Hôm nay (14-8), Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 43 (AEM-43) tại thành phố Manado, Indonesia, sẽ kết thúc. Đây là hội nghị nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào cuối năm nay, đồng thời thúc đẩy phát triển, hợp tác và hội nhập kinh tế ASEAN trong năm 2011, hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, sẽ được hình thành vào năm 2015.
- Thực chất, có chiều sâu
Theo TTXVN, các bộ trưởng kinh tế nhất trí cho rằng hợp tác kinh tế ASEAN đang đi vào thực chất và chiều sâu. Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tiếp tục ưu tiên xử lý các vấn đề về vệ sinh kiểm dịch, thuận lợi hóa thương mại, hoàn thiện quy chế cấp chứng nhận xuất xứ và các hàng rào phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Về thương mại dịch vụ, hội nghị nhất trí áp dụng mức độ linh hoạt cần thiết để các nước thành viên có thể kết thúc đàm phán Gói cam kết thứ 8 về mở cửa thị trường dịch vụ trong ASEAN vào cuối năm 2011.
Về lĩnh vực đầu tư, các bộ trưởng thành viên Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN đồng ý với đề nghị các nước còn lại thúc đẩy quá trình tham vấn trong nước, hướng tới việc chính thức đưa Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và 10 danh mục các biện pháp hạn chế đầu tư của các nước thành viên ASEAN có hiệu lực vào cuối năm 2011.
Đặc biệt, hội nghị đã thông qua việc đưa vào thực thi Mô hình cắt giảm/xóa bỏ các hạn chế đầu tư trong ASEAN, nhằm đưa ASEAN trở thành Khu vực đầu tư tự do vào năm 2015.
- Trung Quốc - Đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN
Với tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 230 tỷ USD trong năm 2010, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc đạt 113,5 tỷ USD, tăng 39,1%; nhập khẩu của ASEAN từ Trung Quốc đạt 117,7 tỷ USD, tăng 21,8%.
Tại hội nghị lần này, phía Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện gia tăng tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu ASEAN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đồng thời cam kết hỗ trợ dưới hình thức cung cấp các khoản vay ưu đãi để cải thiện cơ sở hạ tầng cho các nước thành viên ASEAN.
Trung Quốc cho biết rất coi trọng hợp tác kinh tế thương mại giữa các nước thành viên ASEAN+3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản), sẵn sàng tham gia và tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế ở khu vực Đông Á.
- Ưu tiên Khu vực tự do thương mại
Để đối phó với những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, trong đó có yêu cầu hoàn thành hiệu quả và đúng tiến độ các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN từ nay đến năm 2015, các bộ trưởng nhất trí mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư với các nước đối thoại thông qua việc thành lập các khu vực thương mại tự do.
Theo Phó Tổng thống Indonesia Boediono, ASEAN cần phải đẩy mạnh khối khu vực tự do thương mại và có các chính sách kịp thời để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng lương thực và năng lượng. 10 nước thành viên ASEAN với 600 triệu dân cùng tổng GDP hơn 2.000 tỷ USD cần phải liên kết chặt chẽ đề phòng tình huống xấu bất ngờ có thể xảy ra.
Hàng dệt may - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. |
Tại AEM-43, Việt Nam cam kết luôn tích cực đóng góp nhằm xây dựng một Cộng đồng kinh tế ASEAN vững mạnh, hội nhập sâu rộng, khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong khu vực và quốc tế.
Hiện ASEAN là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
| |
HẠNH CHI
Theo SGGP
0 nhận xét