Tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay là giảm lãi hoặc thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa tạm thời
Chi phí sản xuất tăng khiến giá hàng hóa cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Thảo
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp (DN) cho thấy phần lớn lợi nhuận của họ đều sụt giảm mạnh, trong khi đó phần nợ vay lại cao, thậm chí nhiều công ty nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu.
Lãi ít, nợ nhiều
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) mới đây cho thấy tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty cao ngất, 1.092 tỉ đồng/165 tỉ đồng. Trong đó, nợ có lãi vay trên 250 tỉ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ đạt 12,9 tỉ đồng mà chưa tính chi phí lãi vay phát sinh. Nếu tính lãi suất vay trung bình 20% trong năm nay thì tiền lãi mà công ty này phải trả lên đến 50 tỉ đồng/năm. Vì thế, khả năng lợi nhuận âm là khá cao...
Thạc sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho hay báo cáo tài chính quý II của nhiều công ty niêm yết cho thấy DN có tỉ lệ nợ cao hơn vốn chủ sở hữu là rất nhiều. Chính vì vậy mà lợi nhuận họ làm ra đã chi một phần không nhỏ cho lãi vay.
Cũng theo ông Chí, việc hạn chế cung tiền trong thời gian qua đã dẫn đến việc DN vay vốn sản xuất kinh doanh khó khăn, còn DN có nợ phải chịu chi phí lãi vay cao. Đặc biệt, điều đáng báo động chính là dòng tiền mà các DN dùng để thanh toán cho các nhà cung cấp cũng thiếu hụt, tình trạng trì hoãn trong thanh toán ngày càng gia tăng đã gây khó khăn cho các DN khác. Hơn nữa, việc thiếu hụt dòng tiền trong thanh toán làm ảnh hưởng đến kế hoạch thanh toán các khoản nợ vay của ngân hàng, đẩy các DN vào tình thế khó khăn ngày càng chồng chất.
Thu hẹp, đóng cửa
Theo số liệu của Sở Công Thương TPHCM, 6 tháng đầu năm 2011, nhiều DN chọn phương án sản xuất cầm chừng và chỉ nhận các đơn hàng có mức sinh lời cao đủ để bù đắp chi phí. Một số DN tạm đình hoãn, dãn tiến độ thực hiện dự án, hạn chế đầu tư mở rộng quy mô. Một số công ty đã lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị với mức vốn trên 100 tỉ đồng/công ty nhưng phải tạm hoãn, chờ lãi suất ngân hàng “hạ nhiệt” mới dám triển khai.
Một chuyên viên nghiệp vụ của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cũng cho biết từ đầu năm đến nay, có khoảng vài chục DN gửi báo cáo lên Hepza thông báo tạm ngừng triển khai dự án, thu hẹp sản xuất, thậm chí là chuyển nhượng nhà xưởng và chấm dứt dự án… Theo vị cán bộ này, đây là hiện tượng “đột biến” so với thời gian trước đây, cho thấy DN đang thật sự khó khăn và Hepza đang ráo riết tiến hành rà soát để nắm rõ nguyên nhân nhằm đề xuất biện pháp tháo gỡ, giúp đỡ DN.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi cũng cho thấy thời gian gần đây, hiện tượng mua bán nhà xưởng; sáp nhập, mua bán DN diễn ra khá phố biến. Điều này cho thấy nhiều DN đang co cụm, thu hẹp sản xuất…
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay đã có khoảng 5-10 DN nhỏ ngành dệt may đóng cửa vì thiếu lao động, làm ăn không có lời. Một bộ phận DN khác thì thu hẹp sản xuất, đình chỉ các dự án đầu tư mở rộng. “DN dệt may chủ yếu làm hàng xuất khẩu, giá cả đầu ra phải theo mặt bằng chung. Những DN nhỏ, lợi nhuận thấp, không đủ chi phí trả lương cao cho công nhân thì phải sử dụng lao động tay nghề yếu dẫn đến tỉ lệ sản phẩm hư lỗi nhiều… tính ra không có lãi nên phải đóng cửa”. - ông Phạm Xuân Hồng bức xúc.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, than: Nhiều DN trong ngành đã giảm từ 30%-50% công suất (ví dụ trước đây làm 3 ca thì nay xuống 2 ca hoặc ít hơn).
30% DN có “sức khỏe kém” Tại buổi tổng kết tình hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, đại diện Hiệp hội DN TPHCM nhận định: Hiện nay, chỉ có hơn 70% DN trên địa bàn TP đang hoạt động tương đối ổn, số còn lại hoạt động cầm chừng hoặc có nguy cơ ngừng hoạt động. Mặc dù không ít DN nợ nần, trì trệ, thậm chí tạm ngừng hoạt động nhưng theo một chuyên gia tài chính, các DN này vẫn không muốn thực hiện thủ tục giải thể vì nhiều lý do, trong đó có phần do thủ tục rườm rà và liên quan đến nhiều việc mà DN không dễ dàng mạnh dạn “khai tử”. Ngoài ra, đặc thù của DN Việt Nam là linh hoạt, khó khăn mấy cũng cố chèo chống để bám trụ, ngưng hoạt động một thời gian hoặc chuyển sang hoạt động ở ngành nghề, lĩnh vực khác, chờ khi nào có điều kiện sẽ quay trở lại. |
Sơn Nhung – Thanh Nhân
Theo NLĐ
0 nhận xét