Từ mức 49 triệu đồng/lượng, tụt sâu về mốc 44,4 triệu đồng/lượng và leo dốc trở lại mức 48 triệu đồng/lượng trong phiên cuối tuần đối với vàng trong nước, giá ở nước ngoài tăng giảm đến 100 USD/ngày, có thể nói giá vàng ngày càng khó lường. Mặc dù vậy, trong các phiên gần đây, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng.
Người dân xếp hàng mua-bán vàng tại Hà Nội. Ảnh: T.L. |
Lò xo giá vàng!
Ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, ngày 25-8, giá vàng trong nước liên tục điều chỉnh giảm và mất tổng cộng 2,4 triệu đồng/lượng. Mặc dù vậy, niềm tin vào vàng vẫn mãnh liệt, người dân vẫn xếp hàng mua vào với kỳ vọng giá sẽ lên hơn nữa trong những tháng cuối năm. Theo các công ty, lượng vàng bán ra 2 ngày 25 và 26-8 cao gấp 3 lần so với những ngày trước. Đặc biệt, Công ty SJC, bình quân bán ra mỗi ngày luôn vượt 10.000 lượng, trong khi mua vào từ người dân không đáng kể, chỉ 30 - 40 lượng. Trong đó, ngày 25-8 được xem là biến động nhất về giá cũng như khối lượng giao dịch. Nhất là thời điểm giá vàng giảm xuống 44,4 - 44,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), nhiều nhà đầu tư “canh me” mức giá hấp dẫn đã ồ ạt mua vào để kỳ vọng giá lên và họ đã thắng. Vì sau bước lùi đó, ngay lập tức cùng với sự phục hồi và đi lên trở lại của giá vàng thế giới, mở cửa ngày 26-8, giá vàng trong nước đang tăng nóng từng giờ, từng ngày theo sát giá vàng thế giới, tạo điều kiện cho thị trường mua chốt lời và đầu tư mới.
Trước sức nóng từ nhu cầu vàng thế giới, trong phiên ngày 26 và 27-8, lực mua của thị trường trong nước vẫn tăng đột biến, nhiều nhà đầu tư bất chấp việc phải mua tại một mức giá rất cao so với thời điểm trước đó và có thể sẽ còn tiếp tục vượt qua nhiều vùng giá cao hơn để thiết lập kỷ lục mới. Chính vì thế, dù chốt phiên cuối tuần (ngày 27-8), giá vàng thế giới trên website kitco.com dừng ở mức 1.830 USD/ounce, chỉ tăng 2 USD/ounce so với giá chốt phiên 26-8 và tăng 66 USD/ounce so với giá chốt ngày 25-8 nhưng tại TPHCM, giá vàng SJC bán ra tại các cửa hàng kim hoàn vẫn vọt lên đến 47,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,85 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng thêm 600.000 đồng/lượng so với giá chốt ngày 26-8 và tăng 3,05 triệu đồng/lượng so với mức giá vàng 25-8.
Khi niềm tin bị thao túng
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng đang biến động rất khó lường và đi kèm nhiều yếu tố bất ngờ. Vàng đang dần mất tính an toàn, khi liên tục tăng nóng một ngày hơn 80 USD rồi lại điều chỉnh giảm sâu hơn 100 USD/ounce trong một phiên.
Chuyên gia phân tích Daniel Briesemann, Ngân hàng Commerzbank AG nhận định: “Nếu tiếp tục phải đón nhận các dữ liệu thất vọng, giá vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm”. Tuy nhiên, trên đường đi của nó bao giờ cũng có sự tác động của các “bàn tay phù thủy” mang tính đầu cơ. Chính vì thế đầu tư vào vàng có thể lời nhiều nhưng cũng lắm rủi ro, nhất là đối với các nhà đầu tư trong nước. Bởi tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới chưa cao, cộng với cách thức mua vào, bán ra với biên độ rộng và thay đổi liên tục theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nên mọi dự đoán về việc tăng giảm giá vàng thế giới cũng chỉ có một sự ảnh hưởng nhất định với giá vàng trong nước. Và cuối cùng, do nắm vai trò đầu cầu, đối tượng không bao giờ lỗ và chốt lời nhiều nhất chính là doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Trong khi giá vàng thế giới ngày 26-8 chốt ở giá 1.791 USD/ounce thì giá vàng trong nước dừng lại ở con số sát ngưỡng 47 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 800.000 đồng so với giá vàng thế giới và tăng 2,15 triệu đồng/lượng so với giá vàng ngày 25-8, trong đó biên độ giá mua vào, bán ra luôn được các doanh nghiệp giữ ở mức cao 500.000 đồng/lượng.
Điều đáng nói, sau những cơn bão giá, người thu những “mẻ cá” lớn nhất là giới kinh doanh, còn “ôm hận” bao giờ cũng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, lướt sóng kiểu ăn theo.
Lê Na
Theo SGGP
0 nhận xét