PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, đề xuất như trên khi nguồn vốn của các ngân hàng không còn căng thẳng nhưng lãi suất vẫn còn quá cao
Lãi suất quá cao đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Thúy
* Phóng viên: Thưa ông, sau gần 6 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tình hình kinh tế đã có những chuyển biến gì?
* “Dư địa” tăng trưởng tín dụng còn trên 12%, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,57% so với chỉ tiêu 16% nhưng tại sao lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức 18,64%/năm?
- Theo tôi, chính sách tiền tệ đã phát huy hết công suất nhưng lạm phát tính theo năm vẫn 22% cho thấy việc duy trì lãi suất cao, siết chặt tăng trưởng tín dụng không còn là những giải pháp kiềm chế lạm phát chủ lực mà vấn đề nằm ở khâu quản lý và kiểm soát giá cả hàng hóa. Bảy tháng đầu năm 2011, dư nợ cho vay bằng VNĐ cực thấp, trong đó chủ yếu là các khoản vay để đảo nợ bất động sản. Vì thế, Ngân hàng (NH) Nhà nước cần có biện pháp giải quyết gấp tình hình nợ xấu cho vay bất động sản đang gia tăng.
Để lãi suất đi xuống, NH Nhà nước nên thực hiện vai trò cho vay cuối cùng, cam kết hỗ trợ vốn cho các NH thương mại sao cho lãi suất đầu vào luôn ở mức 14%/năm, từ đó lãi suất cho vay sản xuất sẽ lùi về 17%-18%/năm. Việc hỗ trợ vốn nên thực hiện theo hướng bơm tiền trực tiếp cho sản xuất, trong đó ưu tiên cho sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ... Ngoài ra, NH Nhà nước cần sớm tháo gỡ những ách tắc trên thị trường liên NH để điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, tạo sự liên thông giữa thị trường liên NH và thị trường huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế.
* Dư luận đang lo ngại dư nợ cho vay của 7 tháng đầu năm 2011 chủ yếu là cho vay bằng ngoại tệ sẽ tạo áp lực lên tỉ giá cuối năm?
- Chúng ta phải kiên định chống đô la hóa lâu dài, từng bước xóa bỏ phương thức vay trả ngoại tệ, tiến tới giao dịch ngoại tệ chỉ là mua bán. Vì thế, giải pháp trước mắt là tăng cường các giải pháp hạn chế cho vay ngoại tệ bằng cách đẩy lãi suất cho vay USD lên cao. Khi đó, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ sẽ giảm dần.
* Giá vàng leo thang nhưng người dân vẫn “chôn” chặt vàng trong nhà. Làm thế nào để chuyển hóa số vàng đó thành vốn phục vụ nền kinh tế?
- Nên có cơ chế cho phép NH thương mại huy động vàng của dân (không cho vay bằng vàng) rồi thế chấp số vàng đó để vay VNĐ từ NH Nhà nước nhưng phải sử dụng vốn vay có mục đích rõ ràng. Từ đó, NH Nhà nước có thể bán ra thị trường khi giá vàng “nóng sốt”, mua lại khi thị trường hạ nhiệt. Tuy nhiên, NH Nhà nước phải sàng lọc các NH thương mại, công bố xếp loại NH để người dân “chọn mặt gửi vàng”.
Cấp vốn rẻ để giảm lãi suất Tại buổi tham vấn hơn 30 chuyên gia kinh tế về chính sách tiền tệ trong thời gian tới của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào ngày 20-8, nhiều ý kiến đề xuất NH Nhà nước cần can thiệp thị trường vốn, kéo lãi suất đi xuống, song cũng không ít chuyên gia cho rằng cần giảm lạm phát trước, khi đó lãi suất sẽ giảm theo. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, NH Nhà nước cần can thiệp để hạ lãi suất cho vay trước. Có như vậy, tình trạng mất ổn định ở khu vực sản xuất mới được khắc phục và chỉ khi doanh nghiệp hoạt động ổn định mới có thể kéo lạm phát xuống. Do hạn mức tăng trưởng tín dụng còn nhiều nên NH Nhà nước có thể lên một chương trình cấp vốn giá rẻ cho các NH thương mại, kèm theo các điều kiện chặt chẽ để nguồn vốn đó không chảy vào lĩnh vực phi sản xuất, đầu cơ gây lạm phát. Các chuyên gia kinh tế khác cũng kiến nghị nhiều giải pháp giảm dần lạm phát và lãi suất, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đổi mới điều hành chính sách tiền tệ gắn liền việc sắp xếp lại hệ thống NH… |
Thy Thơ thực hiện
NLĐ
0 nhận xét