Sự cứng nhắc của quy chế xét giải thưởng, danh hiệu đã làm rầu lòng nhiều nghệ sĩ và dư luận vừa qua. Nên chăng, quy chế cần tính đến cái tình, cái lý trong mỗi lần xét duyệt?
Khi cơ chế xin - cho đã trở nên lỗi thời
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây trả lời trên báo chí, với cách xét trao giải thưởng, danh hiệu như hiện nay “lộ rõ hệ lụy của cơ chế bao cấp”. Điều này, là nỗi bức xúc chung của số đông nghệ sỹ, kể cả những người bước ra thị trường từ thời bao cấp.
Mùa “giải” năm nay, có nhiều điều tiếc nuối cho giới nghệ sĩ và lộ rõ sự bất cập trong cơ chế xét tặng giải thưởng, danh hiệu. Nỗi buồn nhân lên khi nhắc tới những cái tên, thừa xứng đáng, nhưng lại không đáp ứng theo đúng quy chế.
Năm nay, ca sĩ Trọng Tấn và Bùi Công Duy bị lỗi hẹn danh hiệu NSƯT do không đủ tiêu chí năm công tác. Những tên tuổi lớn như Phạm Tuyên không nộp hồ sơ xin xét duyệt, nhạc sĩ Hoàng Hà nộp nhầm xin giải thưởng Hồ Chí Minh… cũng dấy lên mối lo ngại về sự hạn chế và lỗi thời của quy chế xin xét giải.
Bức xúc với quy chế cứng nhắc, nhạc sĩ Phạm Tuyên từng rất buồn khi phải nói rằng ông nhất quyết không đi xin giải thưởng. Bởi ít ai biết trước đó, ông đã có tới 2 lần làm hồ sơ xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng đều không đạt.
Một số tên tuổi lớn trong giới văn học như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh năm nay không làm hồ sơ xin xét giải. Những tác giả lớn khác như Nguyên Ngọc, Sơn Nam, Sơn Tùng, Nguyễn Khoa Điềm… phút chót cũng xin tự rút tên khỏi danh sách đề cử.
Một vài gương mặt NSƯT bên ngành sân khấu cũng ái ngại với cơ chế xin - cho để nâng cấp danh hiệu lên NSND. Theo họ, sự cống hiến, thành tích của họ không khó để cơ quan quản lý nắm được. Vì thế, việc làm của một Hội đồng cơ sở, nên chăng là đề xuất những gương mặt xứng đáng để Hội đồng cấp cao hơn tặng danh hiệu. Với những vị NSƯT ở độ tuổi không còn trẻ này, làm hồ sơ với nhiều thủ tục hành chính để xin xét như bị chạm đến lòng tự trọng và danh dự của nghệ sĩ.
Làm nghệ thuật, cũng chỉ có thời. Đâu phải ai cũng có khả năng cống hiến cả đời được những tác phẩm xuất sắc nhất. Đâu phải nghệ sĩ nào cũng có cơ hội đứng mãi trong các Hội diễn khi tuổi đã xế chiều để chờ cơ hội gặt Huy chương.
Cần hơn nữa sự bám sát cuộc sống của quy chế
Thừa nhận có sự chưa bám sát cuộc sống của quy chế xét giải thưởng, danh hiệu gần đây, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Nguyễn Hải Anh cho rằng, ông ủng hộ quan điểm trong tương lai, văn bản phải bám sát và đi trước cuộc sống để tạo cơ chế, hành lang tốt hơn cho xét giải thưởng.
Trả lời phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Hải Anh nói, hiện nay, việc xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh có 9 lĩnh vực, mà mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng. Một văn bản hay thông tư hướng dẫn sẽ khó chi tiết tỉ mỉ cho từng lĩnh vực. Vì thế, các Hội đồng cấp cơ sở hoặc các địa phương khi xét duyệt hồ sơ nên cân nhắc đưa ra tiêu chí phù hợp nhất cho từng lĩnh vực.
Riêng về trường hợp xét đặc cách NSƯT cho nghệ sỹ Bùi Công Duy, ông Nguyễn Hải Anh cũng cho biết, dù thời gian hoạt động chưa đủ, nhưng Hội đồng cơ sở vẫn đề xuất xét đặc cách. Nhưng ở Hội đồng cấp Bộ, trường hợp này không đạt 100% số phiếu của các thành viên hội đồng nên không được thông qua.
Mặc dù việc thông báo làm hồ sơ đã được gửi cho các đơn vị từ cuối năm 2010, nhưng phải đến khi các Hội đồng cơ sở có danh sách chính thức, thông tin xét giải thưởng, danh hiệu mới nóng trên báo chí từ giữa năm 2011. Rút kinh nghiệm về việc này, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng cho rằng, sắp tới Vụ sẽ công bố rộng hơn, lâu hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng và sẽ có trang thông tin điện tử riêng để thường xuyên đăng tải những thông tin về xét giải thưởng, danh hiệu.
Điều này, không chỉ có ý nghĩa làm minh bạch và công khai xét giải thưởng, mà còn giúp cho những nghệ sỹ cao tuổi, có thể hiểu được cặn kẽ nội dung, quy chế về công tác xét giải thưởng, danh hiệu để họ tham gia tích cực hơn.
Đây là năm đầu tiên áp dụng Thông tư hướng dẫn phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT và xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Cái gì mới cũng sẽ lộ ra những bất cập và điểm yếu.
Có thể, quy chế yêu cầu làm hồ sơ xin xét duyệt sẽ là thức thời và công bằng với những nghệ sĩ đứng sau cánh gà như ngành múa rối, các nhạc trưởng, nhạc công, ekip sản xuất phim…- những người chẳng bao giờ được khán giả biết mặt dù họ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật.
Nhưng, giá như, quy chế đừng quá cứng nhắc, Hội đồng cấp cơ sở có tâm, có tầm và minh bạch hơn với việc trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho các nghệ sĩ, có lẽ mùa “giải” năm nay sẽ ít rối ren và không chịu sự ghẻ lạnh của nhiều nghệ sĩ nước nhà.
Nhưng, giá như, quy chế đừng quá cứng nhắc, Hội đồng cấp cơ sở có tâm, có tầm và minh bạch hơn với việc trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho các nghệ sĩ, có lẽ mùa “giải” năm nay sẽ ít rối ren và không chịu sự ghẻ lạnh của nhiều nghệ sĩ nước nhà.
Lam Trần
VnMedia
0 nhận xét