Nhiều người thường gọi ông Nguyễn Bừa ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng là “Bụt Bừa” vì 10 năm nay ông lấy đèo Hải Vân làm chốn mưu sinh, làm rất nhiều việc thiện, quên thân cứu người
Đèo Hải Vân dài hơn 20 km, quanh co và khúc khuỷu khiến không ít người qua đây phải thót tim. Bất kể lúc nào, xa hay gần, hễ có ai cần, gọi điện là ông đến ngay.
Người hộ đường
Từ hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Bừa trở thành người hộ đường thân quen cho những ai đi qua đoạn đèo dốc nguy hiểm này. Ông lấy công việc vá xe lưu động làm nghề mưu sinh.
Không quản xa gần, cứ hễ có ai gọi vá xe là ông lên chiếc xe máy cũ kỹ chạy đến ngay lập tức. Ông tâm sự: “Đi đèo dốc đã mệt mỏi, gặp bánh xe bị thủng ai mà dắt nổi. Mình đến được cho họ đỡ khổ”. Mỗi lần vá xe, ông cũng chỉ lấy giá rất mềm so với giá cao ngất ngưởng của dân hành nghề vá xe trên đèo. Thậm chí gặp khách nghèo, ít tiền, ông vá xe, thay ruột miễn phí.
Ông Bừa kể có lần ông nhận được điện thoại đến vá xe gần khu vực Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Mất 10 km đến nơi, ông thấy hai thanh niên đang loay hoay với chiếc vỏ xe bẹp dúm do ruột xe bị thủng, ông phải thay ruột xe mới. Xong đâu vào đấy, hai thanh niên lúng túng nói: “Bọn con hết sạch tiền rồi chú ơi”. Ông cười xòa: “Không sao, lần sau các cháu ghé trả cũng được”. Khi kể về những lần giúp đỡ, làm công không cho người đi đường, ông Bừa cười: “Mình nghèo nên… nghèo thêm một chút cũng chả sao. Làm được chút việc thiện, thật cũng ấm lòng”.
Ông Nguyễn Bừa chăm lo hương khói cho miếu trên đỉnh Hải Vân
Ai đi ngang qua đèo Hải Vân, nếu để ý hai bên đường, sẽ thấy số điện thoại của ông Bừa ghi trên những phiến đá. Bà Phạm Thị Kim Minh, vợ ông, bộc bạch: “Ông ấy muốn nhiều người biết số điện thoại để được giúp. Tôi cũng thấy vui mỗi khi ông ấy giúp được ai đó gặp trắc trở dọc đường”. Vợ ông Bừa cũng mưu sinh trên đỉnh đèo với thúng hàng rong bán cho khách du lịch. Buổi trưa là lúc vợ chồng ông đoàn tụ bên mâm cơm đạm bạc được chuẩn bị từ sáng sớm. Đến chiều, ông lại chở vợ trở về nhà dưới chân đèo Hải Vân thuộc TP Đà Nẵng.
Cứu người là trên hết
Kỷ niệm cứu người mà ông Bừa vẫn còn nhớ rất rõ đó là vào một buổi tối cận Tết năm 2005. Lúc đó khoảng hơn 21 giờ, khi cả gia đình ông đã đi ngủ hết thì có tiếng gọi của hàng xóm báo tin có người chết ở cống trên đèo. Ông vội ngồi dậy mặc áo khoác và cầm đèn pin lên xem thực hư. Đến nơi, ông thấy có nhiều người vây quanh miệng cống. Không chần chừ, ông tìm cách leo xuống. Phát hiện người này vẫn còn thở, ông vội bảo mọi người hỗ trợ đưa lên rồi đón xe đưa vào bệnh viện... Người bị nạn là một sinh viên may mắn được cứu sống, xin nhận ông Bừa làm cha nuôi. “Nhờ trời mà giờ tôi có được đứa con nuôi tình nghĩa” - ông nói.
Không chỉ cứu người, nhiều lần ông Bừa còn tự tay mai táng cho những người không may gặp nạn trên đèo. Có lần, người ta phát hiện xác một bà cụ đang trong quá trình phân hủy dưới cống. Lo cho người chết không toàn thây, ông không ngần ngại mang thi thể về phường và đứng ra tổ chức ma chay, tẩm liệm, chờ người nhà nạn nhân đến đưa về. Ông nhớ lại: “Khi cùng với thân nhân đưa thi thể bà cụ về gần nghĩa trang của gia tộc thì tôi thấy nhẹ lòng”.
Rồi có lần, ông đã chấp nhận xuống vực sâu hơn 450 m để tìm xác của 2 nạn nhân gặp nạn trong khi điều khiển xe múc bị lao xuống vực. Đến nơi, bàng hoàng với 2 thi thể không còn vẹn toàn do độ sâu quá lớn, ông ngậm ngùi, kỹ lưỡng nhặt từng chút một rồi gói và mang lên chờ người thân đưa thi thể họ về quê mai táng.
Ước nguyện nơi đỉnh đèo
Mỗi ngày, từ sáng tinh mơ ông đã có mặt trên đỉnh đèo và cho đến khi trời chập choạng tối, sương mù bao phủ, ông bắt đầu quay về nhà. Mỗi lúc như thế ông không quên lau dọn miếu và thắp nén nhang cho không khí ấm cúng rồi mới về. Nhờ có ông mà cái miếu cô quạnh ở đỉnh đèo ngày nào cũng hương khói nghi ngút.
Từ khi thông hầm Hải Vân, lượng người đi qua đèo vơi đi thấy rõ. Thế nhưng khi được hỏi về việc rời bỏ ngọn đèo này để tìm nơi khác mưu sinh thì ông Bừa lắc đầu. Tâm nguyện của ông là gắn bó với đỉnh Hải Vân này cho đến một ngày không còn đi được nữa mới thôi. Ngày nào vắng mặt trên đỉnh đèo là ngày đó ông bồn chồn, đứng ngồi không yên. Ông lo lỡ có ai muốn vá xe thì không có người vá hoặc lúc túng tiền lại gặp bọn chặt chém hoặc lo lỡ có ai gặp nạn giữa đèo thì không người cứu chữa.
Những cái lo không đâu vào đâu ấy của ông mà có nhiều người nể phục và họ xem ông như Bụt. Nhiều người thường gọi ông là “Bụt Bừa”, một bông hoa việc thiện ở nơi heo hút, hiểm nguy.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một người chạy xe ôm dưới chân đèo Hải Vân khi nói về ông Bừa, nhận xét: “Có được mấy người như ông ấy đâu. Thấy ai gặp nạn cũng nhào vô cứu, chết chóc kiểu chi ông cũng cẩn thận coi như người thân thích, ruột rà”. |
Bài và ảnh: BÍCH VÂN
NLĐ
0 nhận xét