Sinh năm 1967 ở Watford, từ nhỏ Leeson đã chứng tỏ mình là một người thông minh kiệt xuất. Tốt nghiệp đại học ngành tài chính với bằng ưu, Leeson khởi nghiệp tại Coutts, một ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ.
Leeson hiện có một cuộc sống lặng lẽ nhưng ổn định, sau khi
đã đánh sụp ngân hàng thương mại lâu đời nhất nước Anh
đã đánh sụp ngân hàng thương mại lâu đời nhất nước Anh
Kinh nghiệm tích tụ được dẫn Leeson tới một vị trí làm tốt hơn ở Morgan Stanley và sau khi dừng chân ở đây 2 năm, ông ta chuyển sang làm ở Barings, ngân hàng thương mại lâu đời nhất Anh, vốn đã tồn tại từ năm 1762. Năm 1992, theo sau cuộc hôn nhân đầu tiên, Leeson được chỉ định làm Tổng giám đốc điều hành chi nhánh Barings Securities ở Singapore, toàn quyền phụ trách việc kinh doanh chứng khoán tại Sàn giao dịch ngoại hối Singapore (SIMEX).
Việc Leeson được gửi tới SIMEX còn vì một lý do: ông này đã bị Anh từ chối cấp giấy phép làm nhà môi giới chứng khoán vì có gian lận trong lý lịch. Cả Leeson lẫn Barings đều không tiết lộ về bê bối này khi ông ta đâm đơn xin giấy phép làm môi giới chứng khoán ở Singapore.
Tại SIMEX, Leeson chuyên tham gia vào hoạt động đầu cơ nhằm vào tỷ giá hối đoái và mọi chỉ số chứng khoán có liên quan đến tỷ giá hối đoái. Từ năm 1992, ông ta tiến hành nhiều khoản đầu cơ không được phép từ cấp trên Barings và ban đầu hoạt động liều lĩnh ấy của ông ta lại thu về lợi nhuận khá lớn. Khoản lợi nhuận trị giá 10 triệu bảng (khoảng 16 triệu USD theo thời giá hiện nay) Leeson kiếm được vào năm 1992 đã chiếm 10% doanh thu của ngân hàng.
Ông ta lập tức được tung hô như một thiên tài, được thưởng số tiền lên tới 130.000 bảng, các chuyến du lịch tới những địa điểm du lịch tuyệt vời và nhiều ưu đãi khác ngoài khoản lương 50.000 bảng trong năm đó.
Thành chuyên gia lừa đảo cỡ bự
Tuy nhiên may mắn không ở cạnh Leeson quá lâu. Do đầu cơ không theo một chiến lược cụ thể nào mà hoàn toàn theo cảm tính, không trù tính bất cứ biện pháp đảm bảo nào, ông ta đã nhanh chóng vấp phải thua lỗ. Nhưng Leeson đã dùng tài khoản số 88888, một trong các tài khoản đen chuyên xử lý thua lỗ trong đầu tư chứng khoán của Barings, để che giấu sự thất bại của bản thân.
Càng ngày Leeson càng giống như một con bạc khát nước, với những khoản đầu cơ sau luôn lớn hơn đầu cơ trước với hy vọng sẽ vớt vát lại số tiền đã làm mất đi. Nhưng kết quả là tới năm 1994, các khoản lỗ mà Leeson gây ra đã lên tới 208 triệu bảng.
Leeson khi bị bắt tại Đức hồi năm 1995
Hồi kết trong sự nghiệp của Leeson diễn ra vào ngày 16/1/1995, khi ông ta quyết định chơi ván bài chót, khi đầu cơ rất lớn vào khả năng tỷ giá đồng Yen của Nhật Bản ổn định. Leeson dự định rằng nếu thành công, ông ta có thể trang trải hết mọi khoản thua lỗ từ trước tới nay. Chẳng may đúng sáng sớm ngày 17/1, động đất đã tấn công thành phố Kobe của Nhật Bản, khiến các thị trường giao dịch chứng khoán ở châu Á, bao gồm cả thị trường giao dịch ngoại hối, rơi vào một vòng xoáy sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ riêng ngày 17/1 định mệnh đó, Leeson đã bị mất 80 triệu USD. Trong hai ngày tiếp theo, Leeson mất 400 triệu USD
Leeson cố gắng cắt lỗ bằng cách thực hiện một loạt lệnh đầu cơ mới, lần này đánh vào khả năng chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản sẽ phục hồi rất nhanh. Nhưng hướng đầu tư này cũng thất bại nốt khi chỉ số Nikkei không thể vượt quá ngưỡng 18.000 điểm, sau khi đã rớt xuống từ mốc 20.000 điểm.
Tới ngày 23/1, biết không thể cứu vãn tình hình, Leeson đã để lại một lời nhắn với nội dung “Tôi xin lỗi” trên bàn làm việc rồi tẩu thoát khỏi Singapore. Các thua lỗ do ông ta gây ra tính tới thời điểm đó đã lên tới 827 triệu bảng (1,4 tỉ USD), tức gấp đôi giá trị của ngân hàng Barings.
Sau nhiều nỗ lực giải cứu không thành công, Barings đã bị tuyên bố vỡ nợ vào ngày 26/1 và sau đó được tập đoàn ING của Hà Lan mua lại với giá “siêu bèo” 1 bảng Anh. Leeson chính thức trở thành thủ phạm đánh sụp một ngân hàng có bề dày truyền thống nhất nước Anh. Vụ việc khiến giới tài chính Anh quốc không khỏi bị sốc, bởi lẽ một vụ lừa đảo lớn như vậy, kéo dài tới mấy năm trời, mà vẫn không được bất kỳ một bộ phận thanh tra, kiểm tra nào trong Barings phát hiện ra.
Lời xin lỗi muộn màng
Sau khi bỏ trốn tới Malaysia, Thái Lan và cuối cùng là Đức, Leeson đã bị bắt, bị dẫn độ về Singapore vào tháng 11/1995. Tòa án đảo quốc sư tử tuyên phạt Leeson 6,5 năm tù, nhưng ông ta được trả tự do sau 4 năm thụ án vì mắc bệnh ung thư. Kể từ đó ông ta đã vừa chữa bệnh, vừa viết sách về cuộc đời và sự nghiệp của mình, đồng thời không quên thực hiện các phi vụ đầu cơ cò con.
Nhưng Leeson chưa một lần gặp lại những đồng nghiệp cũ. Trong cuộc hội ngộ với Leeson, Norris kể rằng cảm giác của ông khi lần đầu tiên thấy cảnh cựu nhân viên dưới quyền bị bắt là muốn lao tới đấm thẳng vào mặt gã lừa đảo khốn kiếp. Và sự tức giận đó là hoàn toàn hợp lý bởi trong khi Leeson chỉ phải thụ án tù ngắn hạn và vẫn ung dung hưởng thụ cuộc sống của ông ta thì vô số các quản trị viên và nhân viên của Barings, gồm cả Norris, bỗng chốc trở thành thất nghiệp, mất đi một công việc có thu nhập khá khẩm và phải tốn nhiều thời gian mới ổn định cuộc sống trở lại.
Cá nhân Leeson cũng thừa nhận rằng không biết lời xin lỗi ông ta để lại trên bàn làm việc “có giúp thay đổi được chút gì hay không”, nhưng đó là một động thái đầy thành tâm, không giống như hoạt động kinh doanh giả dối của ông ta. “Sự hối tiếc là một từ mang nghĩa thật khủng khiếp, nhưng tôi xin lỗi và lời xin lỗi của tôi gửi tới Peter là thực sự xuất phát từ đáy lòng” - Leeson nói.
Tường Linh
Theo TT&VH
0 nhận xét