Bạo loạn lan rộng
Bước sang ngày thứ 4, cuộc bạo loạn bùng phát từ khu vực Tottenham, phía Bắc Thủ đô London của Anh không những không giảm mà còn lan rộng đến các thành phố khác như Liverpool, Birmingham, Nottingham và Bristol.
Hàng loạt hình ảnh và đoạn phim trên các phương tiện thông tin cho thấy bầu không khí hoang mang và hoảng loạn đang bao trùm xứ sương mù khi những nhóm thanh niên trẻ dùng khăn bịt mặt xông vào cướp phá các cửa tiệm, khuân những thùng hàng hóa chất lên xe. Ở khu vực phía Nam London, nhiều thanh niên quá khích còn đốt nhà và ô tô ở khu Peckham, Lewisham và Croydon.
Trước diễn biến bạo loạn leo thang, hàng loạt quan chức cao cấp, trong đó có Thủ tướng David Cameron và Bộ trưởng Quốc phòng Theresa May phải cắt ngắn kỳ nghỉ hè để trở về triệu tập cuộc họp ủy ban khẩn cấp bàn cách đối phó với cuộc bạo loạn tồi tệ nhất nước Anh trong vòng 25 năm qua.
Bạo loạn đang lan rộng khắp các thành phố lớn của Anh. |
Những cuộc biểu tình, bạo loạn của giới trẻ từng xảy ra ở Anh. Người ta chứng kiến những cuộc đốt phá cướp bóc tương tự vào đầu những năm 1980 khi kinh tế Anh suy thoái. Năm ngoái, vì bất mãn với việc tăng học phí, sinh viên biểu tình chiếm một tòa nhà gần Quốc hội, chặn chiếc xe Rolls-Royce chở Thái tử Charles và vợ. |
Trong khi đó, chính quyền London phải tăng số cảnh sát từ 6.000 lên 16.000 tràn ngập phố phường London với trấn áp được làn sóng người gây rối.
Bất mãn xã hội
Cuộc bạo loạn kinh hoàng trên bùng phát từ cái chết đang tranh cãi của một thanh niên 29 tuổi có bốn con tên Mark Duggan hôm 4/8. Người nhà nạn nhân phẫn nộ cho rằng, Mark Duggan bị cảnh sát bắn chết mà không đưa ra lời giải thích.
Chính vì vậy, không ít người xuống đường đòi công lý cho Mark Duggan, khơi mào bạo lực. Tuy nhiên, dư luận Anh cho rằng, cái chết của Mark Duggan đơn thuần chỉ là mồi lửa thổi bùng cơn thịnh nộ vốn đang âm ỉ trong xã hội Anh kể từ khi Chính phủ thực hiện hàng loạt các biện pháp cắt giảm ngân sách, gây ảnh hưởng lớn tới hệ thống phúc lợi và dịch vụ công cộng.
Số liệu thống kê của Chính phủ Anh cho thấy, nợ công của nước này lên tới 959 tỷ bảng, tương đương với hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo dự đoán, đến cuối năm nay mức nợ này sẽ vượt lên 1.100 tỷ bảng. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 17 năm qua (8%). Số thất nghiệp trong giới trẻ, từ 16 đến 24 tuổi tăng 30.000 người lên 974.000 người, chiếm 20,6% số người trong độ tuổi lao động. Đây là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1992. |
Theo ông, những thanh niên tham gia vào các vụ gây rối trên đường phố không phải là con cái những người nhập cư nghèo và ít học. Ông khẳng định, những cuộc bạo loạn phản ánh sự bất mãn của dân chúng đối với nỗ lực yếu kém của Chính phủ trong việc tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. “Lớp trẻ làm vậy để bày tỏ rằng cần phải thay đổi chính sách kinh tế và xã hội”, ông Boris nhấn mạnh.
Giới phân tích cho rằng, sự bất mãn trong bộ phận thanh niên thất nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo loạn. |
Thêm vào đó, các nhà xã hội học tham gia chương trình bình luận trên BBC cũng cho rằng, nguyên nhân sâu xa của làn sóng bạo động hiện nay tại Anh chính là tình trạng hỗn loạn “lan từ trong nhà ra phố”. Nói cách khác, có một bộ phận giới trẻ đô thị thất nghiệp và bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng đồng. Đây là những thành phần được cho là "không có gì để mất" nên cũng chẳng có lý do gì để họ tuân thủ các nguyên tắc xã hội.
Đại đa số những người tham gia bạo loạn ở London và các thành phố khác là thanh thiếu niên và hầu hết số bị bắt cũng nằm trong lứa tuổi này. Nhiều trẻ em 12 đến 13 tuổi cũng tham gia các vụ hôi của trên đường phố. Các thiếu niên này còn sử dụng điện thoại di động và các trang xã hội trên Internet để hô hào nhau đi làm loạn và khoe những thứ cướp được như chiến lợi phẩm. |
Với một cách nhìn khác, một số chuyên gia phân tích lại cho rằng, làn sóng bạo động tại Anh phản ánh “khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với cảnh sát”.
Quả thực, các cuộc bạo động xảy ra giữa lúc cơ quan cảnh sát đang bị nghi ngờ tham nhũng trong vụ nghe lén của tờ báo News of the World. Do vụ tai tiếng này mà cảnh sát Anh mất cùng một lúc hai người đứng đầu là giám đốc Paul Stephenson và phó giám đốc John Yates. Sự rối loạn bộ máy hành chính cũng giải thích phần nào vì sao cảnh sát Anh không nhanh nhạy trong việc đối phó với bạo động.
Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì cuộc bạo loạn bùng phát tại Thủ đô London cũng là một tín hiệu cảnh báo Anh với nhiều nguy cơ khác có thể xuất hiện. Các cuộc bạo loạn đã và đang lan rộng diễn ra trong bối cảnh món nợ công khổng lồ tác động đến toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước này.
Trong khi đó, cuộc chiến ở Libya với sự tham gia của quân đội Anh đang ngốn không ít tiền bạc được xem là nhân tố nhạy cảm tác động mạnh tới làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Chính phủ của Thủ tướng David Cameron khó có thể biện minh khi vung tiền bạc và nhân lực vào cuộc chiến đầy mạo hiểm ở một chiến trường tận Bắc Phi trong khi tình hình an ninh trong nước đang lộ rõ những bất ổn.
Quả thực, triển khai cảnh sát dày đặc để dẹp yên bất ổn sẽ sớm có kết quả, nhưng giải quyết những vấn đề xã hội, cộng đồng và kinh tế, nguyên nhân xâu xa của bạo loạn là thách thức dài hạn đối với Chính phủ Anh.
0 nhận xét