Theo nhiều chuyên gia, giá vàng liên tục biến động mạnh ở nước ta thời gian vừa qua chủ yếu là do bị bế quan tỏa cảng
Giá vàng tại Việt Nam đã có những đợt biến động mạnh kể từ tháng 4-2002 - đây cũng là thời điểm giá vàng thế giới bật tăng trở lại - nhưng chưa bao giờ bộc lộ nhiều bất ổn như những ngày đầu tháng 8-2011 vừa qua.
Biểu hiện lờn thuốc
Thị trường vàng Việt Nam đang có nghịch lý lớn: Là nước nhập khẩu vàng (95%), tức là ở vị trí chấp nhận giá thay vì làm giá nhưng trong thực tế, vàng nước ta luôn lập kỷ lục về giá và thường sớm hơn giá thế giới cả tháng.
Công cụ duy nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng để bình ổn thị trường vàng từ trước đến nay là cấp quota nhập khẩu. Tất cả đều theo một kịch bản: Giá vàng thế giới nhích lên, giá trong nước tăng theo, các cửa hàng bán ra nhỏ giọt bằng cách thông báo hết vàng, nhận tiền trước giao hàng sau, thậm chí đóng cửa tạm ngừng giao dịch.
NHNN theo dõi sát thị trường, khi giá lên đỉnh điểm, bỏ quá xa giá thế giới thì ra quyết định cấp quota nhập khẩu để tăng cung, hạ nhiệt giá. Năm 2010, NHNN đã 4 lần cấp quota nhập khẩu để ngăn chặn các cơn sốt giá, trong đó 2 đợt cấp cuối năm chỉ cách nhau chưa đầy 4 tuần.
Đợt cấp quota nhập khẩu 5 tấn vàng hôm 9-8 là lần cấp quota thứ 2 trong năm 2011. Thị trường đã có biểu hiện lờn thuốc trước công cụ hành chính này của NHNN, lâu lâu lại có đợt tăng giá bất thường mà ngay cả NHNN cũng thừa nhận là có biểu hiện đầu cơ. Hôm 8-8, một thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ đã dự đoán nhiều khả năng NHNN sẽ tung ra một biện pháp can thiệp khác, không phải cấp quota vì các doanh nghiệp vừa mới xuất vàng.
Theo một cán bộ Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN, NHNN chưa sử dụng vàng dự trữ để can thiệp thị trường (mua vào - bán ra) vì tỉ lệ nắm giữ vàng thuộc dự trữ ngoại hối Nhà nước còn quá mỏng, chiếm khoảng 4%-5%, trong khi mức bình quân của thế giới hiện nay là khoảng 10,2%. Trong suốt thời gian từ năm 1999 đến nay, lượng vàng dự trữ của Việt Nam chỉ được bảo toàn giá trị trong kho nhằm hỗ trợ cán cân thanh toán kịp thời khi cần thiết.
Người dân đổ xô mua vàng trong đợt tăng giá vừa qua. Ảnh: Hồng Thúy
NHNN không có bất cứ một nghiệp vụ đầu tư vàng nào trên thị trường quốc tế từ quỹ vàng bình ổn. Việc mua vàng cho mục đích cất trữ giảm mạnh trong các năm 1999 đến hết quý I/2002 do kinh tế phát triển, giá cả hàng hóa ổn định khiến vai trò tiền tệ của vàng ngày càng giảm.
Hoạt động can thiệp bình ổn giá vàng của quỹ bình ổn tỉ giá và giá vàng chỉ mới được thực hiện dưới hai hình thức: Bán ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng và cấp quota cho từng doanh nghiệp.
Cho đến nay, NHNN chưa ban hành cơ chế can thiệp thị trường vàng trong nước, chưa quy định một số điều kiện khung tối thiểu đối với hoạt động can thiệp, như: giá vàng trong nước chênh bao nhiêu % so với giá thế giới thì sẽ được can thiệp; phương thức, phạm vi và quy mô can thiệp như thế nào, đơn vị nào đứng ra can thiệp…
Chặn cửa liên thông với thế giới
Tháng 5-2008, NHNN ngừng cấp phép nhập khẩu vàng để hạn chế nhu cầu ngoại hối, kiềm chế thâm hụt thương mại, giảm sức ép lên lạm phát. Mặt trái của chính sách này là tạo ra khan hiếm vàng hay ít nhất là khái niệm khan hiếm vàng. Khi chênh lệch giá trong nước - quốc tế lên cao, lại không được nhập khẩu chính thức, nhà đầu cơ đẩy mạnh mua USD để nhập lậu vàng, tạo áp lực khan hiếm USD và đẩy giá ngoại tệ này lên cao.
Từ cuối năm 2009, NHNN cũng bỏ luôn chế độ cấp phép xuất khẩu vàng tự động để giữ nguồn vàng trong nước. Bộ Tài chính có Thông tư 184 quy định từ ngày 1-1-2010 áp thuế xuất khẩu 10% đối với các loại vàng nguyên liệu, vàng trang sức có hàm lượng cao, thay cho mức cũ là 0%, trước tình trạng lách luật xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang để hưởng thuế 0%.
Số tiền xuất khẩu 30 tấn vàng từ đầu năm đến nay được liệt kê vào thành tích giảm nhập siêu. Bộ Tài chính cũng vừa bổ sung quy định đánh thuế xuất khẩu 10% đối với nữ trang xuất khẩu có hàm lượng vàng từ 80% trở lên, thời gian áp dụng từ ngày 6-8.
Cơ chế xuất - nhập khẩu bị siết chặt cùng với việc cấp giao dịch tài khoản vàng trong nước và quốc tế đã khiến cửa vào, cửa ra của vàng đều bị chặn, thị trường trong nước không liên thông với thị trường thế giới.
Trong khi đó, phạm vi kinh doanh vàng ở Việt Nam hiện nay khá rộng và khó kiểm soát. NHNN chỉ quản lý một số hoạt động về vàng với tư cách là tiền tệ như xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng.
Các hoạt động mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, vàng miếng được coi là hoạt động kinh doanh bình thường, chỉ cần bên bán có đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, các cơ quan quản lý không thể nắm rõ số lượng vàng đang trôi nổi ngoài thị trường là bao nhiêu. Đây chính là cơ hội để các nhà đầu cơ chờ hội tụ đủ các điều kiện, mà quan trọng nhất là giá vàng thế giới tăng, để đẩy giá vàng trong nước lên, gây lũng đoạn thị trường. Đi cùng với các đợt đầu cơ đó, giá USD cũng tăng đột biến để gom mua vàng lậu chuyển vào Việt Nam.
Người dân lãnh đủ
Năm 2010, các doanh nghiệp vàng trong nước cũng đua nhau xuất khẩu khi giá thế giới vừa nhích lên. Cụ thể, tháng 5-2010, xuất khẩu vàng của Việt Nam tăng 13,8% so với tháng 4 và đến tháng 8 tăng vọt lên 45,5% so với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý đạt 2,3 tỉ USD, trong đó chủ yếu là vàng. Hiện tượng ồ ạt xuất vàng tiếp tục tái diễn trong năm nay được nhiều chuyên gia xem là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho cơn sốt vàng vừa qua.
Trong mỗi lần sốt giá, NHNN đều truyền đi thông điệp “NHNN khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua vàng, tránh những thiệt hại không đáng có”. Thế nhưng, cảnh ồ ạt mua vào khi giá cao rồi vội vã bán tháo khi giá giảm vẫn là “điệp khúc” lặp đi, lặp lại trong mỗi cơn sốt vàng, mà lãnh đủ hậu quả là những người dân rút tiền tiết kiệm đi mua kim loại quý này.
Tâm lý đám đông của dòng người đổ xô xếp hàng mua vàng lúc giá cao, bán lúc giá thấp không chỉ bắt nguồn từ việc thiếu thông tin mà quan trọng là từ cơ chế quản lý bất cập đối với thị trường vàng và sâu xa hơn là thực trạng nội tại của nền kinh tế. Trong bối cảnh lạm phát danh nghĩa mỗi năm 20%, gửi tiết kiệm chỉ được lãi 14% và VNĐ gần như là đồng tiền duy nhất mất giá so với đồng USD, vì thế người dân không thể không tăng tích trữ vàng.
Cần lập sở giao dịch vàng quốc gia Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính), đã đến lúc thị trường vàng cần một lời giải căn cơ có tính thị trường, chuyên nghiệp và tạo điều kiện để ổn định, phát triển thị trường tài chính. Muốn vậy, cần thành lập sở giao dịch vàng quốc gia. Bất chấp việc đóng cửa sàn vàng hoặc những thay đổi trong chính sách quản lý, nhu cầu tích trữ, đầu tư vàng vẫn còn nên kênh đầu tư vàng cần được khơi thông, tạo ra dòng chảy cho thị trường vàng dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Ông Ánh cho rằng sở giao dịch vàng quốc gia sẽ thực hiện trên cơ sở khớp lệnh liên tục, giá vàng sẽ do cung - cầu quyết định, giúp loại bỏ tình trạng thao túng thổi giá hoặc ghìm giá quá mức bởi một số đối tượng đầu cơ như thời gian vừa qua. NHNN có thể là một đầu mối tổ chức thành lập, giám sát và quản lý vận hành sở giao dịch vàng này. Một chuyên gia khác thuộc NHNN cũng tán thành giải pháp nghiên cứu thành lập và cho hoạt động 1-2 sở giao dịch vàng, trên cơ sở xây dựng, ban hành đầy đủ cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động của tổ chức này, đồng thời phân tích rõ những tác động về kinh tế - xã hội của nó ở cả tầm vi mô và vĩ mô. |
10 năm, giá vàng tăng 464% Ông Phí Đăng Minh, nguyên vụ phó Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN, cho biết theo phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê giai đoạn 5 năm 2009-2014, vàng không được tính trong 572 nhóm hàng và dịch vụ của rổ hàng hóa nhưng giá của nó lại có tác động gián tiếp đến chỉ số CPI. Khi giá vàng tăng, các nguyên liệu đầu vào phục vụ việc sản xuất, chế tác các dòng sản phẩm liên quan đến vàng hoặc ngành vàng - bạc - đá quý sẽ tăng theo khiến giá bán các mặt hàng này cũng tăng lên. Khi giá bán các sản phẩm kim loại, đá quý tăng, các sản phẩm này sẽ tác động gián tiếp đến rổ hàng hóa. Bên cạnh đó, giá vàng tăng còn tác động đến giá nhiều hàng hóa khác vì giao dịch nhiều tài sản có giá trị lớn đều được quy ra vàng. Theo ông Minh, trong 10 năm 2000 - 2010, USD mất giá 37,5%, trong khi vàng lên giá 464%. Trong giai đoạn này, chỉ số vàng dự trữ của các nước đều tăng. Tổng vàng vật chất thế giới hiện có khoảng 163.000 tấn. Năm 2010, tổng nhu cầu vàng thế giới hơn 3.812 tấn, quy ngoại tệ là 150 tỉ USD. |
Phương Anh
Theo NLĐ
0 nhận xét