Nhà văn - đạo diễn - kịch tác gia - diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc luôn canh cánh bên lòng về sự phát triển của sân khấu Việt Nam
* Phóng viên: Là người mê dựng kịch thể nghiệm và được tiếp xúc nhiều với các tác phẩm sân khấu thể nghiệm đương đại của thế giới, chị đã thu hoạch được những gì để đầu tư cho các tác phẩm sân khấu của mình?
- Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Cho dù những người sáng tạo ấy có tung hoành ngang dọc đến đâu, ẩn đằng sau những hình thức phá cách, bay bổng đến độ bất bình thường, tôi vẫn nhận ra những thông điệp đầy tính nhân văn, sự trăn trở của họ về sự phù du của kiếp người, nỗi cô đơn bất khả cảm thông, khát vọng được chia sẻ, được bước qua những ngộ nhận phi lý để người đến được với người, cho dù đôi khi điều đó chỉ là ảo vọng.
* Những tác phẩm nào “ám ảnh” nhất đối với chị?
- Ví dụ năm 2001, dự Festival Sân khấu giáo dục ở Jordan, do một người bạn đã qua đời của tôi là Geolf Gilham tổ chức, có một đạo diễn trên dưới 20 tuổi đến từ Anh đã trình bày vở Vua Lear của Shakespeare theo dạng “kịch trong kịch”. Những người di dân tụ tập diễn kịch trong vòng rào kẽm gai với khán giả là hai anh lính gác mặt lạnh như tiền, mặc quần jeans xanh, áo pull đen, đầu trọc, miệng nhai nhóc nhách kẹo chewing-gum. Vở kịch chưa xong, lệnh chuyển trại đến, những vua quan, công chúa lẫn thần dân đều lếch thếch cất bước chuyển đi trên con đường vô xứ. Hay vở Người ở La Mancha, tại New York 2003, nhà văn kiêm kịch tác gia Cervantes bị liệng vào ngục tối cùng rương bản thảo, ông quơ các cô gái điếm, dân trộm cướp để tập vở Don Quichotte. Cơn hấp hối của ông lấy đi bao nhiêu nước mắt của khán giả Mỹ ngồi quanh tôi. Để truyền niềm hy vọng đến người xem, ông vét chút sức tàn lực kiệt vùng lên chiến đấu cho đến cùng với những thế lực tội ác muốn diệt đi sức sáng tạo trong ông. Vở Con đĩ và ngài tổng thống của Ratna, một người bạn viết kịch bị vào tù ra khám của tôi ở Indonesia. Vở ấy được một lãnh tụ Hồi giáo mang hoa đến tặng, trong lúc các cấp thấp hơn đòi lấy mạng tác giả, chỉ vì một lớp kịch trong tù, khi được nghe hồi kinh trước giờ bị xử tử, cô gái điếm đã chất vấn những ai có trách nhiệm với đời cô: “Khi má con bán con vào động điếm lúc con mới lên 8, ông ở đâu?Khi tôi trở thành một nô lệ tình dục của viên bộ trưởng đó, các người ở đâu?”.
Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc vai bà Nguyễn Thị Thập trong Đêm huyền thoại. Ảnh: Thanh Hiệp
* Theo chị, sân khấu đương đại của Việt Nam đã tiếp cận đến cấp độ nào so với các vở cùng thể loại ở các nước khác, đặc biệt so với các nước trong khu vực?
- Có những điều lẽ ra sân khấu các nước phải học ở sân khấu truyền thống lẫn đương đại của Việt Nam. Thua thiệt hơn so với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu đương đại của Việt Nam tiếc là thiếu quá nhiều điều kiện để tiếp xúc giao lưu với sân khấu thế giới. Ta bị sa vào chuyện sống còn và tồn tại. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, tình cờ sân khấu mình có những tác phẩm thú vị - cũng có thể gọi là đương đại, nhờ vào sự độc lập mà vẫn đầy đủ tính độc đáo và sự chia sẻ với người cùng thời của nó. Chuyện lạc hậu nhất của ta là trong lúc các sân khấu có khả năng sáng đèn không có nhà riêng để an cư “sinh con, đẻ cái” thì một số nhà hát không có khả năng sáng đèn nhưng lại có nhà đất để dùng vào những việc sai chức năng.
* Bao giờ chị sẽ dàn dựng kịch thể nghiệm tại Việt Nam?
- Tôi rất muốn được dàn dựng kịch thể nghiệm cho các sân khấu trong nước nhưng phải đến cuối năm, sau khi những dự án về điện ảnh của tôi hoàn thành (bộ phim mang tên Lai, do đạo diễn Hùng Phương dàn dựng sẽ quay tại Việt Nam và Hàn Quốc). Hiện nay, tôi đã chuyển thể Việt hóa kịch bản Ngư ông và biển cả cho sinh viên lớp đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM làm vở tốt nghiệp và viết theo đơn đặt hàng của một số đạo diễn để tham gia liên hoan sân khấu dành cho các đạo diễn trẻ toàn quốc sắp diễn ra. Tất cả đều là vở mang tính thể nghiệm trong dàn dựng với xu hướng rất mới. Dù sao, tôi cũng gián tiếp làm được công việc mình thích, đó là góp phần làm mới hơn sân khấu Việt.
* Đi lại giữa hai đất nước (Mỹ và Việt Nam)cách xa nhau nửa vòng trái đất như vậy, liệu có trở ngại cho công việc của chị?
- Chỉ một điều đáng than phiền là vé đi lại xuyên đại dương quá cao với người thường (bị) làm việc thiện nguyện như tôi. Có những chuyến đi, thù lao không đủ mua nửa vé máy bay. Trước mắt, tôi đang phụ một tay với hai đạo diễn sẽ thực hiện hai phim truyện nhựa dự kiến bấm máy vào tháng cuối của năm này và vào mùa xuân năm tới. Hai kịch bản này đã được chúng tôi viết cách đây 5 và 6 năm. Tháng 11, tôi được tham gia viết và dàn dựng cho một chương trình mang tên Con Rồng cháu Tiên cho một bảo tàng về trẻ con Việt Nam ở New York. Ngay sau đó, cùng với nhóm sản xuất và ngôi sao của phim Ngọc Viễn Đông, chúng tôi sẽ sang Toronto dự Liên hoan Phim châu Á vì phim này được chọn chiếu trong đêm khai mạc. Cuối tháng 10 năm nay, cũng là hạn chót tôi phải xong 30 tập phim chuyển từ một tác phẩm văn học của miền Nam. Còn cuối tháng 12 là thời hạn chót cho một tác phẩm văn học của miền Bắc chuyển thành kịch bản phim.
Về nước với ngổn ngang những dự án: Viết kịch bản phim, làm kịch và in sách nhưng đối với “người phụ nữ đa đoan” Nguyễn Thị Minh Ngọc, sân khấu kịch vẫn là ưu tiên số 1 của chị |
Thanh Hiệp thực hiện
Theo NLĐ
0 nhận xét